Đường dẫn truy cập

Đi làm giữa vùng dịch ở Mỹ: Nỗi sợ và trách nhiệm


Các siêu thị ở Mỹ thuộc dạng dịch vụ thiết yếu vẫn phải mở cửa trong mùa dịch
Các siêu thị ở Mỹ thuộc dạng dịch vụ thiết yếu vẫn phải mở cửa trong mùa dịch

Một số người Mỹ gốc Việt phụ trách ‘các công việc thiết yếu’ vẫn phải đi làm giữa mùa dịch COVID cho VOA biết họ phải cân bằng giữa nỗi bất an về khả năng bị nhiễm bệnh với sự cần thiết của công việc vì lợi ích của bản thân và cộng đồng.

Kể từ khi nước Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ đầu tháng Ba, nhiều công sở, doanh nghiệp đã chuyển sang kiểu làm việc ở nhà để đảm bảo các nhân viên của họ không phải ra đường. Tuy nhiên, một số cơ sở thiết yếu như chợ búa, nhà thuốc, bưu điện, ngân hàng… vẫn phải mở cửa và duy trì nhân viên làm việc tại chỗ.

Có biện pháp phòng dịch

Từ tâm dịch ở New York, anh Tuấn Lê, 32 tuổi và hiện làm việc ở nhà thuốc ESCO ở trung tâm thành phố, nói với VOA rằng từ ngày anh chuyển sang lái xe đi làm anh mới đỡ sợ hơn so với trước đây khi anh phải di chuyển bằng hệ thống xe điện ngầm.

“Lúc đầu khi có dịch tôi vẫn đi xe điện ngầm. Do hệ thống xe điện ngầm ở New York cắt giảm giờ hoạt động nên rất đông hành khách trên đó. Có những người không đeo khẩu trang nên tôi sợ,” anh cho biết.

Ngoài ra, trong thời gian đầu, tiệm thuốc không có đủ trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên, anh cho biết, nhưng sau này nhờ các tiệm làm móng của người Việt đã đóng cửa bàn giao lại khẩu trang, găng tay với số lượng lớn nên giờ nhà thuốc không những đã tự túc mà còn có dư để hiến tặng cho các viện dưỡng lão.

“Trong tiệm thuốc ngay trước chỗ tính tiền đã lắp tấm mica để ngăn tiếp xúc giữa nhân viên và khách hàng,” anh nói và cho biết các nhân viên đi làm lúc nào cũng được nhắc nhở phải đeo khẩu trang, găng tay và rửa tay thường xuyên.

Hiệu thuốc cũng cắt bớt số nhân viên đi làm trực tiếp và cho một số người được làm việc ở nhà để làm các công việc như gọi điện hỏi thăm bệnh nhân, xử lý toa thuốc, anh Tuấn nói thêm.

“Khách hàng khi vô tiệm họ có được xịt thuốc khử trùng lên tay, được đưa cho khẩu trang và chỉ được vào tiệm không quá 10 người cùng một lúc,” anh nói thêm và cho biết trong tiệm các khách hàng được yêu cầu luôn luôn giữ khoảng cách 6 feet (khoảng 2m) với nhau.

Về tình hình kinh doanh của nhà thuốc trong mùa dịch, anh Tuấn cho biết khi dịch bắt đầu bùng phát ở New York thì ‘mọi người đều hoảng sợ’.

“Người ta vô mua nhiệt kế, khăn giấy, thuốc Tylenol… để dự trữ nên số lượng bán các mặt hàng này tăng lên,” anh nói.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian thì lượng khách hàng đến tiệm ‘giảm lại vì người ta không dám ra đường nhiều’, cũng theo lời anh.

Anh cho biết những mặt hàng được khách hàng lùng mua nhiều nhất là các loại thuốc, khăn giấy khử trùng, đã trở nên khan hiếm và hết hàng, trong khi các mối bán sỉ cũng cắt giảm lượng hàng họ cung ứng cho nhà thuốc.

Trước tình hình nhiều khách hàng không dám đến tiệm trong khi họ vẫn có nhu cầu thuốc men trong mùa dịch, anh Tuấn nói tiệm anh đã ‘tăng việc giao hàng lên 300% cho các khách hàng chủ yếu là người lớn tuổi, trong đó có cộng đồng người Việt Nam’.

“Chỉ cần họ gọi đến nhà thuốc thì mình sẽ giao thuốc thẳng đến cho họ,” anh nói và cho biết bản thân anh mặc dù là đối tác có phần hùn trong nhà thuốc cũng phải đảm nhận công việc đi giao thuốc.

Theo lời anh thì mỗi ngày sau khi hiệu thuốc đóng cửa thì anh bỏ ra từ nửa tiếng đến 45 phút để đi giao thuốc và anh chịu trách nhiệm giao chủ yếu ở khu Bronx, nơi anh ở.

“Khi tôi giao đến thì để ở ngoài và gọi khách hàng ra lấy. Khi ra lấy họ đeo không chỉ khẩu trang mà còn tấm chắn nữa,” anh cho biết.

Anh nói anh ‘cảm nhận được cảm giác sợ hãi’ của những khách hàng lớn tuổi người Việt mà anh giao thuốc.

“Phần lớn họ sống trong những khu căn hộ tập thể (residential building) nơi có khả năng lây nhiễm cao nên họ rất sợ,” anh Tuấn cho biết.

‘Vẫn muốn đi ra ngoài’

“Lần đầu tiên xảy ra chuyện này nên mình muốn biết nó nhiều hơn để coi như thế nào để giúp đỡ những người lớn tuổi,” anh nói thêm.

Những ngày đi làm ở New York trong mùa dịch, anh cho biết ‘lần đầu tiên thành phố đóng cửa, người ra đường rất ít’ và ‘những người có khả năng đã đi khỏi thành phố đến nơi khác để tránh vùng dịch, những người còn kẹt lại hầu hết là người già.’

“Họ rất cần sự giúp đỡ như đưa thuốc, thức ăn và hàng hóa thiết yếu đến cho họ,” anh chia sẻ.

Anh cho biết ‘ba mẹ và vợ có khuyên không nên đi làm trong mùa dịch’ và bản thân anh cũng lo sợ. “Bản thân mình còn trẻ thì có thể chống chọi được, nhưng sợ là đem bệnh về lây cho ba mẹ ở nhà.”

“Hiện giờ tôi phải đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu có thay đổi gì trong người như huyết áp tăng, ho hay mệt mỏi gì đó thì phải nói cho gia đình biết ngay để đề phòng,” anh nói thêm và cho biết mỗi khi đi làm về anh phải ‘thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ trước khi sinh hoạt với gia đình’.

Về sự chuẩn bị trước khả năng bị nhiễm bệnh, anh cho biết: “Tôi có chuẩn bị về tinh thần. Nếu mình bệnh thì sẽ ở nhà cách ly như thế nào. Tôi có phòng riêng, có lối đi riêng ở nhà như thế nào, sinh hoạt ra sao để tránh lây cho gia đình.”

Đến giờ, bản thân anh cũng như tất cả nhân viên ở nhà thuốc ‘chưa ai được xét nghiệm virus corona hết’.

Nguyên nhân, theo lời anh, là do trước đây ‘không có đủ bộ xét nghiệm nên chỉ dùng cho những người phản ứng ở tuyến đầu và những ai có triệu chứng khi đến viện’.

Giờ đây, thành phố ‘đã gửi email thông báo những địa điểm nào mình có thể đến xét nghiệm được’, anh nói thêm và cho biết anh dự tính sẽ đi xét nghiệm ngay trong tuần này.

Về điều gì đọng lại trong tâm trí khi đi làm trong một thời điểm khác thường như vậy, anh nói: Mọi người giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua hoạn nạn này, điều đó làm cho mình có động lực để mình thức dậy mỗi sáng vẫn đi làm,”

‘Phải nuôi nhân viên’

Từ thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia, bà Lan Nguyễn, 60 tuổi, chủ chợ Thiện Lan, cho biết khi bắt đầu bùng phát dịch, bà cũng rất sợ nên ‘đóng cửa chợ nghỉ đến cuối tháng 3 mới mở bán lại’.

Về lý do mở cửa lại sau đó, bà Lan nói: “Tôi phải đi làm lại thôi vì trong kho đồ còn nhiều lắm nếu mà nghỉ thì đồ này sẽ bỏ hết sau một tháng.”

Bà cho biết do chợ của bà chủ yếu cung cấp thực phẩm giá sỉ cho các nhà hàng mà lúc này không có nhà hàng nào mở cửa, nên bà ‘cầm chắc lỗ’.

“Lúc trước mỗi ngày chợ đi giao hàng 2, 3 xe tải cho các nhà hàng. Bây giờ cả ngày không giao được xe nào hết. Trong khi vẫn phải trả lương nhân viên, trả tiền thuê mặt bằng nên chi phí mình sẽ nặng hơn,” bà nói.

“Mình phải nuôi nhân viên. Bây giờ lỗ hay không lỗ cũng phải nuôi. Mình nghỉ trong nhà thì mình ăn uống chút đỉnh không có thiếu hụt nhưng còn nhân viên thì ai nuôi họ? Họ đi làm ở đâu?”

Bà nói mặc dù dịch bệnh nhưng nhân viên của bà ‘không ai sợ mà nghỉ ở nhà’ vì ‘họ đi làm chỉ đủ sống thôi chứ không có dư’.

“Trợ cấp chưa kịp thì mấy đứa nó đã đói chết rồi,” bà nói thêm và giải thích rằng trong số các nhân viên của bà, có người Việt lẫn người gốc Mexico, có những người ‘mới đi làm chưa bao lâu nên không có đủ giấy tờ để xin trợ cấp thất nghiệp’.

Từ khi chợ mở lại, bà Lan nói bà đi làm trong tâm trạng ‘người ta sợ mình, mình sợ người ta’.

“Tôi phải bịt miệng lại, rất ngộp thở,” bà cho biết và nói thêm hàng hóa trong chợ ‘cái gì cũng vô bao vô bịch chứ không để khách bốc qua bốc lại’

Hiện giờ bà chỉ cho không quá 5 người vào chợ cùng một lúc và rút ngắn 3 tiếng thời gian mở cửa chợ.

Về lượng khách hàng đi chợ, bà Lan cho biết nhiều khách quen từ ngày có dịch đã không đến chợ nữa mà gọi điện đến mua hàng và nhờ cho người giao đến nhà.

“Nếu mua khoảng 200-300 đồng và khoảng cách không quá xa thì tôi cho nhân viên đi giao hàng không tính phí. Khách hàng tốt bụng cho tài xế 5-3 đồng để nó vui thôi,” bà nói.

Ngoài ra, một số khách hàng đi chợ mua nhiều đồ để giảm số lần đi chợ hay ‘một người đi mua giùm cho 2-3 người’.

Về tình hình hàng hóa, bà cho hay hiện giờ chợ của bà ‘không đủ thịt heo để bán cho khách’. Ngoài ra, ‘gạo, mì cũng thiếu’.

“Hàng không xuống kịp. Hàng đi từ California qua, hay từ New York xuống mà bây giờ người ta cũng ngưng làm nên thiếu,” bà giải thích.

Về việc có muốn ở nhà tránh dịch hay không, bà Lan nói: “Làm sao mà tránh được? Ở nhà thì cũng có thư từ tới, rồi thứ này thứ kia. Dù có ở nhà đi nữa thì cũng không phải là không giao lưu với bên ngoài đâu.”

“Nếu được lựa chọn thì ở nhà vẫn tốt hơn, nếu là mình đi làm lãnh lương hàng ngày. Còn tiệm này của mình, mình quản lý nên phải đi làm thôi,” bà nói và cho biết có nộp đơn xin vay gói cứu trợ tiểu thương của chính phủ ‘nhưng vẫn chưa vay được’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG