Cuốn Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, một nhà báo sống Pháp được Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành hơn 1 tháng nay. Sách in đẹp, dày 428 trang, gồm16 phần, thêm phụ lục.
Tôi đã đọc cuốn sách này một mạch trong 2 ngày. Rồi đọc lại 1 lần nữa, để rồi suốt 1 tuần lễ ngẫm nghĩ về nội dung của nó.
Trần Đức Thảo (1917 – 1993), con một nhà tư sản Phố Cổ đất Hà Thành, là một trí thức được đào tạo tại Pháp và cũng là một triết gia trẻ uyên bác khá nổi tiếng, từng tranh luận tay đôi với nhà triết học Jean Paul Sartre.
Năm 1951, khi 34 tuổi, Trần Đức Thảo tự nguyện về nước qua con đường Moscow với thiện chí “mang hiểu biết của mình về góp phần xây dựng đất nước”. Nhưng tai họa đã sớm đến với ông. Lãnh đạo VN, từ Hồ Chí Minh đến Trường Chinh (Tổng Bí thư Đảng lúc bấy giờ) đều tỏ ý không cần đến “một anh trí thức mọt sách do đế quốc đào tạo”, còn coi ông là một kẻ reo rắc tư tưởng phản động nguy hiểm. Ông suýt chết 2 lần, một lần khi tham gia đội cải cách ruộng đất ở Chiêm Hóa đã nói lên nhận xét là tòa án nhân dân trong xét xử địa chủ là không ổn, mang tính cưỡng bức phi pháp, làm cho cố vấn Trung Quốc phật lòng và ông suýt toi mạng về chuyện này; hai là khi Hà Nội được giải phóng, ông tham gia bằng 2 bài viết trên báo Nhân Văn cùng Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, bị coi là “tên đầu sỏ nguy hiểm”. Từ đó ông bị giám sát, bỏ rơi trong cuộc sống, mất việc, mất vợ, sống lay lắt, lập dị, đi đôi guốc mộc, nói, khóc và cười một mình, cưỡi chiếc xe đạp trẻ con mang nhãn hiệu nước Nga giữa phố phường Hà Nội.
Đến nay, khi cuốn sách ra rồi, mọi bí ẩn, đồn đoán nhiều khi sai lạc về con người ông mới được giải mã khá là đầy đủ.
Thì ra sau khi bị đe dọa, trù úm, cô lập, đầy ải về cả tinh thần và vật chất, triết gia sinh bất phùng thời này quyết sống một cuộc sống 2 mặt, một mình mình biết một mình mình hay, cảnh giác cao, và nhiều khi phải đóng kịch với mọi người để tồn tại. Cái con người mà thiên hạ cho là lẩn thẩn, có khi như mất trí ấy thật ra vẫn cực kỳ minh mẫn, ghi nhớ, nghiền ngẫm, suy tư, với chủ tâm sẽ có ngày được phơi bày mọi sự ra ánh sáng, khi bản thân được tự do.
Và cái ngày tự do ấy đã đến, khi người ta muốn đuổi ông già 74 tuổi vô tích sự - và có thể là vô hại cho họ - ấy đi xa cho khỏi vướng víu. Tháng 3 năm 1991, ông được cấp một vé máy bay một đi không trở lại để sống nốt những ngày cuối đời trên đất Pháp.
Năm đầu trên đất Pháp, ông sống trong cơ sở của sứ quán đầy công an, an ninh, mật vụ CS, nên vẫn phải mang “mặt nạ”, cả khi họ cho phép ông nói chuyện về triết học, về phép biện chứng duy vật, về chủ nghĩa Mác. Để giữ mạng sống, ông vẫn phải đóng kịch, như một anh trí thức sơ cấp mụ mị, dở hơi, làm cho những anh chị em trí thức chờ đợi ở ông những phản biện sâu sắc đều ngỡ ngàng thất vọng, trong đó có chính người viết bài này (vào tháng 6/1992).
Một điều may mắn là anh Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, một người Hà Nội du học ở Pháp, vốn có cảm tình với triết gia Trần Đức Thảo, đã cùng giáo sư toán học Bùi Doãn Khanh thăm dò được mong muốn thầm kín của ông, và được ông cho biết ý định viết một cuốn sách trong vòng 6 tháng nhằm trình bày tất cả những suy nghĩ chân thực của ông suốt 40 năm qua để cống hiến cho nhân dân VN đau khổ, lầm than. Khi ông đột ngột qua đời ngày 23 tháng 4 năm 1993 trong nhà khách sứ quán CS, cuốn sách tâm huyết ông chưa viết xong, mới chỉ là những ghi chép, phác thảo, dàn bài, ý vụt đến… đã bị an ninh sứ quán thu lượm sạch. Nhưng họ đã bỏ sót một kho tư liệu quan trọng: những cuốn băng ghi âm của ông Thảo.
Suốt trong gần 6 tháng, cứ đến cuối tuần, khi an ninh và viên chức sứ quán lo vui gia đình, hai ông Tri Vũ và Bùi Doãn Khanh lại lặng lẽ đón ông Thảo đến một quán cà phê kín đáo, đặt ra những câu hỏi và ghi âm những câu trả lời của ông. Ngay sau khi ông Thảo đột ngột từ trần - một cái chết vẫn còn nhiều nghi vấn – hai ông Tri Vũ và Bùi Doãn Khanh đã bỏ công ghi lại thành 16 đoạn trên máy điện toán, rồi biên soạn lại thành cuốn sách Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối.
Cuốn sách đã giải mã đầy đủ con người và nhân cách Trần Đức Thảo. Cho đến khi gần vĩnh biệt chúng ta ông đã dùng tư duy bén nhạy của một học giả và triết gia để soi sáng một đoạn hệ trọng của lịch sử dân tộc, thay thế cho những trang lịch sử chính thống trong đó con người và sự kiện đã bị xuyên tạc, bóp méo.
Trong sách, Trần Đức Thảo có nhắc đến ông Hồ vài chục lần, kể từ cuộc gặp ở Pháp, đến cuộc gặp ở chiến khu Việt Bắc, khi quy định phải đứng xa Bác 3 mét, khi được hỏi mới được nói, phải gọi ông Hồ là Bác và nhiều lần gặp sau ở Hà Nội, khi ông chỉ còn là một bóng người vật vờ, tồn tại mà như không tồn tại.
Xin mời bạn đọc thưởng thức vài đoạn ngắn trong cuốn sách nói đến “ông Cụ”, để thấy nhà triết học vẫn minh mẫn sâu sắc tinh anh đến mức nào.
… “ Đáng chú ý là từ khi tự đổi tên là Tất Thành(1911) (với khát vọng khiêm tốn là sẽ là kẻ thành đạt…) rồi cho đến sau này bỏ hẳn họ Nguyễn, lấy lại họ gốc là họ Hồ, và chọn cái tên cực kỳ kiêu sa, coi mình là bậc CHÍ MINH (1945)… Nói chung tên giả thường là rất tiêu biểu
tâm thức như thế đã phản ánh chân thực những bước chuyển biến trong đầu óc của ‘ông Cụ’. Mỗi lần thay tên đổi họ là một bước có ý nghĩa trong hành trình vươn lên, đi tới để trở thành lãnh tụ. Đây là quá trình diễn biến của sự hình thành một cuồng vọng. Phải phân tích cặn kẽ từng cái biệt danh ấy như là một dấu hiệu tâm lý chính trị, từ lúc chi mong có cơ hội thành đạt, cho tới lúc quyết tâm, bằng mọi giá, mọi cách để đạt tới tột đỉnh của quyền lực như là một ông vua (Vương), là một người yêu nước chân chính (‘Ái Quốc’), là một lãnh tụ thông minh bậc nhất trong thiên hạ (CHÍ MINH)! Một nhà túc nho, một người trí thức có đầu óc tỉnh táo, có liêm sỷ, một bộ não minh triết không bao giờ tự ý xưng mình là ‘Vương’, là ‘Ái Quốc’, là ‘CHÍ MINH’ như thế…”.
Và đây là một đọan trích nữa nhận định tổng hợp về “ông Cụ” của triết gia họ Trần:
“Cụ Hồ là một nhân vật vô cùng phức tạp, vô cùng thông minh, rất mưu trí, một con người sắt đá đến mức vô cảm, vô tình, sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt. Một ý chí thành đạt không gì lay chuyển. Đấy là một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời, một con người không có tình bạn, không có tình yêu gia đình, tình yêu con cái, một bộ óc nung đúc một cuồng vọng, với một ưu tư duy nhất là phải leo lên đến tột đỉnh quyền lực đê đạt tới mục tiêu của mình… Vì thế ông Cụ không chấp nhận một ai trong đám chung quanh là ngang mình. Vì thế mà không cần trợ lý, cố vấn, vì thế không lắng nghe một ai. Bởi lãnh tụ chỉ chăm chú tìm chiến thắng vinh quang, của giấc mơ thế giới đại đồng, chứ không cảm nhận được nỗi đau đầy máu và nước mắt của dân trong thực tại. Một con người chỉ nghĩ và sống với khát vọng chiến thắng, chứ không muốn sống bình thường như mọi người. Riêng đối với tôi, cái nhìn đầu tiên của lãnh tụ là để đánh giá tôi trong tương quan chiến thắng ấy, và cách đánh giá ấy là một bản án không nơi kháng cáo. Vì thế tôi đã suy nghĩ nhiều về nhân vật lịch sử này! Bởi Người là một cái bóng ma quyền lực đã đè nặng lên thân phận tôi.
“Những điều tôi nói đây không phải để oán trách ‘ông Cụ’, bởi tôi biết đây là một nhân vật bi thảm, luôn bị chi phối bởi nhiều thế lực trong và ngoài. Nào là cuồng vọng của một lãnh tụ chính trị, nào là sức ép của Mao, nào là những ý đồ phức tạp trong Bộ Chính trị với nhiều phe phái kình chống nhau. Những sức ép ấy đã tiêu diệt hết tình cảm của con người bình thường nơi ‘ông Cụ’ và ‘ông Cụ’ bị đưa vào thế phải chấp nhận sống cô đơn, phải thủ vai ông thánh, ông thần, giữa bao thế lực quỷ quái, quá khích, lúc tả khuynh, lúc hữu khuynh… để đạt tới, để nắm vững đỉnh cao quyền lực…”.
Còn có rất nhiều đoạn lý thú độc đáo khác nói về “Hà Nội giải phóng” năm 1955 và “Miền Nam giải phóng” năm 1975, về những buổi dự “hát cô đầu” cùng nhà văn Nguyễn Tuân, nhận xét về lực lượng Công an là bạn dân ra sao dưới một chế độ CS cảnh sát trị.Trong đọan kết, triết gia Trần Đức Thảo bộc bạch rằng vào lúc cuối đời ông đã nhận rõ chủ nghĩa Mác là một học thuyết sai lầm từ gốc, chứ không phải là nó đúng nhưng đã bị vận dụng sai, và nó sai cả về vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan do cổ vũ đấu tranh giai cấp, bạo lực, chiến tranh, sai cả về phương pháp luận lô gích biện chứng duy vật - hiện tượng học. Theo ông, Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên đều là nạn nhân bi thảm của chủ nghĩa Mác. Rất tiếc là ông đang say mê lý giải thì tai họa ập đến. Người ta thoáng biết ý định thâm sâu của ông cùng bè bạn thân thiết, và ông đã bị họ bịt mồm khi đang thổ lộ tâm tình thầm kín nhất. Dù sao ông đã mãn nguyện phần lớn khi đã trút gần hết bầu tâm sự giữ kín 40 năm ròng.
Chính do những lẽ ấy mà cuốn Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối là cuốn sách quý, rất nên tìm đọc, phổ biến rộng và bàn luận để tăng thêm hiểu biết về lịch sử và những nhân vật nước ta. Tuy tác phẩm này đã ra đời chậm hơn 20 năm, nhưng dù sao nó vẫn là một cuốn sách rất có giá trị với thời cuộc hiện tại.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.