Một loại thuốc làm cho chắc xương tiêm vào mạch máu mỗi 18 tháng một lần giúp làm giảm nguy cơ gãy xương đối với một số phụ nữ lớn tuổi, một cuộc nghiên cứu sâu rộng cho biết. Kết quả này cho thấy thuốc có thể giúp nhiều người hơn những người được tiêm hiện nay.
Gãy xương là tai họa của tuổi già. Gãy xương chậu có thể bắt đầu sự suy sụp kéo dài của người già và đưa đến việc vào viện dưỡng lão. Nguy cơ này thông thường xảy ra cho phụ nữ sau khi mãn kinh.
Tuy nhiên việc ai nên sử dụng thuốc bisphosphonates còn là vấn đề đang tranh cãi. Thuốc này được khuyến cáo sử dụng cho những người xương dễ gãy, được gọi là bệnh loãng xương, nhưng giá trị của thuốc ít rõ ràng đối với hàng triệu người khác xương bị loãng ít. Tuy nhiên, kết quả mới đây cho thấy họ cũng được hưởng lợi từ cách chữa trị này, theo bác sĩ Ian Reid thuộc trường đại học Auckland ở New Zealand.
Chất estrogen giữ cho xương chắc, nhưng xương yếu dần đi sau thời kỳ mãn kinh khi mức hóc-môn giảm dần. Và thường thường tệ hại hơn sau 65 tuổi, và phụ nữ ở tuổi này được khuyến cáo đi xét nghiệm độ đặc của các khoáng chất trong xương-dùng x quang cấp độ thấp để ước lượng độ chắc của xương.
Nếu khám phá loãng xương, cách chữa trị thông thường là dùng thuốc Fosamax, Bonica hay các phiên bản gốc của các loại thuốc này, giúp ngăn ngừa xương bị loãng nhanh hơn là cơ thể tái tạo được. Một số người không thích thuốc viên hay bị các tác dụng phụ về đường tiêu hóa, do đó cũng có thể dùng thuốc tiêm vào mạch máu, thường thường mỗi năm một lần.
Tuy nhiên các quan ngại về những phản ứng phụ, tuy ít khi xảy ra, đã hạn chế việc sử dụng các loại thuốc này, cùng với việc thiếu các bằng chứng cho thấy thuốc có thể giúp cho bệnh nhân trước khi bệnh loãng xương trở nên trầm trọng hơn.
Cuộc nghiên cứu liên hệ đến 2.000 phụ nữ, tuổi trung bình là 71 có bệnh loãng xương nhẹ. Một phần tư những người này bị gãy xương trước đó. Họ được cho uống thuốc Novartis, tên thương mại là Reclast tại Mỹ, và Aclasta tại các nơi khác, hay là tiêm vào mạch máu một hợp chất không có tác dụng chữa trị, mỗi 18 tháng một lần.
Sau 6 năm, 122 phụ nữ trong nhóm sử dụng thuốc bị gãy xương so với 190 người trong nhóm dùng thuốc giả- nguy cơ gãy xương thấp hơn 37%. Thuốc cũng làm giảm phân nửa những trường hợp gãy xương sống khi sức đè nén của xương làm cho một phần của xương sống bị sụm xuống.
Cứ 15 phụ nữ được chữa trị 6 năm thì có 1 người ngừa được một vụ gãy xương, một tỉ lệ mà các chuyên gia nói làm cho việc chữa trị này đáng được cứu xét.
Có hai vấn đề ít khi xảy ra liên hệ đến bisphosphonates —xương hàm bị thoái hóa và gãy xương chân bất thường. Không có trường hợp khác xảy ra nhưng cuộc nghiên cứu không đủ rộng để loại bỏ nguy cơ này.
Có những kết quả khác cần lưu ý: Ít phụ nữ trong nhóm dùng thuốc bị ung thư—84 so với 121 thuộc nhóm dùng thuốc giả. Tuy nhiên cuộc nghiên cứu không được thiết kế để thử nghiệm việc này, do đó những yếu tố khác như bệnh sử gia đình về ung thư có thể ảnh hưởng đến những con số này. Tử vong và đau tim cũng ít trong nhóm dùng thuốc, nhưng sự khác biệt quá ít nên có thể xảy ra vì tình cờ.
Tuy nhiên bác sĩ nói có những dấu hiệu khích lệ được thấy trong một số cuộc nghiên cứu trước đây.
“Hiện nay một câu hỏi được nêu lên, chúng ta có nên làm những cuộc nghiên cứu thêm nữa” để tìm hiểu những lợi ích về ung thư và tim của những loại thuốc này hay không, theo bác sĩ Michael Econs, Giáo sư Trường đại học Indiana, Chủ tịch Hiệp hội xương.