Một con số kỷ lục người Mỹ, tổng cộng hơn 3,6 triệu người, không thể đi làm vì bệnh trong tuần lễ mà giới hữu trách thu thập dữ liệu để báo cáo tình hình công ăn việc làm hàng tháng tại Mỹ.
Dữ liệu của Bộ Lao động công bố ngày 4/2 cho thấy con số vừa kể tăng từ con số 1,7 triệu hồi tháng 12.
Khảo sát cho báo cáo công ăn việc làm trong tháng Giêng được tiến hành trong tuần lễ từ ngày 9 tới ngày 15, tuần lễ mà số ca nhiễm tại Mỹ lên tới đỉnh điểm vì biến thể Omicron.
Trong khi đó tại Nam Phi, ngày càng có nhiều người bị nhiễm phiên bản mới (BA.2) của biến thể Omicron. Giới hữu trách cho biết đang theo dõi sát nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng là BA.2 khác biệt đáng kể so với Omicron bản gốc BA.1.
Nam Phi bước vào đợt dịch thứ tư do Omicron từ cuối năm ngoái, không lâu sau khi cảnh báo thế giới về sự xuất hiện của Omicron.
Số ca nhiễm hàng ngày bắt đầu giảm từ giữa tháng 12 sau khi chạm mốc kỷ lục hơn 26 ngàn ca/ngày, và đã ổn định trong mấy tuần này ở mức 3 ngàn ca mới/ngày.
Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla loan báo Nam Phi chưa thoát đợt dịch thứ tư và có thể có thêm đợt dịch thứ năm gần mùa đông.
Cùng ngày 4/2, một giới chức WHO cho biết vaccine mRNA sản xuất từ trung tâm vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn ở Nam Phi sẽ mất ba năm mới được chuẩn thuận nếu các công ty vaccine lớn không chịu chia sẻ dữ liệu và công nghệ,
Trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi do WHO yểm trợ được thành lập hồi tháng 6 năm ngoái để giúp các nước nghèo có thể sản xuất vaccine COVID sau khi các hãng sản xuất vaccine mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna từ chối yêu cầu của WHO không chịu chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ sản xuất vaccine.
Ông Martin Friede, điều phối viên của Sáng kiến Nghiên cứu Vaccine của WHO, nói nếu các công ty có vaccine đã được chuẩn thuận hay có dữ liệu lâm sàng giai đoạn cuối mà chịu chia sẻ công nghệ và dữ liệu thì vaccine sản xuất tại Nam Phi có thể được chấp thuận trong vòng một năm hay một năm rưỡi, bằng không sẽ mất tới hai hoặc ba năm.
Hôm 3/2, công ty Afrigen Biologics của Nam Phi, loan báo dùng chuỗi gen công khai rộng rãi của vaccine mRNA từ Moderna để tạo ra vaccine riêng của họ.
Ông Friede cho biết vaccine này sẽ bước vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trong quý tư năm nay.
WHO đang nỗ lực thuyết phục Moderna và Pfizer/BioNTech tham gia với trung tâm chuyển giao công nghệ của WHO ở châu Phi.