Thăm kinh đô Công giáo Việt Nam
Your browser doesn’t support HTML5
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa.
Cách Hà Nội khoảng 120km về hướng Nam, thuộc địa phận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhà thờ Phát Diệm được xem là kinh đô Công Giáo của Việt Nam. Tọa lạc trên một khoảng đất rộng 22 hecta, tồn tại gần hai trăm năm, do Cha Trần Lục xây dựng với kiến trúc pha trộn Đông Tây, giữa kiến trúc Gothic với Pagoda, giữa phong cách Công Giáo và Phật giáo, chất liệu kết hợp gỗ và đá. Có thể nói nhà thờ Phát diệm là nhà thờ Công Giáo có kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới. Lối kiến trúc mang dáng dấp Á Đông từ Ao hồ, Phương Ðình, và Nhà thờ lớn, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá mang dáng dấp kiến trúc phương Tây.
Ông Phạm Quang Vinh, ban Mục vụ nhà thờ Phát Diệm, chia sẻ với VOA: “Những nhà thờ cạnh làm bằng gỗ hết, còn nhà thờ lớn làm bằng gỗ còn riêng nhà thờ Đức Mẹ Nữ Vương toàn làm bằng đá hết.”
Ông Đỗ Xuân Côi, ban Mục vụ nhà thờ Phát Diệm, chia sẻ với VOA: “Người dân Phát Diệm chúng tôi rất tự hào khi có một người là cụ Sáu tức cụ Trần Lục thường gọi là cụ Sáu đã đứng ra xây dựng quần thể nhà thờ này. Từ những năm 1889, thì thời đấy là tất cả công nghệ để xây dựng nhà thờ còn rất thô sơ nhưng cụ đã nghĩ ra và đứng ra xây dựng một quần thể nhà thờ rất vĩ đại và rộng lớn.”
Cụ Maria Nguyễn Thị Yến, con chiên nhà thờ, chia sẻ với VOA: “Nhà thờ cũng có thay đổi, bom nó bỏ như vậy đấy nhưng giáo dân cùng một lòng đến xây dựng lại khu đền thờ.”
Ông Đỗ Xuân Côi, ban Mục vụ nhà thờ Phát Diệm, chia sẻ với VOA: “Còn nguyên vẹn, chỉ có thời Cha Giuse Nguyễn Văn Yến là có đảo ngói, trùng tu một đợt nhưng vẫn phải giữ nguyên cổ hồi xưa chứ không được thay đổi gì cả.”
Với thời gian xây dựng kéo dài hơn 23 năm kể từ này đặt viên đá nền móng vào năm 1875, trải qua chiến tranh, đạn bom và thời gian, lễ đường lợp ngói vảy trút và kết cấu cột kèo, vĩ gỗ có phần xuống cấp. Riêng phần cổng và Phương đình bằng đá thì vẫn không hề hấn gì, vết rêu thời gian chỉ làm cho nhà thờ thêm đẹp và huyền nhiệm. Khách du lịch các nước phương Tây tới thăm Phát Diệm không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên trước một quần thể nhà thờ, nhà nguyện, nhà tĩnh tâm, thánh đường hết sức lạ lẫm này.
Ông Christian Sounicolay, chuyên gia kiến trúc Pháp, đánh giá: “Nhà thờ Phát Diệm ở đây khác với nhà thờ bên Pháp của chúng tôi. Phát Diệm mang kiến trúc chùa, giống đền còn nhà thờ bên Pháp thì cửa kính, bên trong trang trí giống nhà thờ chứ không giống như ở đây (Phát Diệm).”
Giáo sư Phạm Kim Chung, chia sẻ với VOA: “Thì có chút gì đó giống đền, giống chùa nhưng hoàn toàn là một nhà thờ. Người ta vẫn cảm nhận đây là nhà thờ nhưng có chút gì đó đặc biệt một chút hơn so với những nhà thờ khác ở vùng Bắc Bộ, Việt Nam.”
Cũng xin nói thêm, Phát Diệm được xem là tâm điểm của trung tâm Công Giáo miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng Bắc Bộ. Tam giác Ninh Bình, Hà Nội và Nam Định là những nơi phát tích của Công Giáo. Những năm 1954, một số người Công Giáo phía Bắc đã di cư vào miền Nam và thiết lập các Giáo xứ Bùi Chu, Phát Diệm theo cố xứ. Nhà thờ Phát Diệm, hiểu theo nghĩa gốc nghĩa là vẻ đẹp toát ra từ ý Chúa. Và theo thời gian, ý Chúa vẫn tỏa sáng nơi vùng đất này!