Tình hình yên ắng ở thành phố chính của Sri Lanka, Colombo, vào thứ Năm 14/7, trong khi người dân chờ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Nhà chức trách thực thi một lệnh giới nghiêm và quân đội tuần tra trên đường phố để ngăn chặn bạo lực bùng phát.
Ông Rajapaksa, người đã cùng vợ bỏ chạy đến Maldives hôm 13/7 để trốn tránh một cuộc nổi dậy của nhân dân do gia tộc của ông có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng kinh tế làm tê liệt đất nước. Sau đó, ông đi đến Singapore, theo một nguồn tin chính phủ Sri Lanka.
Cuối tuần trước, hàng trăm nghìn người đã chiếm các tòa nhà chính phủ ở Colombo, quy trách nhiệm cho gia tộc Rajapaksa đầy quyền thế và các đồng minh của họ về tình trạng lạm phát phi mã, khan hiếm các hàng hóa cơ bản và nạn tham nhũng.
Quyết định của vị tổng thống hôm 13/7 đưa đồng minh của ông ta là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống càng làm nổ ra nhiều thêm các cuộc biểu tình, trong đó, những người biểu tình xông vào quốc hội và văn phòng thủ tướng yêu cầu ông ấy cũng phải từ chức.
Một trong số những nhà tổ chức biểu tình, Kalum Amaratunga, nói với Reuters rằng có thể sắp xảy ra đàn áp sau khi ông Wickremesinghe gọi một số người biểu tình là "bọn phát xít" trong một bài phát biểu vào tối hôm trước.
Chính phủ đã ra lệnh giới nghiêm ở Colombo từ trưa (06h30 giờ GMT) ngày 14/7 đến sáng sớm ngày 15/7 nhằm không để xảy ra thêm tình trạng bất ổn. Truyền thông địa phương cho thấy những chiếc xe bọc thép chở binh sĩ đi tuần tra trên đường phố của thành phố.
Quân đội cho biết các binh sĩ được quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ người dân và tài sản công cộng.
Cảnh sát cho hay một người đã thiệt mạng và 84 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình hôm 13/7 gần tòa nhà quốc hội và văn phòng thủ tướng, khi người dân đòi phế truất cả ông Rajapaksa lẫn ông Wickremesinghe.
Quân đội cho biết hai binh sĩ đã bị thương nặng khi họ bị người biểu tình tấn công gần tòa nhà quốc hội vào tối 13/7 và bị cướp mất súng đạn.
Tổng thống Rajapaksa đã nhiều lần đảm bảo với chủ tịch quốc hội rằng ông sẽ từ chức vào ngày 13/7, song đến ngày 14/7 vẫn chưa thấy đơn từ chức của ông được nộp, một phụ tá của Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết.
Cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa, đều là anh em của tổng thống, thông báo cho Tòa án tối cao thông qua luật sư của họ rằng họ sẽ ở lại đất nước cho đến ít nhất là ngày 15/7, đáp lại đơn kiến nghị của tổ chức chống tham nhũng Transparency International (Minh bạch Quốc tế). Tổ chức này muốn rằng phải có hành động xử lý "những người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại".
Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ bổ nhiệm một tân tổng thống có đầy đủ quyền hành vào ngày 20/7, và một nguồn tin cấp cao thuộc đảng cầm quyền nói với Reuters rằng ông Wickremesinghe là lựa chọn số 1 của đảng, mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra. Trong khi đó, phe đối lập chọn thủ lĩnh chính của họ là Sajith Premadasa, con trai của một cựu tổng thống.
(Reuters)