Đài Loan hôm 24/9 lên án hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh điều hai máy bay do thám quân sự tới hòn đảo này trong ba ngày liên tiếp, và gọi đây là “hành động khiêu khích có chủ ý”, theo AP.
Căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan khi Hoa Kỳ tăng cường can dự chính thức vào hòn đảo tự trị mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ của mình.
Liên tiếp trong ba ngày 21/9 - 23/9, Trung Quốc đã điều hai máy bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói. Đáp lại, phía Đài Loan cử lực lượng tuần tra trên không để theo dõi, Bộ này cho biết thêm.
“Chúng tôi phản đối việc Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Đài Loan, cố tình vi phạm an toàn hàng không, hàng hải và làm hỏng hiện trạng”, AP dẫn lời Thứ trưởng Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, Chiu Chui-Cheng, nói. “Chính phủ chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia có giá trị tương đồng”.
Tuần trước, Trung Quốc điều tổng cộng 37 chiến đấu cơ, bao gồm máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, bay qua eo biển Đài Loan như một cảnh báo khi một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các máy bay đã băng qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, vốn được xem là vùng đệm không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan trong nhiều thập niên, mà Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan hôm 24/9 gọi là “một thỏa thuận ngầm nhằm duy trì hòa bình”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm thứ Hai phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ đường trung tuyến nào, nói rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Ông cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ trả đũa chuyến thăm của Hoa Kỳ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó, bao gồm chống lại những cá nhân có liên quan”.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫn bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh. Bà đến thăm một căn cứ quân sự vào thứ Ba và động viên nhân sự ở đây, đặc biệt là các phi công và phi hành đoàn.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết vào tháng 7 rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc đã gia tăng tần suất và trở thành “việc hầu như diễn ra hàng ngày”.
Trung Quốc gia tăng áp lực ngoại giao và quân sự đối với chính phủ của bà Thái vì bà từ chối thoả hiệp với việc Trung Quốc khăng khăng rằng hòn đảo là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Đại đa số người Đài Loan từ chối triển vọng liên minh chính trị với Trung Quốc theo khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống” vốn đã được sử dụng cho Hong Kong.
Sau khi bà Thái được bầu lên vào năm 2016, Trung Quốc cắt đứt liên lạc với chính phủ Đài Loan và tìm cách cô lập chính quyền này, lôi kéo các đồng minh ngoại giao của hòn đảo trong lúc gây sức ép về chính trị, quân sự và kinh tế.