Căng thẳng về Đài Loan lan vào hội nghị ASEAN trong tuần này

Hội nghị an ninh khu vực ASEAN, ARF, ở Phnom Penh, Campuchia, 5/8/2022.

Căng thẳng về những diễn biến ở Đài Loan làm u ám hội nghị các ngoại trưởng ở châu Á hôm thứ Sáu 5/8, đồng thời làm chuyển hướng sự chú ý tại một diễn đàn được trông đợi sẽ tập trung vào nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar cùng các vấn đề khác.

Hội nghị các ngoại trưởng do khối khu vực Đông Nam Á ASEAN chủ trì bao gồm cả các đối tác từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Australia.

Nhưng các cuộc họp trong tuần này đã chứng kiến sự bất hòa trong giới ngoại giao về chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan, là chuyến thăm đã khiến Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn ở eo biển Đài Loan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề cuộc họp ASEAN: “Không thể biện minh gì cho phản ứng quân sự cực đoan, không tương xứng và có tính leo thang này. Giờ đây, họ đã đẩy những hành vi nguy hiểm lên cao thêm".

Hôm 5/8, các bộ trưởng ASEAN và các đối tác họp toàn thể trong Hội nghị Cấp cao Đông Á và hội nghị thường niên về an ninh mang tên Diễn đàn Khu vực ASEAN, với tổng cộng 27 bộ trưởng ngoại giao tham gia.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã bước ra khỏi phiên họp hôm 5/8 khi người đồng cấp Nhật Bản phát biểu, một người trong phòng họp cho biết.

ASEAN đã ra thông cáo chung hôm 5/8 sau cuộc họp ngoại trưởng của khối, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thông cáo đề cập đến Myanmar nhưng không nói đến Đài Loan.

ASEAN cho biết họ "vô cùng thất vọng" về những tiến bộ hạn chế mà nhà cầm quyền quân sự Myanmar đạt được trong việc thực hiện một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở nước này.

Thông cáo khuyến nghị rằng hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 hãy đánh giá tiến độ của chính quyền Myanmar trong việc thực hiện kế hoạch hòa bình "để định hướng quyết định về các bước tiếp theo".

"Chúng tôi bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Myanmar, bao gồm cả việc hành quyết 4 nhà hoạt động đối lập", thông cáo viết.

Myanmar là một thành viên ASEAN nhưng các tướng lĩnh của họ, những người đã biện hộ rằng các vụ hành quyết gần đây là việc cần thiết, đã bị cấm tham dự các cuộc họp của khối cho đến khi chứng minh được về tiến bộ trong kế hoạch hòa bình ASEAN.

Kế hoạch hòa bình "đồng thuận" gồm 5 điểm kêu gọi chấm dứt bạo lực, để các bên tham gia đối thoại và ASEAN trợ giúp nhân đạo.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy bạo lực ở Myanmar sắp kết thúc, với thực trạng là xung đột lan rộng sau khi quân đội dẹp hầu hết các cuộc biểu tình ôn hòa ở các thị trấn và thành phố.

(Reuters)