Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã hội đàm với các quan chức tại Singapore vào hôm thứ Hai (1/8) khi bắt đầu chuyến công du châu Á, giữa lúc nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh khả năng bà dừng chân ở Đài Loan, vốn đang gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Bà Pelosi đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Halimah Yacob và các thành viên nội các khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Ông Lý Hiển Long hoan nghênh cam kết của Hoa Kỳ trong việc can dự mạnh mẽ với khu vực và hai bên đã thảo luận về các cách để tăng cường sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ thông qua các sáng kiến như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Ông Lý và bà Pelosi cũng thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục, và vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Lý “nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc đối với hòa bình và an ninh khu vực”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm, trong một ám chỉ rõ ràng về những thông tin nói rằng bà Pelosi có thể ghé thăm Đài Loan.
Trong một tuyên bố cuối tuần qua, bà Pelosi cho biết bà sẽ thăm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về thương mại, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh và “quản trị dân chủ”.
Bà không xác nhận các thông tin nói rằng bà có thể đến thăm Đài Loan, nơi Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Trong cuộc điện đàm vào đàm tuần trước với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh báo Mỹ chớ can thiệp vào việc của Bắc Kinh đối với hòn đảo.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 1/8 nhắc lại những cảnh báo trước đó, nói rằng “sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nếu bà ấy nhất quyết thực hiện chuyến thăm”, nhưng ông không nói ra bất kỳ hậu quả cụ thể nào.
“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ tình huống nào xảy ra”, người phát ngôn của Trung Quốc nói. “Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ không bao giờ ngồi yên. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Trung Quốc liên tục gia tăng sức ép ngoại giao và quân sự đối với Đài Loan. Những lời đe dọa trả đũa đối với chuyến thăm của bà Pelosi đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới ở eo biển Đài Loan, nơi chia cắt hai bên, có thể làm chao đảo các thị trường toàn cầu và chuỗi cung ứng.
Bà Pelosi sẽ tham dự một buổi tiệc cocktail vào cuối ngày thứ Hai với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Singapore. Thông tin về chuyến thăm của bà được giữ kín, và truyền thông không được phép tiếp cận.
Dự kiến, bà Pelosi sẽ đến Malaysia vào thứ Ba. Một quan chức Quốc hội giấu tên, vì không được phép nói với truyền thông, cho biết bà Pelosi sẽ thăm Chủ tịch Hạ viện Malaysia Azhar Azizan Harun.
Vào thứ Năm, bà Pelosi sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo tại Seoul để đàm phán về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hợp tác kinh tế và khủng hoảng khí hậu, văn phòng của ông Kim cho biết trong một tuyên bố.
Văn phòng này từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về hành trình của bà Pelosi, bao gồm cả thời điểm bà đến Hàn Quốc và thời gian bà lưu lại.
Lịch trình của bà Pelosi vào thứ Tư vẫn chưa rõ ràng và không có chi tiết về thời điểm bà sẽ đến Nhật Bản.
Bắc Kinh coi việc tiếp xúc chính thức của Mỹ với Đài Loan là sự khuyến khích cho sự độc lập vĩnh viễn trên hòn đảo vốn đã độc lập trên thực tế nhiều thập niên qua, một bước đi mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói họ không ủng hộ. Bà Pelosi, người đứng đầu một trong ba nhánh của chính phủ Hoa Kỳ, sẽ là quan chức dân cử cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich vào năm 1997.
Chính quyền Biden đã cố gắng đảm bảo với Bắc Kinh rằng không có lý do gì để “tấn công” và rằng nếu một chuyến thăm như vậy xảy ra, cũng sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ.