Giữa lúc dư luận Việt Nam “dậy sóng” và không ít người hả hê vì sự kiện nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam vào ngày 24/3 với cáo buộc theo Điều 331, một luật sư nói với VOA rằng đây là điều luật “vi hiến”, và cảnh báo rằng điều luật đã biến tất cả người dân Việt Nam trở thành “tù nhân dự khuyết” nếu họ dám đưa ra những quan điểm trái nhãn quan của chính quyền.
“Điều 331 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã vô hình chung biến tất cả công dân Việt Nam đều có khả năng trở thành một tù nhân dự khuyết của chế độ. Chỉ cần họ có bất cứ hành vi, biểu hiện nào đó không phù hợp với nhãn quan, quan điểm chính thống của chính quyền thì Điều 331 sẽ được sử dụng để trấn áp”, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhận định.
Nữ Tổng giám đốc 51 tuổi của Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam vào ngày 24/3 về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định của Điều 331 Bộ luật hình sự.
Vi hiến
Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng đã khuấy động mạng xã hội và cả khu vực xung quanh dinh thự của bà khi một lực lượng hùng hậu gồm các nhà báo, những người làm YouTube và người dân hiếu kỳ tập trung để đưa “tin nóng” về vụ bắt nữ CEO nổi tiếng đình đám trên mạng xã hội.
Ngoài những người hâm mộ, đa số công luận Việt Nam tỏ ra nhẹ nhõm, thở phào vì sẽ không tiếp tục “bị tra tấn” bởi những lời lẽ chỉ trích, công kích nặng nề mà bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng trong các livestream nhắm vào nhiều người khác nhau, bao gồm cả những gương mặt nổi tiếng trong giới nghệ sĩ.
Tuy nhiên, theo lưu ý của LS. Vũ Đức Khanh, Điều luật mà nhà chức trách sử dụng để cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng là một điều luật “vi hiến”. Ông nói đây là điều khoản an ninh nhằm “hình sự hoá những biểu hiện về chính trị” và lâu nay vẫn thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để đàn áp những tiếng nói đối lập, độc lập.
“Vì bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều luồng dư luận không thuận lợi cho bà ấy nên trong trường hợp nhà nước Việt Nam sử dụng điều khoản này thì họ sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào đối với dư luận quần chúng, vì có một lượng dư luận không nhỏ không đồng tình với thái độ cũng như cách biểu đạt ý kiến của bà Nguyễn Phương Hằng”, LS. Vũ Đức Khanh nói với VOA.
Vì vậy, theo ông, nếu không cẩn thận suy xét rõ ràng về điều luật 331, đại đa số dư luận sẽ cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt theo Điều 331 là đúng.
“Chúng ta cần phải nhìn rõ rằng Điều 331 Bộ Luật Hình sự là vi hiến, đồng thời nó cũng phản lại với tất cả quy định của các luật nhân quyền quốc tế và các công ước về quyền dân sự và chính trị”, LS. Vũ Đức Khanh nói thêm.
Trong trường hợp này, theo LS. Khanh, bà Hằng lẽ ra phải đối diện với một vụ kiện về dân sự chứ không phải là hình sự, nếu như có người thưa kiện bà về việc bị bà bêu xấu, nhục mạ hay đưa thông tin không đúng về họ.
Trở thành nạn nhân của điều luật chống ‘phản động’
Khác với đa số trường hợp bị cáo buộc vi phạm Điều 331 trước đây thường là những nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến – tức những người bị xem là có quan điểm đối lập về chính trị với chính quyền – bà Nguyễn Phương Hằng bị cáo buộc tội danh theo Điều 331 trong khi bản thân bà thường xuyên bày tỏ quan điểm ủng hộ đường lối của Đảng và Nhà nước trong các buổi livestream. Bà cũng không ít lần chỉ trích nặng nề những người mà bà gọi là “phản động”.
Cách thức làm show theo kiểu “chửi hết mọi người” nhưng luôn ủng hộ chính quyền của bà Nguyễn Phương Hằng đã khiến nhiều người bất bình, thậm chí có nhiều đơn tố cáo từ các nghệ sĩ và cá nhân – theo lời nhà chức trách, nhưng talk show bị xem là “chói tai” của bà vẫn tồn tại và đắt khách trong suốt hơn một năm qua.
Nhưng vụ bắt giữ nữ CEO đã khiến dư luận cho rằng bà Hằng đã “vượt lằn ranh đỏ” của chính quyền và giờ chính bà trở thành nạn nhân của điều luật đã khép tội nhiều người mà bà gọi là “phản động”.
“Bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều biểu hiện đã được thông đồng với chính phủ Việt Nam để khuấy động lên làn sóng dư luận trong rất nhiều vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Nhưng cuối cùng, bà Nguyễn Phương Hằng là nạn nhân của chính sách (điều luật) đó vì chính điều bà ấy làm lại đụng chạm đến những vấn đề khác của chế độ. Và khi không còn phù hợp với quan điểm chính thống của chính phủ nữa thì bà Nguyễn Phương Hằng sẽ phải là người bị trả giá đầu tiên”, LS. Vũ Đức Khanh nói.
Bà Nguyễn Phương Hằng bắt đầu nổi lên từ đầu năm 2021 khi bà tổ chức họp báo và livestream tố cáo về khả năng chữa bệnh và những tranh chấp tiền bạc giữa bà và ông Võ Hoàng Yên – người vẫn thường được một số người sùng bái gọi là “thần y”.
Sau đó, bà tiếp tục được công luận ủng hộ qua các livestream tố cáo những tiêu cực trong việc làm từ thiện của nhiều người, bao gồm các gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành...
Trước khi bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 16/2 đến ngày 29/4/2022 liên quan đến nhiều đơn thư tố cáo bà.