Đường dẫn truy cập

Đảng Cộng hòa sau bài học Kansas


Các nhà hoạt động vì quyền phá thai biểu tình chống lại phán quyết của Tòa án tối cao đảo ngược án lệnh Roe v. Wade trước điện Capitol ở Washington, ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Các nhà hoạt động vì quyền phá thai biểu tình chống lại phán quyết của Tòa án tối cao đảo ngược án lệnh Roe v. Wade trước điện Capitol ở Washington, ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Nghị viện Cộng hòa ở Kansas hỏi cử tri có “muốn xóa bỏ quyền tự do phá thai trong hiến pháp tiểu bang hay không?” Đây là một câu hỏi hơi rắc rối. Vì người không chấp nhận phá thai phải trả lời “Có!” Ai muốn giữ quyền phá thai phải trả lời “Không!”

Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai nghị viện tiểu bang Kansas, chiếm cả hai ghế nghị sĩ và 3 trong số 4 dân biểu liên bang. Sau khi Tối cao Pháp viện Mỹ xóa bỏ án lệnh bảo đảm quyền phá thai Roe v. Wade, những người chống phá thai ở Kansas thấy cơ hội, muốn tu chính hiến pháp để xóa bỏ quyền tự do phá thai trong tiểu bang. Nhưng họ đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý ngày thứ Ba vừa qua; chỉ có dân 41% đồng ý, 59% chống.

Nghị viện Cộng hòa ở Kansas hỏi cử tri có “muốn xóa bỏ quyền tự do phá thai trong hiến pháp tiểu bang hay không?” Đây là một câu hỏi hơi rắc rối. Vì người không chấp nhận phá thai phải trả lời “Có!” Ai muốn giữ quyền phá thai phải trả lời “Không!”

Nhiều cử tri Cộng hòa cũng nói “No,” bảo vệ quyền phá thai Theo đài NBC, có 464,000 dân Kansas thuộc đảng Cộng hòa đã đi bỏ phiếu, 276,000 người theo Ðảng Dân chủ, và 169,000 cử tri độc lập. Số phiếu “No” là 542,000 chứng tỏ gần 100,000 cử tri Cộng hòa bỏ phiếu chống.

Đảng Cộng hòa ghi nhận ngay. Nghị sĩ Lindsey Graham (C.H.-S.C.) nói, “Đây là một tiếng chuông báo thức!” Nghị sĩ Thom Tillis (C.H.-N.C.) công nhận, “Không biết nói làm sao! Kansas rõ ràng là một tiểu bang đỏ (Cộng hòa).”

Bản hiến pháp tiểu bang Kansas không nói gì về phá thai. Năm 2019 Tối cao Pháp viện tiểu bang đã tha bổng một vụ truy tố về phá thai, viện dẫn quyền tự do cá nhân ghi trong hiến pháp. Từ đó, tự do phá thai được coi là một quyền hợp hiến.

Kansas đã có sẵn nhiều luật lệ hạn chế quyền phá thai, nếu người mẹ đã mang bầu 22 tuần lễ. Nghị viện (Cộng hòa) muốn rút ngắn thời hạn đó xuống 15 tuần, hoặc 6 tuấn như nhiều tiểu bang Cộng hòa chung quanh đã làm. Nghị viện muốn cử tri nói họ “không chấp nhận” quyền phá thai trong hiến pháp nhưng không cho dân biết sau đó luật lệ sẽ thay đổi thế nào! Các cử tri lo không biết mai mốt luật sẽ đổi ra sao, hoàn toàn do hai viện lập pháp của tiểu bang quyết định. Nhiều người thấy thà cứ giữ nguyên trạng, 22 tuần như bây giờ còn yên bụng hơn.

Những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Kansas không biết, hoặc biết nhưng không quan tâm, đến khuynh hướng chung trên toàn quốc về vấn đề phá thai. Đa số dân Mỹ nghĩ nên cho phép phá thai trong ba tháng đầu tiên. Quá 15 tuần lễ thì nên cấm, trừ trường hợp bị cưỡng hiếp, do hành động vô luân, hay lo cho mạng sống của người mẹ.

Bài học thất bạo về cuộc trưng cầu dân ý ở Kansas là, “Đừng đòi hỏi người dân nhiều quá, trên cái mức mà họ có thể cho,” theo bà Peggy Noonan, nhà bình luận trên nhật báo The Wall Street Journal, có khuynh hướng Cộng hòa và bảo thủ.

Theo bà Noonan, các nhà chính trị Cộng hòa có vẻ đang thi đua với nhau coi ai bảo thủ nhất, “kiên cường” nhất trong vấn đề này. Thí dụ, Dân biểu Matt Gaetz ở Florida, mới đem chuyện phá thai ra chế nhạo trước một nhóm sinh viên đại học. Ông nói giễu rằng những phụ nữ không hấp dẫn hoặc mập thù lù thì không lo gì cả: “Không ai muốn làm cho các cô có bầu nếu hình dạng các cô trông như một ngón tay cái!”

Ngay sau đó, một người vận động cho quyền phá thai đã đưa những lời nhạo báng của ông Gaetz lên mạng. Nhờ thế cô gái 19 tuổi đã lạc quyên được $700,000 mỹ kim cho các tổ chức đòi tự do phá thai. Câu pha trò của ông ta “thô lỗ, dốt nát và cực đoan,” Noonan nói thẳng.

Bà Noonan khuyên các nhà chính trị “Đừng đi xa quá. Đừng yêu cầu người dân quyết định một chuyện lớn ngay lập tức trong khi họ sẵn sàng tiến tới chậm chậm từng bước một.” Dân sẽ thấy là cực đoan, và không ai muốn cực đoan. Nghị sĩ Thom Tillis, Cộng hòa, hiểu điều này. Ông rút bài học từ Kansas, “Chúng ta phải trực tiếp hỏi cử tri thì họ mới ủng hộ mình. Ở Kansas đã có luật cấm phá thai sau 22 tuần lễ. Tôi nghĩ nhiều cử tri Cộng hòa cho rằng như thế là OK rồi.”

Đảng Cộng hòa Kansas có thể rút kinh nghiệm của Đảng Dân chủ ở tiểu bang California năm 1978 khi dân Cali bỏ phiếu ủng hộ Đề án số 13 cắt 2 phần 3 thuế nhà đất. Thống đốc Jerry Brown, Dân chủ, lập tức xoay chiều, dù ông đã kịch liệt chống Đề án này. Ông không những thực thi nghiêm chỉnh luật mới, được 65% cử tri chấp thuận, mà còn làm thêm luật cắt giảm món thuế khác nữa. Ông giữ cho Đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát chính quyền tiểu bang trong nhiều năm sau.

Đảng Cộng hòa ở Kansas nên bắt chước Jerry Brown, không nên sống trong ảo tưởng, cố thủ lập trường. Tháng Năm vừa qua, Ủy ban Tranh cử Thượng viện của Đảng Cộng hòa đã trình bầy một cuộc nghiên cứu dân ý về vụ phá thai. Họ đưa ra một thí dụ có hai người tranh cử. Ứng cử viên Cộng hòa muốn cấm phá thai sau 15 tuần, trừ trường hợp cưỡng hiếp, loạn luân hay mạng sống của người mẹ. Ứng cử viên Dân chủ thì muốn tự do phá thai vô điều kiện. Khi trưng cầu ý kiến, 53% các cử tri chọn bỏ phiếu cho ứng cử viên Cộng hòa, không ai chọn Dân chủ.

Nhưng câu chuyện trên chỉ dựa trên ảo tưởng. Trong thực tế, chỉ có hai nghị sĩ Cộng hòa chủ trương15 tuần, như trong thí dụ trên, là các bà Susan Collins ở Maine và Lisa Murkowski ở Alaska. Còn 48 nghị sĩ khác đều muốn cấm phá thai hoàn toàn hoặc rất sớm trước 15 tuần.

Họ có thể giữ vững lập trường đó nếu đến tháng 11 năm nay dân Mỹ đi bỏ phiếu chỉ chú trọng đến nạn lạm phát và kinh tế suy thoái mà không quan tâm đến chuyện phá thai nữa. Nghị sĩ Roy Blunt (C.H.-Mo.) mới tiên đoán, “Tôi nghĩ động lực mạnh nhất của các cử tri sẽ là kinh tế.”

Cuộc nghiên cứu dư luận tuần trước của Đại học Suffolk cho thấy 20% dân Mỹ coi kinh tế là đề tài quan trọng nhất, thêm 11% lo lắng về lạm phát, chỉ có 16% quan tâm đến phá thai.

Nhưng cũng nên biết kinh tế Mỹ đang thay đổi. Trong tháng Bảy có thêm 528,000 công việc làm mới. Lương bổng mỗi giờ tăng thêm 5.2% so với năm ngoái. Các công ty xây cất, chế hóa, và tài chánh đều tuyển thêm người. Tiệm ăn, khách sạn, tất cả ngành du lịch đang lo tuyển mộ nhân viên nhưng vẫn thiếu. Số người tìm việc làm thấp hơn số nhân viên các công ty đang tìm thêm. Tỷ lệ thất nghiệp xuống 3.5%, thấp nhất trong nửa thế kỷ. Trong ba tháng nữa, dân Mỹ sẽ coi vấn đề nào quyết định lá phiếu của họ!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG