Các vị tư lệnh quân đội của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Philippines và 14 quốc gia khác họp ở Tokyo trong tuần này, tham gia sự kiện mà Washington hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia có thể giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Hội thảo Chuyên đề của Các Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương (PALS) được Hoa Kỳ tổ chức lần đầu tiên ở Hawaii vào năm 2015 khi Washington bắt đầu chuyển từ chính sách can dự với Trung Quốc sang một chính sách cố gắng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chính sách này bao gồm việc Washington xoay trục quân sự sang châu Á và thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực.
Trung tướng Steven Rudder, Tư lệnh Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, phát biểu: “Không có quốc gia nào có thể tự mình làm tất cả, các nước khác đều có thể đóng góp phần của mình”.
Cuộc hội thảo dài 4 ngày bế mạc hôm thứ Năm 16/6. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản làm chủ nhà của cuộc hội thảo, và nó diễn ra khi Tokyo muốn đảm nhận vai trò an ninh khu vực lớn hơn để đối phó với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Nhật Bản lâu nay chỉ trích 3 nước láng giềng này phớt lờ các chuẩn mực quốc tế, và kể từ khi Moscow tấn công Ukraine, Nhật Bản đã đánh động về viễn cảnh Bắc Kinh sử dụng vũ lực hòng đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của họ.
"PALS 2022 phổ biến một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi không cho phép thay đổi hiện trạng bằng cách đơn phương sử dụng vũ lực", Tướng Yoshihide Yoshida, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ trên bộ của Nhật Bản, phát biểu cùng ông Rudder.
Khoảng 70 đại biểu tham gia PALS đến thăm một căn cứ hải quân và doanh trại quân đội gần Tokyo hôm 16/6 để quan sát các cuộc tập trận và thị sát các thiết bị quân sự, bao gồm tàu đệm khí và máy bay chở quân Osprey. Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cũng trưng bày Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) tương tự như hệ thống mà Lầu Năm Góc đang cung cấp cho Ukraine để giúp nước này chống lại các lực lượng xâm lược của Nga mà Moscow mô tả là đang tiến hành một "chiến dịch đặc biệt".
Các đại biểu tham gia bao gồm cả các vị tư lệnh quân sự từ Đông Nam Á, như Thái Lan và Indonesia, những nước có tranh chấp một phần lãnh thổ với Trung Quốc vì Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, một vùng biển chiến lược.
Cùng tham gia là các đại diện của Anh và Pháp, hai nước từng điều tàu hải quân đến tuần tiễu ở châu Á trong những năm gần đây. Các đảo quốc ở Thái Bình Dương bao gồm Fiji và Maldives cũng cử đại diện của họ.
(Reuters)