Những chiếc xe ngựa cuối cùng trên đất Bình Định

Your browser doesn’t support HTML5

Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Bình Định, vùng đất võ nổi tiếng một thuở, đây cũng là nơi có nhiều xe thổ mộ nhất nước. Từ những năm đầu thập niên 1960 thế kỉ trước, xe thổ mộ quay trở lại và thịnh hành trên đất Bình Định như một sự nhắc nhớ về hùng khí Tây Sơn. Ngã ba cầu Bà Di, cầu Ông Đô, nhà thờ Lòng Sông và ngã ba Đập Đá là những thủ phủ của xe ngựa thời bấy giờ. Sau 1975, xe ngựa vắng bóng trên đất Bình Định, đến năm 1978, một hợp tác xã xe ngựa của những phu xe thuở trước được hình thành và bến ngã ba Đập Đá sầm uất ngựa xe. Nhưng rồi theo thời gian, xe ngựa vắng bóng dần, hai chiếc xe ngựa cuối cùng của huyện An Nhơn như một chứng tích buồn, níu lại thanh âm một thuở. Ông Nguyễn Văn Chín, phu xe ngựa ở An Nhơn, Bình Định, chia sẻ với VOA: “Năm 75, 76 anh em mới mua nhiều ngựa, trâu để phục vụ nông nghiệp, sau này càng ngày càng cơ giới hóa nên dần dần anh em làm ăn khấm khá rồi chuyển nghề, giờ chỉ còn hai chiếc thôi.” Ông Lê Văn Minh, phu xe ngựa ở An Nhơn, Bình Định, chia sẻ với VOA: “Giờ lớn tuổi rồi thì làm theo nghề của mình, không tranh giành với tuổi trẻ nữa, mình dùng cái xe ngựa, làm theo cổ cựu của mình ngày xưa, coi như là giữ lại cái truyền thống của đất Bình Định.” Một chiếc xe ngựa có thể chở được từ 5 người đến 10 người, ngựa phi nước kiệu với vận tốc 40km/giờ. Nếu chở hàng hóa thì trọng lượng hàng dao động từ 500kg đến 1000kg. Đi được quãng đường chừng 10km thì xe dừng nghỉ cho ngựa ăn cỏ, uống nước chừng 10 phút, sau đó lại đi tiếp. Người phu xe sẽ dùng một tấm chắn đeo vào đầu ngựa để ngựa chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà đi. Để khích lệ tinh thần của ngựa, người phu xe thưởng cỏ, kẹo ngọt hoặc một bông hoa gắn lên bờm ngựa. Bởi ngựa rất thích làm đẹp và sống có tình cảm, gắn bó với chủ như tình keo sơn. Ông Lê Văn Minh, phu xe ngựa ở An Nhơn, Bình Định, chia sẻ với VOA: “Nuôi nó thì thức ăn đa dạng, cỏ cắt cỏ tươi, uống nước mật, mật ruốt thì ngon không thì mật ly tâm cũng được, một ngày nó uống ba chục đến bốn chục lít nước, mỗi lần nó uống khoảng 5 lít nước, trong đó gồm 2 lạng mật, hai lạng cám với một ít muối cho hòa chung vào nhau.” Ông Nguyễn Văn Chín, phu xe ngựa ở An Nhơn, Bình Định, chia sẻ với VOA: “Mình chạy mà khéo giữ thì thời gian một đời người, còn không thì hai năm, ba năm nó chết cũng có. Khi nó sinh ra, mình nuôi nó khoảng hai năm rưỡi rồi mình vô xe mình chạy.” Ông Lê Văn Minh, phu xe ngựa ở An Nhơn, Bình Định, chia sẻ với VOA: “Thu nhập cũng thấp lắm chẳng qua đủ cái công ngày theo vắng bóng tuổi già, bữa nay mình chạy ít thôi chứ nếu chạy cả ngày thì bình quân coi như một tháng cũng được bốn triệu, ngựa ăn hết một triệu rưỡi, còn người được hai triệu rưỡi, đó là mức thu nhập của người nuôi ngựa.” Diện tích đồi cỏ tự nhiên bị thu hẹp một cách đáng kể, hàm lượng chì và lưu huỳnh trong cám gạo tăng cao, giá thành thực phẩm để nuôi ngựa cũng tăng và hơn hết là khả năng cạnh tranh của xe thổ mộ trước làn sóng xe cơ giới gần như là không có. Chính vì lẽ này, người nuôi ngựa, chạy xe thổ mộ ngày càng giảm dần cho đến hiện tại, trên vùng đất nhiều ngựa nổi tiếng một thuở chỉ con đúng hai con ngựa và hai cỗ xe. Trong khi đó, xe ngựa được xếp vào phương tiện vẩn chuyển, vận tải sạch và xanh hàng đầu, bên cạnh đó, phân ngựa cũng góp phần tái tạo môi trường xanh. Và theo thời gian, những chuyến xe thổ mộ đang vắng thưa dần nhịp gõ trên đường quen!