Thủ tướng Narendra Modi chính thức đưa vào biên chế tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Ấn Độ hôm thứ Sáu 2/9, điều này khẳng định đậm nét về nỗ lực của chính phủ ông thúc đẩy sản xuất hàng quốc phòng trong nước để cung cấp cho quân đội được triển khai ở hai vùng biên giới đầy căng thẳng.
Sau 17 năm chế tạo và kiểm nghiệm, ông Modi vừa đưa tàu INS Vikrant vào biên chế. Đây là tàu sân bay thứ hai hoạt động trong hải quân Ấn Độ và là tàu chiến lớn nhất từng được đóng ở Ấn Độ. Con tàu được chế tạo tại một nhà máy đóng tàu nhà nước ở miền nam.
Ông Modi phát biểu: “Ngày nay, Ấn Độ đã gia nhập những quốc gia trên thế giới có thể chế tạo một tàu sân bay khổng lồ với công nghệ trong nước. Nó là biểu tượng về tiềm năng nội địa, tài nguyên nội địa và kỹ năng nội địa".
Được thiết kế để chở thủy thủ đoàn khoảng 1.600 người và phi đội 30 máy bay, tàu Vikrant vận hành với máy bay MIG-29K do Nga thiết kế, loại máy bay này đã hoạt động trên một tàu sân bay khác của Ấn Độ là INS Vikramaditya, do Ấn Độ mua của Nga.
Hãng Boeing của Mỹ và hãng Dassault của Pháp đang tìm cách cung cấp cho Ấn Độ hơn 20 máy bay phản lực cho tàu Vikrant.
Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, họ chi 12,4 tỷ đô la từ năm 2018 đến năm 2021, nhưng nước này đang tìm cách phát triển năng lực tự sản xuất khi Nga, nước cung cấp vũ khí chủ yếu, gây chiến ở Ukraine và đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Ấn Độ đã xác định có khoảng 8.000 mặt hàng quốc phòng nhập khẩu trị giá khoảng 1,03 nghìn tỷ đô la trong năm 2022-23 là những loại họ muốn các công ty của Ấn Độ tự sản xuất, theo Bộ Quốc phòng.
Ấn Độ có 1,38 triệu người trong các lực lượng vũ trang, với số lượng lớn được triển khai ở biên giới giáp các đối thủ có vũ khí hạt nhân là Trung Quốc và Pakistan.
"Ấn Độ đang làm hết sức mình để trở nên tự chủ", ông Modi nói, đề cập đến máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas và pháo binh.
Tàu Vikrant sẽ bổ sung đáng kể vào khả năng hàng hải của Ấn Độ, cho phép hải quân vận hành hai tàu sân bay trên hai vùng biển khác nhau, cùng với 10 tàu khu trục, 12 khinh hạm và 20 tàu hộ tống.
Trung Quốc, cũng có hai tàu sân bay đang hoạt động và đang chế tạo chiếc thứ ba, có một hạm đội lớn hơn nhiều gồm 335 tàu, bao gồm khoảng 48 tàu khu trục, 43 khinh hạm và 61 tàu hộ tống.
Ông Modi phát biểu: “Những lo ngại về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lâu nay bị làm ngơ. Nhưng ngày nay, khu vực này là một ưu tiên quốc phòng lớn của đất nước chúng ta".
(Reuters)