Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, vào cuối tháng này trong khi hai nước có căng thẳng âm ỉ về Đài Loan và thương mại.
"Tôi nghĩ tôi sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập trong vòng 10 ngày tới", ông Biden nói với các phóng viên khi ông trở về sau chuyến công cán tới Massachusetts có liên quan đến vấn đề khí hậu.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo - đã được bàn thảo từ lâu - sẽ là cuộc đầu tiên trong vòng 4 tháng, và sẽ diễn ra ở một thời điểm quan trọng nếu xét đến sự căng thẳng về quy chế của Đài Loan, và cũng trùng với lúc chính quyền của ông Biden cân nhắc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc để giúp giảm áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng Mỹ.
Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính và nói rằng sự tương tác ở cấp cao là điều quan trọng để giữ cho mối quan hệ khó khăn này được ổn định và ngăn chặn nó vô tình trở thành xung đột. Tháng trước, Washington đã thúc ép NATO thông qua một văn kiện chiến lược gọi Trung Quốc là một thách thức an ninh.
Phát biểu với báo giới hôm thứ Tư 20/7, ông Biden tỏ ra hoài nghi về việc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có kế hoạch đi thăm Đài Loan vào tháng tới.
"Tôi nghĩ rằng giới quân đội cho rằng ý tưởng đó không hay ho gì vào lúc này, nhưng tôi không biết tình trạng của nó ra sao", ông Biden nói.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ ghi nhận phát biểu của ông Biden, và rằng Đài Loan và Hoa Kỳ rất tin cậy lẫn nhau và có các kênh liên lạc thông suốt.
Tuy nhiên, bộ này nói thêm rằng họ chưa nhận được "thông tin chính xác" về chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, và không có bình luận gì thêm.
Bắc Kinh nói hôm 19/7 rằng họ sẽ đáp trả bằng "các biện pháp mạnh" nếu bà Pelosi đến thăm hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và rằng chuyến thăm như vậy sẽ "làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".
Văn phòng của bà Pelosi từ chối bình luận về việc liệu chuyến thăm có được tiến hành hay không, với lý do lo ngại về an ninh. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chuyến đi mới chỉ là "giả thiết".
Về thương mại, lạm phát gia tăng đã khiến chính quyền Biden xem xét khả năng giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, bao gồm thuế quan thuộc “Điều khoản 301” do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, ảnh hưởng tới hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 370 tỷ đô la.
Những người liên quan đến các cuộc thảo luận về thuế quan nói với Reuters rằng ông Biden cũng đang cân nhắc liệu có nên kết hợp việc dỡ bỏ một số thuế quan với một cuộc điều tra mới về trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc và nỗ lực làm chủ các lĩnh vực chủ chốt, chẳng hạn như hàng bán dẫn hay không. Một cuộc điều tra như vậy có thể dẫn đến việc đánh thuế thêm.
(Reuters)