Một tàu thăm dò vũ trụ của Trung Quốc hôm thứ Năm, 3/1, đáp thành công xuống phần khuất của mặt trăng, Cục Vũ trụ Quốc gia của Trung Quốc cho hay. Cơ quan này cho rằng đây là một hoạt động mang tính lịch sử, lần đầu tiên diễn ra, và là một thành tựu lớn đối với chương trình vũ trụ của Trung Quốc.
Tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 4, được phóng vào tháng 12, đã hạ cánh nhẹ nhàng vào lúc 02h26, giờ chuẩn quốc tế (GMT), tức 9h26 sáng, giờ Việt Nam. Sau đó, lần đầu tiên từ trước đến nay, tàu đã truyền hình ảnh cự ly gần về phần khuất của mặt trăng, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho hay.
Một nửa mặt trăng luôn hướng về trái đất, do tốc độ tự quay quanh trục của mặt trăng trùng với tốc độ của nó bay quanh trái đất. Vì vậy, phần lớn nửa bên kia, hay còn gọi là phần khuất của mặt trăng không bao giờ nhìn thấy được từ trái đất. Các tàu vũ trụ trước đây đã nhìn thấy nửa bên kia của mặt trăng, chưa có tàu nào hạ cánh lên đó.
Cuộc hạ cánh mới đây “đã vén bức màn bí ẩn” về nửa bên kia của mặt trăng và “mở ra một chương mới trong cuộc thám hiểm mặt trăng của con người”, Cục Vũ trụ Trung Quốc nói trong một tuyên bố trên trang web của họ, kèm theo tuyên bố là một bức ảnh màu chụp với góc rộng, ghi lại một hố thiên thạch trên bề mặt của mặt trăng.
Tàu thăm dò, gồm một tàu đổ bộ và xe thăm dò, đã đáp xuống mục tiêu gần cực nam mặt trăng trong hố thiên thạch Von Karman, sau khi đi vào quỹ đạo mặt trăng vào giữa tháng 12.
Nhiệm vụ của Hằng Nga 4 bao gồm quan sát thiên văn, khảo sát địa hình mặt trăng, hình dạng bề mặt và cấu trúc khoáng sản, cũng như đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung hòa để nghiên cứu môi trường ở nửa bên kia của mặt trăng.
Cuộc hạ cánh này là bước đi mới nhất của Trung Quốc trong cuộc đua nhằm bắt kịp Nga và Hoa Kỳ để trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2030. Bắc Kinh có kế hoạch khởi động việc xây dựng trạm vũ trụ riêng có người vận hành trên đó vào năm tới.