Giới lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương nhất trí với nhau rằng họ sẽ có một cách tiếp cận thống nhất vào lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, họ cũng thúc giục các quốc gia phát triển hãy hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, mà họ xem là mối đe dọa lớn nhất đối với các đảo quốc của họ.
Tổng thư ký Diễn đàn các Đảo quốc Thái Bình Dương, Henry Puna, nói với các phóng viên rằng một thông cáo sẽ được công bố vào ngày cuối cùng của hội nghị của diễn đàn ở Suva và thông cáo sẽ cho thấy các nhà lãnh đạo đồng ý tham khảo ý kiến với nhau trước khi tham gia các thỏa thuận an ninh.
Ông cho hay rằng trong tuần này, các nhà lãnh đạo diễn đàn đã bác bỏ một động thái tiếp cận của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh đề nghị 10 trong số 18 nước thành viên của diễn đàn thông qua một thỏa thuận an ninh và thương mại được viết sẵn vào tháng 5, nhưng lại không có thời gian để tham vấn.
"Khu vực này đã không chấp nhận cách tiếp cận đó", ông nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 14/7.
Bản thỏa thuận dự thảo của Trung Quốc đã gạt Australia ra. Australia là thành viên lớn nhất trong diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương và cũng là nước cung cấp viện trợ lẫn thực hiện tuần tra an ninh trong toàn khu vực. Trung Quốc cũng loại ra một số đảo quốc có quan hệ với Đài Loan trong bản dự thảo.
Trong tuần này, Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tăng gấp 3 lần số tiền viện trợ cho các đảo ở Thái Bình Dương theo một thỏa thuận về nghề cá, trong bối cảnh có những lo ngại về tham vọng an ninh của Trung Quốc đối với khu vực cũng như về tiền đầu tư của Trung Quốc liên tục tăng trong một thập kỷ.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Guardian hôm 14/7, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho biết thỏa thuận an ninh mà nước ông đã đạt được với Trung Quốc hồi tháng 5, khiến Hoa Kỳ, Úc và New Zealand lo ngại, sẽ không cho phép có căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đất nước ông vì ông không muốn nước mình trở thành mục tiêu.
Chủ tịch Diễn đàn, cũng là Thủ tướng Fiji, ông Frank Bainimarama nói rằng khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp và các nhà lãnh đạo nhận thấy họ có sức mạnh dựa vào số đông.
Một thỏa thuận đã được ký kết để giải quyết rạn nứt với các quốc gia vùng Micronesia, cùng lúc, các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục đối thoại với Kiribati, quốc gia đã rút khỏi diễn đàn trong tuần này.
Ông cho biết các đảo quốc cũng đạt được thỏa thuận về hành động cho vấn đề khí hậu, các vấn đề hạt nhân và nghề cá, trước khi thông cáo được công bố.
Diễn đàn sẽ kêu gọi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cần phải hỏi ý kiến tư vấn từ Tòa án Công lý Quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu, việc này là một chiến thuật để thúc đẩy các cam kết.
Chủ tịch Diễn đàn, đồng thời là Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama, nói rằng Fiji kêu gọi các nước phát triển bao gồm Australia loại bỏ dần than đá và nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cần tăng cung cấp tài chính để xử lý những "mất mát và thiệt hại" do biến đổi khí hậu gây ra ở các đảo quốc nhỏ.
(Reuters)