Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ "quan ngại sâu sắc" về Triều Tiên

Ảnh vệ tinh chụp một phần lò phản ứng 5 MWe [Heinonen-Yongbyon], tháng 5/2013.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc lấy làm "quan ngại sâu sắc" về chương trình nguyên tử của Triều Tiên, điều này được nêu ra trong một báo cáo thường niên gửi các nước thành viên hôm thứ Tư 7/9, đồng thời thúc giục Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi gióng lên hồi chuông cảnh báo hồi tháng 6, lưu ý rằng việc xây dựng mở rộng các cơ sở quan trọng tại khu hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon vẫn tiếp diễn.

Đất nước Triều Tiên tách biệt với thế giới đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa trong năm nay và một số nhà phân tích tin rằng nước này đang chuẩn bị tiếp tục thử vũ khí hạt nhân sau 5 năm gián đoạn.

Trong báo cáo thường niên được công bố hôm 7/9, IAEA cho biết hoạt động đào xúc đã bắt đầu vào tháng 3 gần nơi có tên là Adit 3 nằm trong một bãi thử hạt nhân gần khu dân cư Punggye-ri để mở lại đường hầm thử nghiệm, sau khi nó bị phá dỡ một phần vào tháng 5/2018. Công việc đào xúc tại Adit 3 có thể sẽ hoàn tất vào tháng 5, theo báo cáo.

Một số tòa nhà phụ trợ bằng gỗ cũng đã được xây dựng tại địa điểm này, và IAEA quan sát thấy có các hoạt động sửa chữa các đoạn của một con đường bị sạt lở gần đó.

"Việc mở cửa trở lại bãi thử hạt nhân gây ra lo ngại to lớn, tương tự là việc mở rộng cơ sở máy ly tâm làm giàu đã được báo cáo (tại Yongbyon) và việc lò phản ứng 5MW(e) tiếp tục hoạt động, và các cơ sở khác", cơ quan này cho biết trong một bản tóm tắt những điều phát hiện được.

"Việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ và rất đáng tiếc", IAEA nói thêm.

Ông Grossi kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, hợp tác với IAEA và giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh kể từ khi các thanh sát viên của IAEA rời đi vào năm 2009.

(Reuters)