Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, hôm 23/3 kêu gọi Nhật Bản tăng cường sức ép lên Nga bằng lệnh cấm vận thương mại. Đây là lời kêu gọi trực tiếp chưa từng có mà ông Zelenskyy đưa ra trước quốc hội Nhật Ban, nhắc nhở hai quốc gia về điểm chung là họ từng phải chịu thảm họa hạt nhân.
Phát biểu trước các nhà lập pháp Nhật qua đường truyền video, một hoạt động mà chưa từng một nhà lãnh đạo nước ngoài nào được mời làm như vậy trước đây, ông Zelenskyy cảm ơn Nhật Bản đã đi đầu trong số các quốc gia châu Á trong việc lên án Nga xâm lược Ukraine và đưa ra các lệnh trừng phạt.
Bài phát biểu đã được hầu hết các đài truyền hình thương mại phát trực tiếp, cho thấy mối quan tâm hiếm có đối với cuộc chiến ở một đất nước mà các vấn đề trong nước thường chiếm ưu thế trên truyền thông.
Mặc chiếc áo khoác quân đội, ông Zelenskyy nói: “Một lệnh cấm vận thương mại đối với Nga là cần thiết”.
“Cần phải loại bỏ các công ty ra khỏi thị trường Nga để tiền không đi vào quân đội Nga”.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida sau đó cho biết ông dự định công bố thêm các biện pháp hỗ trợ Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt của Tokyo đối với Nga tại cuộc họp G7 ở Brussels.
Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản đối với 76 cá nhân, 7 ngân hàng và 12 cơ quan khác ở Nga, đã được áp đặt để đáp trả cuộc xâm lược, hiện bao gồm các quan chức quốc phòng và hãng xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Rosoboronexport.
Nhật Bản cũng cho biết họ sẽ thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc của Nga.
Ông Zelenskyy đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt vào cuối bài phát biểu của mình. Ông cảm ơn Nhật Bản vì đã đi đầu trong số các quốc gia châu Á trong việc lên án cuộc xâm lược và đưa ra các biện pháp trừng phạt.
“Các bạn là người đầu tiên ở châu Á thực sự bắt đầu gây áp lực lên Nga để khôi phục hòa bình, là người ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga, và tôi kêu gọi các bạn tiếp tục làm điều này”, ông Zelenskyy nói.
Đáp lại các lệnh trừng phạt, Nga, quốc gia vẫn luôn gọi hành động của mình ở Ukraine là “một hoạt động đặc biệt”, hôm 22/3 đã rút khỏi các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và đóng băng các dự án kinh tế chung liên quan đến quần đảo tranh chấp Kuril.
Quần đảo, được Nhật Bản gọi là “các lãnh thổ phía Bắc”, là một trong những rào cản chính đối với một hiệp ước giữa hai quốc gia nhằm chính thức kết thúc Thế chiến thứ hai.
Được hỏi hôm 22/3 về vấn đề hợp tác kinh tế với Nga, Thủ tướng Kishida nói Nhật Bản coi trọng bất kỳ cơ hội nào để đảm bảo nguồn năng lượng rẻ tiền, đề cập đến các dự án ở Sakhalin, sau khi hãng Shell và Exxon Mobil rút khỏi.
Tống thống Zelenskiy đã thúc giục Nhật Bản làm nhiều hơn nữa.
“Tôi kêu gọi các bạn đoàn kết nỗ lực của các quốc gia châu Á, các đối tác của bạn, nhằm ổn định tình hình, để Nga tìm kiếm hòa bình và ngăn chặn cơn sóng thần của cuộc xâm lược tàn bạo của họ”.