Đường dẫn truy cập

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang trở nên phức tạp?


Cuộc đấu thương mại hiện đang là cuộc đấu quan trọng nhất giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình
Cuộc đấu thương mại hiện đang là cuộc đấu quan trọng nhất giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc đồng ý về số lượng thuế quan sẽ được dỡ bỏ trong một thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn một’ bất chấp căng thẳng về Hong Kong và Tân Cương, những người nắm rõ nội dung cuộc đàm phán cho biết.

Những nguồn tin này, vốn yêu cầu được ẩn danh, nói với hãng tin Bloomberg rằng lời bình luận của Tổng thống Donald Trump hôm 3/12 vốn xem nhẹ mức độ khẩn cấp của thỏa thuận không nên được hiểu là các cuộc đàm phán đang bị đình trệ bởi vì ông nói mà không có sự chuẩn bị trước.

Trong khi đó, các đạo luật mới đây của Mỹ về Hong Kong và Tân Cương dường như không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán, một người thông thạo nội tình Bắc Bắc Kinh nói với Bloomberg.

Cột mốc 15/12

Các nhà đàm phán Mỹ đang hy vọng thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc sẽ được hoàn thành trước khi thuế quan của Mỹ đánh vào 156 tỷ đô la hàng tiêu dùng của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và đồ chơi. Các vấn đề còn tồn đọng bao gồm làm thế nào để đảm bảo Trung Quốc mua nông sản Mỹ và chính xác Mỹ sẽ rút lại những mức thuế nào.

Khi được hỏi tại Seoul về việc liệu các cuộc đàm phán thương mại có thể kết thúc trong năm nay hay không, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói, “Điều đó còn tùy. Lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng. Có hy vọng, miễn là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng”, theo đài truyền hình Phoenix TV.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào của thỏa thuận giai đoạn một trong khi lo ngại dâng cao rằng ông Trump có thể sẽ áp thêm thuế với Trung Quốc vào cuối tháng này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 3/12 cho biết Mỹ vẫn sẽ đánh thuế quan đối với hàng tiêu dùng của Trung Quốc nếu không có gì thay đổi vào giữa tháng 12.

Việc chính quyền Mỹ có rút lại thuế quan đó hay không phụ thuộc vào hành xử của ‘Bắc Kinh từ giờ đến đó,” Bộ trưởng Ross nói.

Cho rằng các nhà đàm phán Mỹ chưa hài lòng với những gì Bắc Kinh đưa ra trên bàn đàm phán, ông Ross nói với Fox Business rằng các nhà đàm phán Trung Quốc đang ‘có bước tiến bộ, nhưng khi họ tiến một bước thì họ cũng lùi một bước’.

“Chúng tôi cần một thỏa thuận tổng thể đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cho giai đoạn một,” ông nói và cho biết mua hàng nông sản sẽ là một yếu tố chủ chốt trong thỏa thuận, trong khi các vấn đề cải cách hệ thống của Trung Quốc sẽ được đẩy sang giai đoạn sau.

Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 30/11 đưa tin hôm rằng Bắc Kinh muốn nhiều hơn là chỉ hủy bỏ thuế quan trong tương lai và xem việc dở bõ tất cả các mức thuế hiện hành là điều kiện tiên quyết để đạt được thỏa thuận.

‘Làm phức tạp đàm phán’

Trong khi các quan chức của cả hai quốc gia đã nhấn mạnh nhiều lần rằng các cuộc đàm phán đang đạt được tiến bộ và họ vẫn giữ liên lạc thường xuyên, thì những lời lẽ tiêu cực gần đây của cả hai bên đã làm dâng lên nỗi sợ rằng cuộc đàm phán có thể kéo dài, bất chấp chiến lược của Trump trong các cuộc đàm phán thương mại là hạ thấp mong đợi về một thỏa thuận và đàm phán chậm rãi.

Hôm 3/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua áp đảo dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có hành vi vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, khiến Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa.

Ông Trump không khởi xướng dự luật về Tân Cương và Hong Kong, và chúng là những vấn đề riêng biệt với các cuộc đàm phán thương mại, ông Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ song phương tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với Bloomberg.

“Nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa đánh thêm thuế vào ngày 15/12, đó chắc chắn là một sự leo thang trở lại và Trung Quốc sẽ trả đũa,” ông Lu nói. Ông Trump ‘vẫn đang cân nhắc các điều kiện cho một thỏa thuận, nhưng vì lợi ích chính trị của mình, ông cần một thỏa thuận – cho dù nó được ký vào tháng 12, tháng 1 hay tháng 2’.

Trước đó, hôm 2/12, ông đã Trump thừa nhận rằng đạo luật Hong Kong của Mỹ có thể làm phức tạp các nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh của chính quyền ông, theo tờ South China Morning Post.

“Nó không làm cho mọi việc tốt hơn,” ông Trump thừa nhận khi được hỏi liệu Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong có khiến khó đạt được thỏa thuận hơn hay không.

Ông Trump trước đó đã vận động các đồng minh Cộng hòa của ông tại Thượng viện để làm chậm dự luật, và tuyên bố rằng một số điều khoản của nó sẽ ‘can thiệp’ vào quyền lực quyết định ‘chính sách đối ngoại’ của ông. Nhưng sự ủng hộ của lưỡng đảng dành cho dự luật quá mạnh mẽ tại cả hai viện của Quốc hội đến nỗi quyền phủ quyết của tổng thống sẽ không có tác dụng gì.

Trump đã né tránh một câu hỏi về việc liệu ‘thỏa thuận giai đoạn một’ có được trước cuối năm nay hay vào không mà, thay vào đó, vẫn sử dụng giọng điệu quen thuộc rằng Bắc Kinh mong muốn có thỏa thuận hơn ông, theo South China Morning Post.

“Phía Trung Quốc vẫn đang đàm phán,” ông Trump nói ở Nhà Trắng trước khi lên đường dự Thượng đỉnh khối NATO ở Anh. “Tôi rất vui ở với những gì chúng ta có hiện nay. Phía Trung Quốc muốn có thỏa thuận. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra.”

Lời bình luận này của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi ông tuyên bố chính quyền ông sẽ áp dụng trở lại mức thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Argentina và Brazil, những quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Washington với Bắc Kinh.

Trung Quốc ‘cứng rắn’

Trao đổi với VOA, GS-TS Khương Hữu Lộc, hiện đang giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nói rằng vấn đề bế tắc hiện nay là Bắc Kinh ‘nhất quyết đòi Mỹ rút lại mức thuế 15% đánh vào 156 tỷ đô la hàng tiêu dùng của họ vào giữa tháng này’ nếu muốn ký thỏa thuận giai đoạn một.

Ông cũng dự đoán rằng trong tình hình hiện nay, có thể Mỹ ‘sẽ hoãn lại mức thuế này’ nhưng sẽ không dỡ bỏ hoàn toàn.

Lý do Trung Quốc trở nên cứng rắn như vậy, theo ông Lộc, là ‘vì ông Trump đã ký đạo luật về Hong Kong’.

“Dù có đạo luật Hong Kong hay không thì Bắc Kinh vẫn đòi ông Trump bỏ mức thuế này, nhưng vì đạo luật Hong Kong được thông qua đã gây sức ép quá mạnh khiến Bắc Kinh phải đòi bỏ mức thuế này cho bằng được để lấy lại thể diện quốc gia,” ông nói.

Theo lời giải thích của ông Lộc thì đạo luật Hong Kong đã làm cho phía Trung Quốc mất mặt, bây giờ nếu như Mỹ vẫn giữ mức thuế 15% như đe dọa thì Trung Quốc ‘càng cảm thấy bị mất thể diện và bị coi thường’.

“Nếu Trung Quốc nhân nhượng thì họ sẽ bị nhìn nhận là ở thế yếu so với Mỹ. Đó là điều họ sẽ không làm,” ông phân tích.

“Nếu Mỹ không bỏ mức thuế 15% đó thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không ký thỏa thuận thương mại,” ông nói và cho biết lời hứa của ông Trump đưa ra với ông phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để ký thỏa thuận giai đoạn một hồi đầu tháng 10 là chỉ ngưng không tăng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỷ đô là hàng hóa được Trung Quốc xem là ‘quá ít’.

Giải thích cho dự đoán của ông rằng Mỹ ‘sẽ hoãn lại’ mức thuế 15%, ông Lộc nói: “Nếu Trung Quốc cứng rắn như vậy, Mỹ có thể sẽ nhân nhượng.”

“Mỹ không muốn dồn ép Trung Quốc thêm sau vấn đề Hong Kong nhưng Mỹ cũng không thể bỏ đi mức thuế này vì họ sẽ mất đòn bẩy.”

Ông cũng cho rằng Tổng thống Trump cũng có động cơ trong việc hoãn đánh thuế 15% vào ngày 15/12 vì mức thuế này ‘sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân Mỹ và do đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào năm 2020’.

Ông cho biết hiện giờ lá bài Trung Quốc đưa ra đàm phán là ‘họ chưa mua ngũ cốc hay thịt lợn lên mức gấp đôi như đã hứa’ để gây sức ép buộc Mỹ nhượng bộ.

Khó lòng giải quyết sớm?

Trả lời câu hỏi tại sao ông Trump lại ký dự luật về Hong Kong khi ông biết rằng việc đó sẽ làm phức tạp quá trình đàm phán thương mại với Trung Quốc, ông Lộc nói ‘ông Trump không còn lựa chọn nào khác’ sau khi dự luật được lưỡng viện Quốc hội ủng hộ áp đảo.

Tuy nhiên, ông Trump cũng ‘gửi thông điệp cho ông Tập (chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) rằng ông ấy không thật sự muốn ký dự luật nhưng cũng không thể phủ quyết được’. Đó là lý do ông Trump khen ngợi ông Tập và nói rằng ông ‘sát cánh với ông Tập’, ông Lộc nói.

Khi được hỏi về triển vọng hai nước đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, ông Lộc tỏ vẻ bi quan cho khoảng thời gian từ nay đến hết năm, nhưng ông cho rằng ‘có khả năng 80% hai nước sẽ ký thỏa thuận giai đoạn 1 trước cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2020’.

“Càng kéo dài thì sẽ càng tạo áp lực cho kinh tế Trung Quốc trong khi Mỹ cũng bị ảnh hưởng,” ông nói. “Thành ra cả hai bên đều có lợi ích để đi đến ký kết thỏa thuận giai đoạn 1.”

Thỏa thuận giai đoạn 1 mà hai bên đã thỏa thuận hồi đầu tháng 10 sẽ yêu cầu Mỹ không tăng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc đã bị đánh thuế. Đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ mua khối lượng lớn nông sản Mỹ. Tuy nhiên, các đòi hỏi cốt lõi của Mỹ về những thay đổi trong hệ thống của Trung Quốc không được đáp ứng.

Ông Lộc hình dung để giải quyết rốt ráo tranh chấp giữa hai nước sẽ ‘phải đi qua ba giai đoạn’ và ‘mất thêm 1, 2 năm nữa sau bầu cử chưa chắc đã xong’.

Khi được hỏi liệu việc kéo dài chưa giải quyết được cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào đến cơ hội của ông Trump trong mùa bầu cử, ông Lộc nói vào thời điểm này ‘sẽ có lợi cho ông Trump nếu tranh chấp thương mại với Trung Quốc kéo dài’.

“Ông Trump đã thấy phía Dân chủ họ còn ủng hộ thuế quan mạnh mẽ hơn phía Cộng hòa và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đó là vị trí ‘cứng’ có thể giúp ông thắng cử,” ông nói và cho biết tình hình kinh tế Mỹ vẫn khả quan nên giúp làm giảm tác động tiêu cực của thuế quan lên người dân Mỹ.

“Nếu vì cần thỏa thuận mà thương lượng nhanh thì có thể ảnh hưởng đến uy tín chính trị của ông Trump,” ông nói. “Nếu đạt được thỏa thuận lớn về các vấn đề cốt lõi mà không có thực chất thì lại càng bất lợi cho Trump.”

Theo lời ông Lộc là nếu đến cuộc bầu cử năm sau mà ông Trump không có gì trong tay (ít nhất là thỏa thuận giai đoạn 1) thì ‘sẽ bất lợi cho ông trong bầu cử’.

Ông cho rằng mặc dù nội dung của thỏa thuận giai đoạn 1 rất khiêm tốn và không giải quyết bất cứ đòi hỏi then chốt nào của Mỹ cả nhưng ‘miễn làm sao ổn định được căng thẳng trên thị trường’ thì nó sẽ ghi điểm với cử tri Mỹ.

Nhận định về đòn thuế quan của ông Trump đối với nhôm, thép nhập khẩu từ Brazil và Argentina, ông Lộc nói rằng đó là vì ‘Trung Quốc đã tăng mua ngũ cốc từ hai nước này hơn 75% thay vì mua ngũ cốc của Mỹ như đã hứa’.

“Đồng tiền của hai nước này đều giảm giá mạnh khiến hàng hóa của họ trở nên rất rẻ. Trung Quốc mua được hàng rẻ nên không mua của Mỹ nữa,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG