Lấy gì để “xử lý nợ xấu”, nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ậm ạch, các ngân hàng không thể tống khứ được “của nợ” đang ôm, còn chính phủ cũng chẳng thể “đẩy” được 3 tỷ USD trái phiếu ra quốc tế?
Tất cả đều ‘đặc biệt’
Rốt cuộc, hai năm “hình thành và phát triển” của Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã có lời giải: toàn bộ quá trình “xử lý nợ xấu” của cơ quan này đã gần như chỉ tồn tại trên giấy – với một thuật ngữ muốn hiểu sao cũng được là “trái phiếu đặc biệt”.
Tính từ “đặc biệt” cũng lần đầu tiên được sáng tạo và phổ cập tại hai Hội nghị Trung ương đảng 11 và 12 năm 2015, trong đó đặc biệt lưu tâm đến những nhân sự cao cấp để cho “người thân” trục lợi và có vấn đề về “chính trị hiện nay”.
“Từ ngày 1/1/2015 đến 18/10/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được hơn 13 nghìn khoản nợ tương ứng với hơn 91 nghìn tỉ đồng dư nợ gốc, giá mua là hơn 82 nghìn tỉ đồng của 39 TCTD. Lũy kế từ 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã phát hành 191.333 tỉ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc trên 225 nghìn tỉ đồng”. Thông tin này được tiết lộ như một thành tích bởi ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, VAMC, tại cuộc tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng nhu cầu hội nhập WTO, TPP, AEC” do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu tổ chức vào ngày 26/10/2015.
Chỉ có điều, vị thế chính trị của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình dường như ngày càng chông chênh trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền. Trước và trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 -11 năm 2015, số ý kiến phản biện báo cáo của Ngân hàng nhà nước từ đại biểu Quốc hội đã tăng lên kha khá.
Theo đại biểu Thân Văn Khoa, đoàn Bắc Giang, thì “VAMC chỉ xử lý được 16.277 tỷ đồng, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn 7,2% so với dư nợ gốc. Như vậy có thể khẳng định phần lớn nợ VAMC mua mới chỉ đạt 175.529 tỷ đồng, mới chỉ được gom lại mà chưa được VAMC xử lý tận gốc. Bản chất nợ xấu vẫn còn đó. Tái cơ cấu chưa đạt đầy đủ mục tiêu Quốc hội đề ra. Chưa chỉ rõ nguyên nhân và hạn chế yếu kém vẫn còn kéo dài, cần làm rõ trách nhiệm”.
Vào cuối năm 2014, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên phải thừa nhận trước Quốc hội về con số nợ xấu 500.000 tỷ đồng. Con số này đã bị Ngân hàng nhà nước giấu biệt từ những năm trước, mà chỉ phát lộ khi tình thế đã quá khó khăn.
Cũng cần nhắc lại là cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn chưa nhận được hồi âm chính thức nào.
Vào đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du Úc và đã lần đầu tiên nhiệt thành ngỏ lời "Việt Nam muốn bán nợ xấu". Thế nhưng trong khi hoàn toàn phớt lờ về đề nghị này, Thủ tướng Úc lại thông báo "sẽ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam".
Thành tích "giảm nợ xấu về dưới 3%" của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ, cũng bởi thế, cho tới nay vẫn chỉ là con số hoàn toàn vô nghĩa.
Chiếm đến 70% trong nợ xấu, nợ bất động sản trở nên đáng sợ nhất. Cho tới nay, rất nhiều ngân hàng đã phải “ôm” tài sản thế chấp nhà đất nhưng không thể bán lại được.
Mà như vậy, gần như toàn bộ khối nợ xấu vẫn như một quả bom tấn được hẹn giờ, vẫn đang âm ỉ chờ lúc phát nổ trong lòng các ngân hàng thương mại.
Gần đây nhất vào tháng 9/2015, một tổ chức tín dụng độc lập là FT Confidential Research đã công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Lấy gì để ‘xử lý nợ xấu’?
Dù rằng không khí phản biện và phản bác đã dậy sóng hơn, song vẫn chưa tìm ra được lối thoát.
Cho đến nay, dường như không có nhiều khác biệt giữa kỳ họp Quốc hội cuối 2015 với kỳ họp Quốc hội cuối 2014. Tuyệt đại đa số đại biểu dân bầu vẫn chỉ biết nghe, gật và… “ngủ”. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng về kinh tế, thậm chí có ngày họp còn được “giải lao sớm” trước vài tiếng đồng hồ vì không ai chịu phát biểu.
Nhưng thời gian không bao giờ kiên nhẫn với con người, nhất là khi những con người ấy chậm lụt và trì độn trong tâm cảm mất sạch khái niệm dân - nước. Ba ngân hàng thương mại cổ phần - Ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và GP Bank - là lời cảnh cáo đầu tiên về tai họa. Cho dù Ngân hàng nhà nước đã phải tìm đường “binh” bằng cách mua lại những ngân hàng này với giá 0 đồng, mà về thực chất là Ngân hàng nhà nước lãnh trách nhiệm trả nợ thay cho khoản nợ suýt vỡ tung trong 3 ngân hàng đó, bài toán còn lâu mới có lời giải.
Trong khi đó, lời đánh đố cũ lại hiện ra: liệu đến một lúc nào đó túng quẫn, Ngân hàng nhà nước có dùng tiền ngân sách để trả nợ thay cho các ngân hàng suýt đổ bể?
“Hiện ngân sách rất eo hẹp thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng” – một trong số hiếm hoi cảnh báo xuất hiện từ đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng.
Lời cảnh báo trên không phải xuất hiện vào thời điểm kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 – là lúc ngân sách chưa lộ ra tình cảnh cạn kiệt như bây giờ. Còn giờ đây, ngân sách trung ương chỉ còn đúng 45.000 tỷ đồng – một hiện thực quá sức chịu đựng lầu đầu tiên được tiết lộ bởi một quan chức không còn chịu đựng thêm được nữa là Bộ trưởng Lế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Vậy thì lấy gì để “xử lý nợ xấu”, nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ậm ạch, các ngân hàng không thể tống khứ được “của nợ” đang ôm, còn chính phủ cũng chẳng thể “đẩy” được 3 tỷ USD trái phiếu ra quốc tế?
Sẽ “bù đắp nợ” bằng kho dự trữ ngoại tệ được quảng cáo lên tới 37 tỷ USD chăng?
Nếu vào những năm trước, hành động tùy tiện có thể xảy ra khi Chính phủ và Ngân hàng nhà nước muốn làm gì tùy ý. Nhưng vào chính lúc này và ngay trước thềm Đại hội đảng 12, không một quan chức nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn mạo hiểm chịu trách nhiệm theo cách “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”. Không có lý do gì để Quốc hội thông qua một cách quá dễ dàng cho thống đốc Ngân hàng nhà nước xuất quỹ dự trữ ngoại tệ, dù chỉ 10%, để trả nợ thay cho các ngân hàng sắp phá sản.
Trong một giấc mơ khó bảo không thể “xử lý nợ xấu”, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng lao nhanh đến miệng vực khủng hoảng, khi mới đây đã bùng nổ dấu hiệu cạn kiệt và có thể dẫn đến vỡ nợ ngân sách nhà nước.
* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.