Liên hiệp quốc và các nhà hoạt động cho nhân quyền trên toàn thế giới đang yêu cầu các quốc gia chấm dứt áp dụng biện pháp tra tấn, đã bị cấm trong mọi hoàn cảnh theo luật quốc tế. Mỗi năm vào ngày 26 tháng 6, thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Hỗ trợ các Nạn nhân bị Tra tấn để vinh danh và ủng hộ cho hàng trăm ngàn người nam cũng như nữ và trẻ em nạn nhân của tội phạm ghê tởm này. Từ Geneva, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường trình sau đây.
Tra tấn không phải là một hiện tượng mới. Hình phạt này đã được áp dụng qua nhiều thời đại và được tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay tại các vùng trên thế giới. Những thống kê đáng tin cậy không thể có được vì tra tấn được che giấu. Việc này xảy ra trong vòng bí mật tại các trạm cảnh sát, nhà tù và các nơi giam giữ.
Để có được khái niệm về mức độ của tra tấn, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tường trình trong vòng 5 năm qua là tổ chức đã nhận được phúc trình về tra tấn tại 141 quốc gia từ các nơi trên thế giới. Và Văn phòng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Geneva cho biết mỗi ngày đều nhận được những báo cáo mới về tra tấn từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và Châu Đại dương.
Bà Mona Rishmawi là người đứng đầu ngành Pháp trị, Bình đẳng và Không Phân biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc. Bà nói với Đài VOA là tra tấn xảy ra tại các quốc gia làm ngơ trước tập quán này và cho phép tra tấn tiếp tục mà không bị trừng phạt. Trong khi tra tấn xảy ra chính yếu tại các chế độ áp bức, bà nói tra tấn cũng xảy ra tại các nước dân chủ.
“Sự khác biệt là khi xảy ra việc này thì có người sẽ hành động. Có Quốc hội. Có chất vấn tại Quốc hội. Bộ trưởng sẽ gặp rắc rối. Có người nào đó sẽ phản ứng đối với việc này. Nhưng nếu quốc gia thực sự không cảm thấy có trách nhiệm đối với người dân, thì những việc làm quá đáng này sẽ xảy ra nhiều hơn nữa.”
Nhiều hiệp ước quốc tế và luật lệ trong nước cấm việc tra tấn. Năm nay sẽ kỷ niệm 30 năm Công ước chống Tra tấn được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận vào ngày 10 tháng 12, Ngày Nhân quyền.
Tuy Công ước đã được 154 quốc gia phê chuẩn, tra tấn vẫn tiếp tục một cách sâu rộng và có hệ thống tại nhiều quốc gia đã phê chuẩn này. Liên hiệp quốc cho biết là có 41 nước từ chối phê chuẩn công ước, và một vài nước trong số này tiếp tục cho phép tra tấn và đối xử tàn bạo đối với những người bị bắt giam.
Tra tấn có nhiều hình thức từ đánh đập cho đến làm nhục về tình dục công khai và hiếp dâm. Nạn nhân thường bị buộc phải chứng kiến những đau đớn mà con cái hay những người thân trong gia đình phải chịu. Bà Mona Rishmawi nói ảnh hưởng đối với các nạn nhân rất lâu dài.
Bà Rishmani nói trong khi nhiều nạn nhân bị tổn thương nặng nề về thể chất, ảnh hưởng tệ hại nhất là những đau đớn về tâm thần các nạn nhân phải chịu.
“Những người này là nạn nhân của việc cố ý gây thương tích. Những người này bị đối xử tàn bạo một cách cố ý. Bạn biết, lúc bạn làm nhục người nào đó và cướp đi phẩm giá của họ, rất khó cho những người này tự hòa giải với chính họ. Những giây phút đó lưu lại với họ trong một thời gian rất dài.”
Dù sự khủng khiếp các người sống sót phải chịu đựng, việc hàn gắn những vết thương này có thể thực hiện được. Quỹ Tình nguyện của Liên hiệp quốc dành cho những Nạn nhân bị tra tấn trợ giúp nhân đạo, thuốc men, giúp đỡ về tâm lý, pháp lý và tài chánh cho nhiều người cần đến. Quỹ cũng hỗ trợ cho nhiều tổ chức phi chính phủ điều hành các chương trình phục hồi cho các nạn nhân bị tra tấn.
Theo luật quốc tế, các quốc gia phải đảm bảo là nạn nhân bị tra tấn và bị đối xử tàn tệ phải được bối thường hoàn toàn về những đau đớn và thống khổ họ phải chịu. Liên hiệp quốc kêu gọi các chính phủ hoàn thành nghĩa vụ này.
Liên hiệp quốc nói các chính phủ phải chịu tránh nhiệm về những hành động của mình và cảnh báo là chính phủ không thể tra tấn người dân mà không bị trừng phạt. Liên hiệp quốc nói các nạn nhân bị tra tấn đáng được hưởng công lý và những người phạm tội này phải bị trừng phạt.