Đó là khoảnh khắc sống sượng được phát sóng trên toàn thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong lần gặp nhau lần đầu tiên với tư cách lãnh đạo đất nước vào năm 2014, đã bắt tay, mắt nhìn xuống với vẻ mặt tối sầm.
Cả hai ông đều quyết tránh bất cứ dấu hiệu nào cho thấy rằng họ hứng thú với cuộc gặp diễn ra ở Bắc Kinh này.
Bốn năm sau, ông Abe đã nhận được phản ứng nồng hậu hơn nhiều khi ông đến Bắc Kinh hôm 25/10 trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông đến Trung Quốc trong nhiều năm.
Và đó phần lớn là nhờ vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính sách đối ngoại phi truyền thống của chính quyền Trump về thương mại và liên minh quân sự đã khiến Tokyo cảm thấy không chắc về sự ủng hộ của Mỹ vốn đã là nền tảng trong quan hệ quốc tế của Nhật kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Ông Trump đã liên tục kêu gọi các đồng minh đông Á chi trả cho quốc phòng của họ, úp mở về việc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực trong khi thúc đẩy Nhật mua thêm nhiều vũ khí Mỹ.
Còn đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đang hứng chịu sức ép ngày càng tăng của chính quyền Trump và đang rất cần đồng minh kinh tế và ngoại giao trong khu vực.
“Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều bị Mỹ chĩa mũi dùi,” ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Sophia ở Tokyo nói với CNN. “Ông Tập Cận Bình muốn nói với ông Abe rằng họ cùng chung cảnh ngộ.”
Về mặt lịch sử, Bắc Kinh và Tokyo có quan hệ rất khác với Washington – một nước là đối thủ còn một nước là đồng minh thân cận. Nhưng giờ đây cả hai nước đều gặp sự thù địch từ chính quyền Trump.
Hàng tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc đã bị chính quyền Trump áp thuế trong khi giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Trong những tháng gần đây, tranh chấp Mỹ-Trung đã lan ra khỏi phạm vị kinh tế vào lĩnh vực quân sự và chính trị, với những tuyên bố không có chứng cớ của ông Trump rằng Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Còn về phía Nhật, bất chấp nhiều cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước và nỗ lực có phối hợp nhằm ve vãn ông Trump, Chính phủ Nhật hầu như vẫn trắng tay.
“Tất cả những việc này, và mối quan hệ giữa ông Abe và ông Trump, không thật sự dẫn đến cách đối xử đặc biệt nào cho Nhật mà lại là thái độ thù địch và lỗ mãng trên vấn đề mậu dịch,” ông Nakano nói.
Về ngoại giao, ông Abe đã bị cho ra rìa trong các cuộc đàm phán nổi bật giữa Bình Nhưỡng, Washington và Seoul, một sự bỉ mặt được cảm nhận rất nặng nề ở Tokyo.
Mặc dù là đồng minh thân cận, Nhật không hề được ông Trump miễn thuế nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ trong khi ông Trump cũng có những lời lẽ gay gắt về giao thương với Nhật.
Hồi tháng Tư, ông Trump đã viết trên Twitter rằng Nhật ‘đã khiến chúng ta tổn thất về thương mại rất nhiều trong nhiều năm’. Nhật có thặng dư thương mại vào khoảng 70 tỷ đô la với Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp sự thù địch của Mỹ đã kéo Bắc Kinh và Tokyo lại gần nhau hơn, lịch sử lâu đời và đầy xích mích giữa hai nước đã khiến cho sự xích lại gần nhau trở nên khó khăn.
Quan hệ song phương đã trải qua con đường gập ghềnh kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến giữa những lời lên án về lịch sử chiếm đóng tàn bạo của người Nhật ở Trung Quốc.
Những tiến triển hướng đến ‘bình thường hóa quan hệ’ đã thất bại hồi năm 2012 khi sự thù địch âm ỉ giữa hai bên xung quanh chủ quyền một chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông đã sôi sục với các cuộc biểu tình bạo lực và đe dọa trả đũa.
Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư-Senkaku đã dẫn đến quan hệ hai nước lạnh nhạt mà đỉnh cao là cuộc gặp lạnh lùng giữa ông Tập và ông Abe hồi năm 2014.
Đồng thời, tình cảm bài Nhật xung quanh sự chiếm đóng của Nhật ở Trung Quốc một lần nữa lại trỗi dậy với việc Bắc Kinh chính trị hóa sự tàn bạo của người Nhật trong chiến tranh trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Tokyo lập luận rằng đất nước của họ nên lấy lại lòng tự hào dân tộc.
Quá trình cải thiện quan hệ hai nước bắt đầu hồi tháng 9 năm 2017 khi ông Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên trong vòng 15 năm đến dự lễ mừng Quốc khánh Trung Quốc tại Đại sứ quán nước này ở Tokyo.
Kể từ đó, ông Abe và ông Tập đã gặp nhau nhiều lần tại các thượng đỉnh quốc tế. Hai nước đều dành cho nhau những lời khen ngợi trong việc cải thiện quan hệ.
Hồi tháng 5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc diện kiến Nhật hoàng Akihito trong gần một thập niên.
Các chuyên gia cho rằng với việc ông Trump đang áp lực lên cả hai nước về thương mại và an ninh, Trung Quốc và Nhật Bản đang nỗ lực bình ổn các quan hệ trong khu vực trong lúc họ đang tìm kiếm đồng minh để đối phó với cơn bão từ Mỹ.
“Trung Quốc đang tìm kiếm một người bạn, cho nên điều đó có nghĩa là họ sẵn sàng đáp ứng Nhật và bỏ qua những khác biệt chiến lược trầm trọng. Điều đó cũng đúng với Nhật,” ông Richard McGregor, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định.
Trong khi Trung Quốc cần sự giúp đỡ của Nhật để phản công các hành động thương mại của ông Trump, Nhật đang tuyệt vọng bảo vệ trật tự kinh tế tự do hiện hành ở khu vực, ông Stephen Nagy, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, được CNN dẫn lời nói.
“Mối quan ngại của của họ là nếu quan hệ xấu đi thì sẽ có một thị trường Mỹ riêng biệt và một thị trường Trung Quốc riêng biệt khép kín… điều đó sẽ làm tăng chi phí của các công ty Nhật,” ông nói. “Họ không muốn điều đó xảy ra.”
Hiện tại, cả hai nước dường như đều rất sốt sắng thúc đẩy giao thương tự do, ít nhất là về mặt công khai. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post trong lúc ông Abe sắp sửa đến Bắc Kinh, ông Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc ở Nhật, đã ca ngợi nền kinh tế ‘có tính bổ trợ cao’ cho nhau của hai nước.
“Chúng ta không thể ngồi nhìn và bàng quan trước những thiệt hại đối với thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông nói. “Chúng ta nên đoàn kết lên tiếng thể hiện sự ủng hộ kiên quyết đối với thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.”
Tuy nhiên sự xích lại gần nhau giữa hai nước không có nghĩa là tất cả mọi vấn đề giữa Tokyo và Bắc Kinh đã được giải quyết.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai nghiêm khắc chỉ trích Thủ tướng Abe đã gửi phẩm vật cúng tế đến Đền Yasukuni nơi có thờ phượng một số tù nhân chiến tranh đã bị kết tội.
“Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản hãy thẳng thắn đối mặt và suy gẫm về lịch sử xâm lược của họ,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói.
Trong khi các tổng thống Mỹ đến rồi đi và chính sách của Mỹ thay đổi theo từng đời tổng thống, sự bất đồng ăn sâu giữa Bắc Kinh và Tokyo về lịch sử và lãnh thổ vẫn còn hết sức gây chia rẽ và vẫn chưa được giải quyết.
“Những vấn đề cơ bản này có thể là có liên quan nhiều hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn là nhân tố tạm thời như ông Trump,” Nakano nói.
(Theo CNN)