Bà Phan Thị Kim Phúc, tức “cô bé Napalm” trong bức ảnh nổi tiếng về vụ tấn công bom napalm ở Việt Nam vào năm 1972, hôm 4/7 đã hộ tống 236 người tị nạn cuộc chiến của Nga ở Ukraine trên chuyến bay từ Warsaw, Ba Lan, đến Canada, hãng thông tấn AP đưa tin.
Tấm ảnh mang tính biểu tượng chụp do nhiếp ảnh gia Nick Út của AP cô bé Phúc lúc 9 tuổi vừa chạy vừa khóc trên đường với cơ thể trần truồng đầy thương tích vì trúng những mảnh bom đã được khắc trên chiếc máy bay của tổ chức tư nhân, phi chính phủ chở những người tị nạn đến thành phố Regina, thủ phủ của tỉnh Saskatchewan của Canada.
Bà Phúc, 59 tuổi, công dân Canada, nói bà muốn câu chuyện của mình và công việc của những người tị nạn là một thông điệp hòa bình. Cùng với chồng là ông Bùi Huy Toàn, bà đã bay từ Toronto để lên chuyến bay nhân đạo sang Ukraine nhằm hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ với bà trước đây.
“Tôi biết cảm giác như thế nào khi ngôi làng của bạn bị đánh bom, ngôi nhà của bạn bị tàn phá, khi nhìn thấy các thành viên trong gia đình chết và xác của những thường dân vô tội nằm trên đường phố”, bà Phúc viết trong bài đăng trên New York Times vào ngày 6/6.
“Đáng buồn thay, chúng cũng là hình ảnh của những cuộc chiến ở khắp mọi nơi, những sinh mạng quý giá của con người đang bị tàn phá và hủy hoại ngày nay ở Ukraine”, bà nói thêm.
Sau thời gian ghét cay ghét đắng tấm ảnh “Cô bé Napalm” chụp mình trần truồng khi còn nhỏ vì xấu hổ, bà chia sẻ rằng bà biết ơn về cơ hội được đóng góp một phần trong việc giáo dục thế giới về sự tàn phá của chiến tranh.
“Chỉ đến khi trưởng thành, sau khi đào tẩu sang Canada, tôi mới bắt đầu tìm thấy sự bình yên và nhận ra sứ mệnh của mình trong cuộc sống, với sự giúp đỡ của đức tin, chồng và bạn bè. Tôi đã giúp thiết lập một quỹ và bắt đầu đi đến các quốc gia bị chiến tranh tàn phá để hỗ trợ y tế và tâm lý cho trẻ em bị thiệt hại do chiến tranh, tôi hy vọng mang đến một cảm giác về những khả năng có thể xảy ra”, bà Phúc chia sẻ về công việc hiện tại của mình.
Bà Phan Thị Kim Phúc là người sáng lập ra Quỹ Kim Foundation International để hỗ trợ cho những trẻ em là nạn nhân chiến tranh.
“Công việc của tôi với những đứa trẻ bị chấn thương như tôi, tôi biết chúng đau đớn như thế nào, và không chỉ nỗi đau về thể xác, mà còn là cơn ác mộng và tổn thương. … Bây giờ tôi đang làm việc, không phải vì bổn phận, không phải vì nhiệm vụ, mà vì tình yêu của tôi”, bà Phúc chia sẻ trên New York Times.
Những người tị nạn mà bà Phúc hộ tống sang Canada vào ngày 4/7 chủ yếu là phụ nữ và trẻ em từ khắp Ukraine. Họ nằm trong số hàng ngàn người Ukraine mà Canada cấp thị thực nhân đạo sau khi Nga xâm lược đất nước Ukraine.
Theo Liên Hiệp Quốc, hàng triệu người Ukraine đã phải chạy trốn chiến tranh kể từ khi bị Nga tấn công nước ngày vào ngày 24/2. Gần 5,5 triệu người đã đăng ký với các tổ chức nhân đạo ở châu Âu. Canada nằm trong số nhiều quốc gia phương Tây cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho người tị nạn Ukraine.