Đường dẫn truy cập

‘Đừng dại uống chất khử trùng để chữa Covid’


Các chất tẩy rửa có thể gây chết người nếu được đưa vào cơ thể
Các chất tẩy rửa có thể gây chết người nếu được đưa vào cơ thể

Công chúng không nên nghe theo những người không có chuyên môn y khoa trong vấn đề phòng và trị bệnh COVID-19, một vị bác sĩ từ Florida nói với VOA sau khi Tổng thống Donald Trump ngỏ ý rằng nên tìm cách đưa chất tẩy trùng vào cơ thể như là một cách để chữa bệnh.

Ông Trump nói tại cuộc họp báo hàng ngày hôm 23/4 là các nhà khoa học nên tìm hiểu xem liệu việc đưa ánh sáng hay chất tẩy trùng vào cơ thể nạn nhân có thể giúp họ khỏi bệnh hay không sau khi nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy chất tẩy rửa có thể giết chết virus này trong nước bọt và dung dịch hô hấp chỉ trong vòng 5 phút.

Tuy nhiên, gợi ý của Tổng thống Trump đã gặp phải sự chỉ trích nặng nề từ giới chuyên môn và các y bác sĩ. Họ cho rằng ý tưởng này là ‘vô trách nhiệm và nguy hiểm’ vì những chất tẩy rửa là chất độc mà nếu đưa vào trong cơ thể ‘sẽ dẫn đến tử vong’.

Sau đó, Tổng thống Trump đã nói rằng ông nói như thế ‘với hàm ý mỉa mai’.

‘Tiêm vào là chết’

Bác sĩ Đỗ Văn Hội, một bác sĩ đa khoa thâm niên đang hành nghề tại bang Florida, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID, nói với VOA rằng gợi ý của Tổng thống Trump không có giá trị về mặt chuyên môn và kêu gọi mọi người đừng làm theo.

“Thuốc sát trùng là không được uống vào, chúng ta chỉ hít thôi là có thể gây hại rồi,” ông nói.

“Tiêm chất sát trùng vào máu là chỉ có chết thôi.”

Ông kêu gọi công chúng ‘chỉ nghe theo lời khuyên của bác sĩ đúng chuyên ngành’.

“Giới bình thường cho dù có là gì đi nữa thì suy nghĩ không đầy đủ như giới chuyên môn,” ông giải thích. “Tổng thống dù sao cũng là người thường thôi.”

Tuy nhiên, bác sĩ Hội cho rằng khuyến nghị của ông Trump có thể dựa trên nguyên lý rằng nếu trong cơ thể có chất độc như virus corona thì ‘phải bằng cách nào đó tẩy độc – cũng có thể bằng cách chích thuốc hay thay máu’.

Nhưng theo vị bác sĩ này thì tẩy độc bằng gì, bằng cách nào thì ‘chỉ có giới chuyên môn mới biết’.

Cũng trong buổi họp báo ở Nhà Trắng hôm 23/4, một quan chức trong đội đặc nhiệm chống dịch của Nhà Trắng cũng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy virus corona có thể bị suy yếu nhanh chóng nếu tiếp xúc với nhiệt hay ánh nắng mặt trời.

Về vấn đề này, bác sĩ Hội nói các loại virus cúm trước đây ‘đã được chứng minh chỉ phát tán được trong mùa lạnh’ và ‘virus corona cũng vậy’.

“Họ thấy là ánh nắng có tác dụng làm suy yếu virus nhưng chưa phải chắc chắn 100%,” ông nói và chưa biết hiện vẫn ‘chưa có khuyến nghị chính thức’.

Cách điều trị ‘chỉ đang thử nghiệm’

Trước đó, Tổng thống Trump thường ca ngợi một loại thuốc dùng để trị sốt rét là hydroxycloroquine là ‘có thể là cách điều trị khả dĩ cho bệnh COVID-19’ nhưng gần đây ông không còn nhắc về loại thuốc này nữa.

Một nghiên cứu mới đây trên các bệnh nhân COVID trong một bệnh viện dành cho các cựu chiến binh của chính phủ Mỹ cho thấy những người được chữa bằng hydroxycloroquine tử vong nhiều hơn những người được chữa trị theo cách thông thường, BBC đưa tin.

Bác sĩ Hội cho biết các thuốc ký ninh (quinine) trị sốt rét đã ‘cho kết quả khả quan’ khi được thử nghiệm chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở cả Pháp và Trung Quốc nhưng kết quả này ‘chưa nói được điều gì’.

Ông giải thích sự quan tâm của ông Trump đối với thuốc trị sốt rét là vì ‘tâm lý trong dịch bệnh, ai cũng nóng ruột trước thiệt hại do virus gây ra nên muốn chóng tìm ra thuốc’.

“Nhưng khoa học không thể nào nhanh như thế.”

“Bên Pháp các bác sĩ đã chữa thành công cho 30 ca và nói rằng thuốc đó có tác dụng,” ông giải thích. “Người thường nghe có vẻ rất ấn tượng nhưng các nhà khoa học thì cho rằng bao nhiêu đó là chưa đủ.”

Theo bác sĩ Hội, có nghiên cứu cho thấy virus corona không thích hợp với môi trường mang tính kiềm nên ‘có một hướng mà các nhà khoa học đang nghiên cứu là đưa vào cơ thể môi trường kiềm có thể làm cho virus không phát triển được’, chẳng hạn như thuốc trị sốt rét có thể được dùng để ‘làm cho tế bào kiềm hóa đi’.

Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được chứng minh thêm về khoa học, ông nói.

“Ký ninh có thể giúp chữa cho một số trường hợp nhưng về lâu dài có thể có tác dụng phụ,” bác sĩ Hội cho biết và nói thêm rằng mặc dù thuốc có thể có tác dụng cho vài chục ca nhưng ‘cả ngàn ca thì chưa biết như thế nào’.

“Khoa học yêu cầu phải chứng minh được là có hiệu quả và không có hại và phải thực nghiệm đúng khoa học.”

Đó là lý do mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) rất cẩn trọng trong việc khuyến cáo dùng thuốc trị sốt rét để chữa trị COVID-19.

Tuy nhiên, trong tình hình khẩn cấp của dịch bệnh ngày càng lan rộng và giết chết càng nhiều người, bác sĩ Hội nói bất cứ kết quả thử nghiệm khả quan nào cũng đáng quý và do đó Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cho phép sử dụng thuốc sốt rét trong điều trị COVID-19 nhưng đó chỉ là ‘thử nghiệm lâm sàng’ mà thôi chứ chưa có kết luận cuối cùng.

“Phải mất một thời gian mới biết được,” ông nói. “Ngay cả bác sĩ chúng tôi cũng không được phép kê toa thuốc này cho bệnh nhân COVID-19, nếu không là bị tước bằng hành nghề ngay.”

Đối với một phương cách điều trị khả dĩ khác là dùng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh, bác sĩ Hội cho biết: “Về lý thuyết khi một người đã khỏi bệnh thì bên trong cơ thể họ có kháng thể có khả năng chống lại con siêu vi đó.”

Ông nói hiện giờ cũng có nước đã thử nghiệm sử dụng huyết tương để chữa trị nhưng ‘kết quả chưa biết được’.

“Không phải tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có thể dùng huyết tương được,” ông lưu ý. “Có trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh rồi sau một thời gian lại dương tính trở lại. Điều đó chứng tỏ sức đề kháng của họ đã mất đi.”

Biện pháp dân gian

Về những cách làm mà mọi người kháo nhau trên mạng xã hội như là ‘súc miệng bằng nước muối’, ‘uống nước gừng’, ‘uống nước chanh’…, vị bác sĩ này nói khoa học vẫn chưa chứng minh là chúng có hiệu quả đối với COVID-19.

Tuy nhiên, ông cho rằng những cách làm này ‘không có hại gì cả’ nên ‘nếu có dùng thì cũng tốt cho sức khỏe thôi’.

Một biện pháp nữa bác sĩ Hội cũng khuyến khích là nhà cửa nên mở cửa cho thoáng khí và ‘không nên để tù túng quá’.

“Không khí càng thông thoáng càng tốt. Không khí có trao đổi mới giúp chúng ta bớt bị lây nhiễm,” ông giải thích.

“Vaccine về lâu dài chắc chắn sẽ có. Nhưng nếu theo đúng phương pháp khoa học thì mất không dưới một năm có nhiều khi phải vài năm,” ông nói và cho biết hiện giờ có nhiều nước trên thế giới đang chạy đua thử nghiệm vaccine.

Ông nói rằng quá trình tìm kiếm vaccine ‘không thể rút gọn quá nhiều được’. “Phải có được 5-10 ngàn người tình nguyện. Phải kéo dài trong vòng 6 tháng, 1 năm sau khi tiêm vaccine để xem họ có mắc bệnh hay không, có thực sự sinh ra kháng thể hay không, có biến chứng gì không.”

Hiện giờ khi chưa có thuốc chủng ngừa cũng như thuốc điều trị virus corona chủng mới, bác sĩ Hội cho rằng cách tốt nhất là ‘tránh dịch’, tức là đừng để bị mắc bệnh.

“Khuyến cáo về giãn cách xã hội là phải tuân theo,” ông nhấn mạnh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG