Lăng Ông Thủy Tướng Cần Thạnh
Your browser doesn’t support HTML5
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa.
Đây là con đường được mở băng rừng, đi qua con sông Lòng Tàu để về xứ vạn chài Cần Thạnh của Sài Gòn. Theo lời kể của ông Ngô Văn Dị, Vạn trưởng Vạn lạch Cần Thạnh thì vào thời các Chúa Nguyễn mở cõi vào Nam, đi ngang qua cửa biển Cần Giờ đã thấy có Miếu Hải Thần. Theo dân gian, đức tin của những người con xứ biển luôn hướng về hai hình tượng tâm linh lớn nhất là Đức Ngài Cá Ông và Mẹ Quan Âm Nam Hải.
“Lịch sử của cái lăng này đó, nó có từ thời các Chúa, các Chúa Nguyễn đó…, thì sở dĩ mà nó còn tồn tại được tới bây giờ đó, là do bà con ngư dân đây rất tin tưởng cái chuyện mà thờ cúng cá Ông. Thành ra cái lăng nó được duy trì và tồn tại tới bây giờ.
Lăng Ông này có bộ xương cá Ông… được năm 1971, được tôn tạo và gìn giữ tới bây giờ. Ở Viện Bảo tàng thành phố xuống lắp ráp lại để mà thành con cá Ông dài được 12 thước, cũng khá tầm cỡ. Nó đặc biệt là có tính cách cứu người. Thì bằng chứng là có cái Sắc phong của vua Minh Mạng đó. Năm 1824 có cái Sắc phong là các nơi trường đà, các nơi chỗ cửa sông, cửa biển lập cái dinh để mà thờ cá Ông, để nhớ lại cá Ông đã cứu ba ổng là vua Gia Long đó.
Thành ra từ chỗ đó là cái bằng chứng cụ thể nhứt là có Sắc phong của vua đàng hoàng”.
Tại Lăng Ông Thủy Tướng mang nét đặc trưng của hình thức tâm linh tín ngưỡng Phật giáo, Nho giáo và cả hình thức thờ Thần trong nông nghiệp của người dân Nam bộ. Đây là nơi mà ngư dân gửi gấm tấm lòng thành kính biết ơn biển cả bao la, cầu mong một sự an lành, một mùa bội thu khi đi biển, là nơi để con người thành tâm cầu khẩn một điều gì đó cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè, cho bà con láng giềng.
“Đây là cái miền biển thành ra bà con phải nói là rất tin tưởng vào nơi cái lăng này. Sự tôn nghiêm cúng kiếng rất là nghiêm trang. Và đặc biệt là ở đây là có tính cách Nam bộ, chứ không phải là có hát bả trạo này kia nọ cũng như các nơi kia…”.
Với dân vạn chài, cá Ông là một vị thần phù trợ hết sức linh thiêng.
Bà Huỳnh Thị Ê kể:
“Rất là tín ngưỡng. Bởi vì mình sống hồi xưa đó là lúc mình còn nhỏ thì có ông bà, thì ở đây nhờ sống về nghề ngư, nghề làm biển không à. Rồi đến tới cái tuổi của mình thì cũng nối tiếp theo ông bà để làm nghề. Nhưng mà tới thời điểm của mình thì tới cơn bão số năm đó, thì mình đã… cơn bão số năm đã sập hàng đáy rồi mình dẹp luôn.
Cho nên từ ngày cơn bão số năm tới giờ, gia đình mình, con nó đổi lại để mình bán cái quán nhỏ, rồi cũng ở gần đây. Rồi khi mà bán quán xong rồi nuôi con nó lớn rồi, con nó đi làm được hết rồi, thì mình già rồi, mình không có làm được thì mình vô đây. Rồi tới ngày riêng cúng…, mình làm ở trong đây là hai mươi mốt năm rồi. Tới cái ngày cúng hay là lễ đó thì đến phụ với nhau, cùng chung tay góp sức lại để làm… Chứ không có thuê mướn như các chỗ phải thuê nhà hàng, hay là đặt cái này, cái kia. Ở đây là tự chị em làm chung với nhau vậy à…
Vợ của bạn biển, nhà có nghề là đều đến đây phụ hết đó…”.
Xuất phát từ huyền thoại về công lao của thần Nam Hải cứu giúp ngư dân không may lâm nạn khi có giông bão qua hóa thân vào cá Ông, người dân miền biển tôn đặt tước hiệu cho cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân. Việc thờ cúng cá Ông nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngư dân đối với vị thần này. Qua đó cầu mong biển lặng gió hòa, một mùa đánh bắt cá thành công, nhất là cầu mong sự an toàn cho những người đi biển.