Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý ngưng chiến tranh thương mại sau bữa tiệc tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina hôm 1/12. Giờ đây các nhà đàm phán của hai bên có 90 ngày đình chiến để tìm cách giải quyết các bất đồng nhằm tránh quay trở lại con đường đánh thuế lẫn nhau.
Trước đó ông Trump đã áp thuế chủ yếu là 10% lên 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – tức là một nửa tất cả những gì Trung Quốc bán cho Mỹ. Ông cũng đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% vào đầu năm sau nếu Bắc Kinh không đáp ứng những đòi hỏi của ông cũng như sẽ áp thuế lên toàn bộ 267 tỷ đô la còn lại hàng hóa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp tại Buenos Aires, ông Trump đã hoãn việc tăng thuế lên 25% đến ngày 1/3. Để đáp lại, Trung Quốc sẽ rút lại thuế trả đũa đánh vào xe hơi Mỹ và mua thêm nhiều nông sản của Mỹ. Những nhượng bộ này, dù không đáng kể, đã được các thị trường chứng khoán chào đón tích cực.
Kéo dài sự bất định
“Ngoài hoãn lại việc áp đặt thêm thuế quan, kết quả quan trọng thứ hai của cuộc gặp bên lề G-20 là chúng ta giờ đây đã bước vào một giai đoạn bất định kéo dài thêm,” tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nhận định.
“Về ngắn hạn, vẫn chưa có thỏa thuận nào cả mà chỉ là sự đồng ý của hai bên dừng leo thang chiến tranh quan thuế để câu thêm giờ để tìm ra một con đường khả dĩ,” tờ báo này viết thêm và cảnh báo rằng nếu sau 90 ngày mà hai bên không tìm ra một giải pháp toàn diện thỏa mãn cả hai bên – mà điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra – thì cuộc chiến sẽ leo thang trở lại.
Tờ báo này chỉ ra rằng những vấn đề không được giải quyết tại cuộc gặp Trump-Tập mới có tầm quan trọng đặc biệt, chẳng hạn như quan ngại của Mỹ về cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ và kế hoạch rộng lớn của Bắc Kinh hướng đến tự sản xuất được công nghệ cao với phương châm ‘Sản xuất ở Trung Quốc cho đến năm 2025’.
SCMP dự đoán rằng trong vòng 90 ngày tới chắc chắn Bắc Kinh sẽ giữ đúng lời hứa mua thêm nông sản và các sản phẩm năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, chỉ điều này không thì không thể thỏa mãn được những cố vấn cứng rắn nhất của ông Trump về thương mại, trong đó có Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Cố vấn thuơng mại Peter Navarro.
“Kết quả của cuộc gặp G-20 đem đến sự thở phào tạm thời, nhưng nó vẫn chưa đến gần được đưa ra một giải pháp thoát khỏi chiến tranh mậu dịch,” tờ SCMP nhận định. “Những khác biệt sâu sắc, căn bản giữa hai nước vẫn còn đó và không có khả năng được giải quyết rốt ráo trong vòng 90 ngày.”
Trump mắc bẫy Trung Quốc?
Trang tin tài chính của Yahoo cho rằng với thỏa thuận ngưng chiến này thì ông Trump đang đánh mất các đòn bẩy mà ông có thể sử dụng để gây áp lực với Trung Quốc.
“Nếu như bạn là Trung Quốc thì liệu bạn sẽ chọn thời hạn chót để đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump vào lúc này hay thêm vài tháng nữa?” trang tin này đặt vấn đề.
Theo trang tin này Tổng thống Trump đang ở trong những ngày cuối cùng mà Đảng của ông còn đang kiểm soát Quốc hội. Đến tháng Ba năm sau, khi thời hạn chót chấm dứt thì ông Trump sẽ không còn khả năng khiến Quốc hội thông qua các đạo luật của ông đã từng làm được với đạo luật cắt giảm thuế hồi năm 2017.
“Bắt đầu từ tháng Một, Trump sẽ phải đối phó với Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và họ có thể điều tra bất cứ tranh cãi nào về ông Trump mà họ muốn,” trang tin này viết. “Ngay cả phe Cộng hòa trong Thương viện cũng đang nói về áp đặ các giới hạn đối với khả năng Trump áp thuế quan và can thiệp vào thương mại.
“Trong khi đó, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến gần tới hoàn thành cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử của Mỹ hồi năm 2016 và điều này dự đoán thêm nhiều cộng sự của ông Trump bị kết án và thêm nhiều thông tin được khai ra sẽ gây tổn thương cho ông Trump về chính trị. Trên tất cả, nền kinh tế Mỹ dường như đã tăng trưởng chậm lại, khiến cho nước Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác mà Trump ưa thích.”
“Những ràng buộc về chính trị trong nước của Trump sẽ là lợi thế của Trung Quốc,” trang tin này viết.
Trang tin này cũng cho rằng thỏa thuận ngưng chiến cho thấy ông Trump ‘không muốn leo thang tranh chấp bởi vì nó sẽ làm tổn hại đến thị trường chứng khoán Mỹ’ mà ông Trump xem là chỉ dấu cho thấy khả năng ông lãnh đạo nền kinh tế Mỹ.
Trái lại, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lại không bị trói buộc gì về chính trị ở trong nước.
Trang tin này dự đoán nỗi hân hoan của các thị trường về sự hưu chiến này có lẽ sẽ không kéo dài lâu vì cả Mỹ và Trung Quốc đều diễn giải thỏa thuận hưu chiến khác nhau. Trong khi Bắc Kinh công khai hứa hẹn ít hơn rất nhiều so với những gì mà ông Trump nói là họ đã cam kết, tức là không phải là một đột phá lớn đáng để ăn mừng.
Nhiều phân tích gia cho rằng cuộc chiến thương mại leo thang là điều không thể tránh khỏi khi mà cả hai bên đều có lập trường không thể nhượng bộ. “Chúng tôi vẫn nghi ngờ về một thỏa thuận thương mại đáng kể giữa hai nền kinh tế khổng lồ,” kinh tế gia Greg Daco của Oxford Economics nhận định sau cuộc gặp ở Buenos Aires. “Chúng tôi tin rằng có khả năng cao cuộc chiến này sẽ leo thang vào đầu năm 2019.”
Theo trang này thì những yêu cầu mà ông Trump đưa ra với Trung Quốc không có gì mới mà thực ra các đời tổng thống trước đều đã đưa ra với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh chỉ hứa miệng mà không làm. Nhiều phân tích gia cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh từ bỏ mô hình kinh tế mà họ đã đi theo trong hàng chục năm và xem đó là tương lai của họ.
Cũng theo trang tin này thì mặc dù ông Trump cho rằng các biện pháp áp thuế của ông sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương mạnh mẽ, nhưng nó cũng làm tổn hại kinh tế Mỹ nữa, và ông Trump ‘có thể đã đạt tới giới hạn của mức độ chủ nghĩa bảo hộ mà các doanh nghiệp Mỹ có thể tiếp nhận’.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã diễn biến bất thường trong năm nay mặc dù kinh tế tăng trưởng mạnh và gói cắt giảm thuế cho doanh nghiệp giúp lợi nhuận của họ tăng vọt.
“Chủ nghĩa bảo hộ của Trump là một trong những quan ngại lớn nhất của các nhà đầu tư, đó là lý do tại sao các chỉ số chứng khoán tăng đáng kể khi có tin về thỏa thuận ngưng chiến,” trang tin này viết.
Thêm nữa, nếu kinh tế tăng trưởng chậm lại, thì chứng khoán lại càng dễ tổn thương hơn nữa với thuế quan. Chỉ số tăng trưởng đặt mức cao là 4,2% vào quý hai, nhưng sau đó giảm xuống 3,5% vào quý ba, trong khi dự đoán tăng trưởng cho quý bốn chỉ là 2,8%, theo công cụ ước đoán của Cục dự trữ liên bang ở Atlanta (Atlanta Federal Reserve).
Hãng Moody’s dự đoán tăng trưởng trong năm 2019 sẽ là 2,9% và trong năm 2020, năm bầu cử tổng thống, chỉ là 0,9%. Trong hoàn cảnh đó, bất cứ điều gì làm hại đến lợi nhuận, trong đó có thuế quan, sẽ có tác động rõ ràng lên giá cổ phiếu nếu như các nhà đầu tư cảm thấy bi quan hơn về triển vọng tương lai.
Tuy nhiên, cũng có khả năng ông Trump có thể thật sự ép Trung Quốc thực hiện những cải cách đối với nền kinh tế của họ mà ông mong muốn. Dù sao thì các biện pháp đánh thuế của ông Trump đang làm tổn thương Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay cả cố vấn kinh tế của ông Trump là ông Larry Kudlow cũng thừa nhận rằng hành động mới quan trọng chứ không phải là những cam kết mơ hồ.
Và Trung Quốc sẽ có lợi thế khi kéo dài đàm phán vì nó càng bế tắc lâu chừng nào, họ càng có thể đạt được thỏa thuận có lợi cho mình chừng đó.
Đối phó dư luận trong nước?
Hãng tin BBC của Anh thì cho rằng thỏa thuận ngưng chiến này là cần thiết đối với cả ông Trump và ông Tập để xoa dịu sự quan ngại của người dân trong nước của họ.
Bản thân ông Tập đang chống đỡ với nền kinh tế đang chậm lại ở trong nước và nếu ông đem về được một thỏa thuận giúp làm giảm sự tổn thương đối với các nhà sản xuất trong nước thì đó sẽ được ca ngợi là thắng lợi lớn của ông.
Theo BBC thì có bằng chứng cho thấy các công ty Trung Quốc đang bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại nhưng với mức thuế hiện nay là 10% thì họ vẫn có thể xoay sở được. Nếu như ông Trump vẫn giữ đúng lời hứa như trước đây là tăng thuế lên 25% chứ không hoãn lại ba tháng nữa thì tình hình sẽ thay đổi hết sức bất lợi cho Trung Quốc.
Ba tháng trì hoãn giúp Trung Quốc đi qua được thời điểm Tết Âm Lịch mà không gây xáo trộn lớn cho sản xuất và đời sống của người dân nước họ.
Về phần mình, ông Trump cũng có động lực để hưu chiến với Trung Quốc. BBC cho biết các nhóm vận động hành lang của Mỹ đang tích cực gây áp lực lên ông Trump phải dẹp bỏ những bất đồng với Trung Quốc và chỉ ra rằng Mỹ đánh thuế cao hơn cũng có nghĩa là các nhà sản xuất Mỹ phải chịu chi phí nhiều hơn và do đó người tiêu dùng Mỹ phải móc hầu bao nhiều hơn để mua hàng hóa.
Mặc dù ông Trump từng công khai bác bỏ những lo ngại này, nhưng thỏa thuận ngưng chiến này sẽ giúp ông có được hình ảnh tích cực hơn đối với người dân trong nước trong khi vẫn cho phép các công ty Mỹ thêm thời gian để chuẩn bị đối phó nếu như ông Trump thật sự áp tăng thuế lên 25% sau thời gian ngưng chiến.
Hôm 4/12, ông Trump nêu ra khả năng kéo dài thỏa thuận hưu chiến thương mại 90 ngày với Trung Quốc nhưng cảnh báo ông sẽ quay lại đánh thuế nếu hai bên không thể giải quyết được những khác biệt của mình.
Cam kết mơ hồ
BBC cũng cho rằng Trung Quốc tìm cách đảm bảo ngôn ngữ trong thỏa thuận này càng mơ hồ và càng không mang tính ràng buộc càng tốt. Do đó mà nó không hề nêu tỷ lệ Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường đến mức nào hoặc sẽ mua thêm bao nhiêu hàng của Mỹ.
Đài CNN của Mỹ cũng có cùng chung nhận định với BBC.
Theo quan sát của đài này thì các cơ quan truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về thỏa thuận hưu chiến không hề nhắc gì đến ‘thời hạn chót 90 ngày’ này mà thay vào đó họ nó lan truyền thông tin đó như là ‘chấm dứt vô thời hạn việc đánh thuế’ trong khi các cuộc đàm phán tiếp diễn.
CNN dẫn lời bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng sự không đồng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trong cách diễn giải thỏa thuận cho thấy ‘thỏa thuận có rất nhiều chỗ có thể gây hiểu lầm’.
Mặc dù phía Mỹ nói rằng Trung Quốc đồng ý ‘mua thêm đáng kể hàng hóa Mỹ ngay lập tức’ nhưng thông báo của phía Trung Quốc lại không hề đề cập đến việc ‘mua thêm’ này mà chỉ nói chung chung là ‘hai bên muốn đạt một thỏa thuận cụ thể có lợi cho cả hai’.
Theo bà Glaser thì việc Trung Quốc không đề cập đến điều khoản ‘mua thêm’ này cũng dễ hiểu vì ‘không có khả năng ông Tập Cận Bình muốn người dân trong nước có cảm nhận rằng ông đang nhượng bộ trước Mỹ’.
Nếu như theo những gì mà Trung Quốc thể hiện trong thông báo của họ về kết quả cuộc gặp thì Bắc Kinh đang hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ là điểm bắt đầu để kết thúc cuộc chiến thương mại của ông Trump, CNN nhận định.
“Tôi cho rằng phía Trung Quốc đang hy vọng các nhân tố chính trị và kinh tế sẽ kết hợp để thuyết phục chính quyền Trump giảm đòi hỏi để Trung Quốc có thể đáp ứng,” bà Glaser được CNN dẫn lời nói.
Tuy nhiên, cho dù cuộc gặp ở Argentina có bàn đến việc chấm dứt luôn việc đánh thuế hay không, thông cáo của Nhà Trắng không hề nói gì về chuyện đó.
Trong khi ca ngợi cuộc gặp này là ‘rất thành công’ và ông có ‘vinh dự to lớn’ được làm việc với ông Tập, ông Trump chỉ nói rằng là việc tăng thuế ‘chỉ được hoãn lại’ vào lúc này.
Hãng tin AFP đã điểm lại bốn trở ngại chính có thể khiến hai bên khó lòng đạt được thỏa thuận chung cuộc.
Khoảng cách thâm hụt
Tổng thống Trump đã gần như dùng mọi phương cách để buộc Trung Quốc giảm khoản thâm thủng trên 300 tỷ đô la mỗi năm mà Mỹ phải chịu trong giao thương với Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa lay chuyển được Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ than phiền rằng Trung Quốc sử dụng các biện pháp trợ giá và các chiến thuật khác một cách không công bằng để làm tràn ngập thị trường Mỹ với hàng hóa rẻ quá mức mà các công ty Mỹ không thể cạnh tranh lại, trong đó có nhôm và thép.
Nhà Trắng cho biết theo thỏa thuận giữa hai ông Trump-Tập, Trung Quốc đã đồng ý mua một số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ Mỹ để thu hẹp lại thâm hụt thương mại khổng lồ.
Tuy nhiên thỏa thuận không đưa ra con số cụ thể là Trung Quốc sẽ mua thêm bao nhiêu hàng Mỹ - điều này có nghĩa là hai nước sẽ phải mặc cả với nhau về con số này trong giai đoạn đàm phán 90 ngày.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đồng ý ‘ngay lập tức’ mua trở lại các hàng hóa nông nghiệp Mỹ có thể là một điểm cộng cho ông Trump do ông đang cần sự ủng hộ của những cử tri nông dân của ông trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới.
Hồi tháng Bảy, Bắc Kinh đã áp thuế 25% lên đậu nành và các nông sản khác của Mỹ, khiến cho khối cử tri nông dân vốn là thành phần ủng hộ ông Trump mạnh mẽ lao đao.
Sở hữu trí tuệ
Phía Mỹ cũng muốn Trung Quốc đảm bảo rằng họ sẽ trấn áp nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ ở nước này. Hồi tháng Ba, ông Trump đã áp thuê lên 50 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để trừng phạt nước này về các cáo buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ mà Mỹ cho rằng khiến cho các công ty Mỹ thiệt hại đến 600 tỷ đô la một năm – cáo buộc mà Trung Quốc bác bỏ.
Một báo cáo mới đây của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cáo buộc Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch tấn công mạng có sự hậu thuẫn của Nhà nước đối với các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, trong nỗ lực rũ bỏ tiếng xấu là nơi sản xuất hàng nhái, trong những năm gần đây Bắc Kinh đã có những biện pháp cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó có thiết lập các tòa án chuyên môn về sở hữu trí tuệ để xử lý những vấn đề như tranh cãi về bằng sáng chế, bản quyền và vi phạm thương hiệu.
Nước này cũng phát động một chiến dịch trên toàn quốc để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài trong năm 2017.
Chuyển giao công nghệ
Mỹ và các nước châu Âu từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác nội địa nếu muốn làm ăn trên thị trường Trung Quốc.
Bản báo cáo của ông Lighthizer cáo buộc Trung Quốc vẫn áp đặt những hạn chế đối với sở hữu nước ngoài và vẫn thực hiện các biện pháp cấp phép và phê chuẩn hành chánh, cũng như chế độ phê duyệt đầu tư nước ngoài ‘không minh bạch và tùy ý’ để gây áp lực buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.
Ông Tập đã cam kết ông sẽ củng cố các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng các công ty nước ngoài ở Trung Quốc cho biết lời hứa đó đã quá nhàm và không có ý nghĩa thực chất.
Tham vọng công nghệ cao
Trung Quốc đang dựa vào các quốc gia như Mỹ và Hàn Quốc để cung cấp cho họ những con chip ở trình độ cao, một điểm yếu trong nỗ lực của họ muốn trở thành nước đi đầu về công nghệ toàn cầu.
Thỏa thuận hưu chiến không đề cập gì đến kế hoạch ‘Sản xuất tại Trung Quốc cho đến 2025’ nhằm xây dựng khả năng công nghệ cao lên đến trình độ ngang hàng với Mỹ.
Nhằm giảm sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài, chính sách này nhằm vào các lĩnh vực then chốt như tự động hóa, phương tiện năng lượng mới và thiết bị viễn thông. Washington đã nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Hồi tháng 10, Mỹ đã hạn chế bán những công nghệ quan trọng cho công ty sản xuất chíp nhà nước Fujian Jinhua với cáo buộc hãng này ăn cắp bí mật thương mại.