Đó là tuyên bố của bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 21/3 trong chuyến thăm Việt Nam.
Theo World Bank ở Việt Nam, trong cuộc trao đổi với người đứng đầu chính phủ Việt Nam, “hai bên đã thảo luận về các kế hoạch và hành động để Việt Nam thúc đẩy phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”.
Tổ chức tài chính này cho biết “sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, sẵn sàng hỗ trợ tích cực xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 để đưa ra các giải pháp cụ thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển”.
Theo Báo điện tử của chính phủ Việt Nam (VGP), ông Chính nói với bà Ferro rằng Việt Nam “luôn coi World Bank là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng” và rằng tổ chức này “đã hỗ trợ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, có nhiều tư vấn chính sách vĩ mô và gần đây đã hỗ trợ hiệu quả trong xây dựng chính phủ điện tử”.
Ông Chính cũng cho biết rằng “2021 là năm khó khăn nhất kể từ sau đổi mới” và “Việt Nam đã kiên trì thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đang thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực chủ yếu đang tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, nằm trong top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.
Theo VGP, ông Chính cũng “hoan nghênh World Bank đã có sáng kiến, hỗ trợ các quốc gia phòng, chống COVID-19, đặc biệt World Bank đã chia sẻ với Việt Nam trong lúc khó khăn, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD vào năm 2020”.
Ông Chính cũng nhắc tới “bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều thay đổi với những xu hướng mới” và đã “đề nghị World Bank quan tâm ưu tiên cho Việt Nam được tiếp tục tiếp cận các khoản viện trợ không hoàn lại, làm ‘mềm hóa’ các khoản vay” cũng như “đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm quốc tế, góp phần giúp Việt Nam điều chỉnh kịp thời chính sách phù hợp tình hình, tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới và bền vững”.
Trước cuộc gặp với ông Chính, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và khẳng định Ngân hàng Thế giới “sẽ tiếp tục cùng Việt Nam giải quyết các thách thức căn bản của ngành năng lượng: đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải và huy động đủ nguồn lực tài chính để phát triển ngành”.
Trước đó, bà cũng có các cuộc gặp với các quan chức Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính để thảo luận chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, phát triển vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như việc cung cấp các giải pháp tài chính và tri thức để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, bao gồm mục tiêu trở thành nước thu nhập cao năm 2045 và cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, World Bank công bố ấn bản “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” trong tháng Ba năm nay và nói rằng “dữ liệu hiện có cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù ảnh hưởng của xu hướng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây đến cung lao động, sản xuất và tiêu dùng có thể chưa được phản ánh đầy đủ”.
World Bank nhận định rằng dù kinh tế Việt Nam “cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi”, hiện “rủi ro tiêu cực đã tăng cao” do các ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao và xung đột Nga - Ukraine “gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát”.