Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh thu hút nhiều sự chú ý diễn ra từ 28-30/6 ở Madrid, khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO công bố bản “Khái niệm chiến lược” mới, trong đó Nga bị NATO xác định là “mối đe dọa trực tiếp và rõ rệt nhất đối với an ninh của Khối đồng minh”, một điều không gây ngạc nhiên. Đồng thời, văn bản quan trọng này nói Trung Quốc, nước nằm cách Đại Tây Dương tới gần 6.000 km, là nguồn cơn của “những thách thức mang tính hệ thống”.
Những dấu ấn khác của hội nghị là các nước NATO cũng nhất trí tăng mạnh khả năng phòng thủ, với việc mở rộng lực lượng phản ứng nhanh từ 40.000 quân lên thành 300.000 quân; và xem xét kết nạp thêm 2 thành viên là Phần Lan và Thụy Điển.
Các diễn biến kể trên đang làm nhiều người đặt câu hỏi liệu NATO trở nên hùng mạnh hơn có phải là một điều tốt, và có phải khối này – với Mỹ là thành viên hàng đầu – đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh với cả Nga lẫn Trung Quốc cùng một lúc?
Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn là đã không ngờ rằng khi ông ta ra lệnh cho xe tăng tiến vào xâm lược Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay, điều mà ông nhận lại là giờ đây NATO sắp kết nạp thêm 2 thành viên và tăng cường các lực lượng chiến đấu ở một loạt nước xung quanh Nga, gồm Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia.
Điều kể trên khá là nghịch lý, theo các bài tường thuật của AP và TIME, bởi vì việc NATO mở rộng trong những năm trước đây làm nảy sinh sự hoang tưởng trong đầu ông Putin, dẫn đến việc ông ta kiếm cớ xâm lược một nước láng giềng có chủ quyền. Nhưng nay, khối NATO lại còn mở rộng hơn nữa. Thậm chí dưới sự dẫn dắt của Mỹ, phạm vi đối phó của khối còn bao gồm cả việc kiềm chế Trung Quốc.
Stuart Crawford, một nhà phân tích quốc phòng từng là trung tá trong quân đội Anh, nhận xét trong một bài viết đăng trên TIME hôm 29/6: “Ta có thể xem cuộc tấn công của Putin vào Ukraine là đòn phủ đầu để chặn việc Ukraine gia nhập NATO. Việc này làm cho ông ra ở vào vị thế thậm chí còn yếu hơn trước”.
Mặc dù vậy, bài báo của cây viết Charlie Campbell đăng trên TIME lưu ý rằng tình hình hiện nay làm nảy sinh những lo ngại rằng các sai lầm trong quá khứ có thể lặp lại, chẳng hạn như việc Hitler lấy cớ nước Đức bị o ép sau Thế chiến I để biện minh cho Đệ tam Đế chế và đã dẫn đến Thế chiến II; cũng như có mối lo rằng và một NATO hùng mạnh hơn có nguy cơ tạo ra những phe đối địch nhau trên thế giới.
Bài viết trích dẫn Robert Hunter, Đại sứ Mỹ tại NATO thời cuối những năm 1990, nói rằng có nguy cơ là các bài học lịch sử bị quên lãng. Ông Hunter chỉ ra rằng hồi những năm 1990, các nhà lãnh đạo thế giới biết rằng “sẽ chẳng có gì nên chuyện nếu ta đẩy nước Nga ra xa. Chúng ta không muốn làm cái điều đã xảy ra với nước Đức năm 1919 [khi Đức thua trong Thế chiến I]”. Điều đó được hiểu rõ cho đến khi người ta cố tình không hiểu.
Một ưu tiên của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vừa qua là bàn thảo cách chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine và bảo đảm rằng một cuộc đổ máu như vậy không thể xảy ra nữa. Tuy nhiên, việc NATO sắp tăng từ 30 lên 32 thành viên và đang bổ sung thêm quân ở những nơi được xem là trọng yếu, trong khi Nga tuyên bố có những hành động đáp trả như có thể trao cho đồng minh Belarus vũ khí hạt nhân, là những diễn biến sẽ không làm hạ nhiệt của tình trạng căng thẳng giữa khối liên minh và nước Nga ít nhất là trong ngắn hạn, các bài báo trên TIME và AP đưa ra quan sát.
Bên cạnh đó, sự kiện gây nhiều chú ý là việc NATO tiếp tục nhắm đến Trung Quốc nhiều hơn, các bài tường thuật của AP, CNN và TIME cho hay. Hội nghị của NATO có sự hiện diện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand với tư cách là quan sát viên là bằng chứng củng cố về việc khối liên minh ngày càng cảnh giác với Bắc Kinh. Động thái của Trung Quốc ủng hộ Nga mặc nhiên làm cho khối liên minh tăng cường sự chú ý của họ đến quốc gia khổng lồ ở châu Á.
Nhưng liệu cách tiếp cận đó của NATO có phải là một diễn biến tích cực? Các nhà phân tích đang đặt câu hỏi rằng Bắc Kinh có thể trả đũa như thế nào nếu Mỹ tiếp tục lôi kéo để các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á trở nên thân thiết hơn với NATO.
Mặc dù tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore hôm 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định “Chúng tôi không mong có cuộc Chiến tranh Lạnh mới, không tìm cách lập NATO ở châu Á, hay một khu vực bị chia rẽ thành các khối đối địch”, nhưng bài viết của TIME cho rằng khi mà an ninh châu Á trở nên chủ yếu xoay quanh việc kiềm chế Trung Quốc, giống như an ninh châu Âu trở nên thuần túy là tập trung vào ngăn cản Nga, đó chính là các mối nguy cơ. Đó là Bắc Kinh xác định rằng họ bị cấu trúc an ninh phương Tây cô lập quá thể nên họ không còn cách nào khác là phải cố gắng phá hoại nó.
“Hàn Quốc và Nhật Bản càng liên kết chặt chẽ hơn với NATO thì Trung Quốc càng liên kết chặt chẽ hơn với Nga”, Lyle Goldstein, giám đốc chuyên trách tương tác với châu Á thuộc tổ chức nghiên cứu-tư vấn Defense Priorities có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ, nói.
Trong khối NATO, cũng vẫn đang có những quan điểm khác biệt về cách thức “xử lý” Trung Quốc, CNN cho hay. Nhà nghiên cứu về an ninh châu Âu Pierre Haroche thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược (IRSEM) ở Paris, tóm lược về hai luồng quan điểm khác biệt nhau như sau: "Liệu ta có muốn làm cho khối của hai con quỷ ‘rồng và gấu’ vững mạnh thêm để chứng tỏ rằng rõ ràng là có một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh’ về ý thức hệ giữa một bên là các nền dân chủ và một bên là các nhà nước chuyên chế, bởi vì điều đó thật thuận tiện để mà nói ra? Hay là dùng một chiến lược tốt hơn, đó là nói rằng hai nước đó, Trung Quốc và Nga, là hai đấu sĩ khác nhau mà thậm chí một ngày nào đó trong tương lai họ có thể chính là đối thủ của nhau”.
Nhiều nhà quan sát khẳng định rằng về nhiều mặt, Trung Quốc – chứ không phải phương Tây – chính là mối đe dọa trực tiếp hơn đối với nước Nga, nhất là xét về đường biên giới chung rất dài và quân đội ngày càng mạnh lên của Trung Quốc.