Đường dẫn truy cập

Ô nhiễm ở Việt Nam do ‘sản xuất thiếu kiểm soát’


Bầu trời Hà Nội đã trở nên mờ đục do ô nhiễm bụi mịn
Bầu trời Hà Nội đã trở nên mờ đục do ô nhiễm bụi mịn

Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam nói chung và ô nhiễm bụi mịn, nói riêng, là do các quy định về môi trường ở Việt Nam quá lỏng lẻo khiến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp dựa vào đó để lách luật, một nhà nghiên cứu về môi trường ở Mỹ nhận định với VOA và đề xuất Việt Nam ‘nên cân bằng giữa kinh tế và môi trường’.

Bầu trời ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam, nhất là thủ đô Hà Nội, kể từ cuối tháng 9 đến nay trở nên mờ mịt khiến người dân ở nơi đây cảm thấy bất an, lo lắng, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) từ cơ quan giám sát chất lượng không khí AirVisual có lúc cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội ở mức cao nhất trong số 90 thành phố lớn mà cơ quan này có số liệu quan trắc.

Báo chí trong nước dẫn lời những nhà khoa học cho biết tình trạng ô nhiễm này ‘là do bụi mịn’.

‘Đã ô nhiễm lâu nay’

Nạn ô nhiễm bụi mịn này không phải bây giờ mới có ‘mà đã xảy ra từ đó đến giờ mà bây giờ mới thấy rõ’, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, nhà nghiên cứu môi trường ở Houston, bang Texas, Mỹ, nói với VOA.

Ông giải thích nguyên nhân khiến bụi mịn ở Hà Nội làm cho không khí trở nên mù mịt là do ‘độ ẩm không khí’.

“Nếu độ ẩm tăng cao thì những lớp lơ lửng (bụi mịn) đó sẽ xuống thấp (và thấy được) trong khi nếu độ ẩm trong không khí là 30 hay 40% (độ ẩm thấp) thì lớp lơ lửng đó sẽ lên cao vào chúng ta sẽ không thấy hiện tượng sương mù.”

“Cộng thêm một số khí như CO, SO2, benzene phát thải từ xăng dầu tạo thành một lớp mù che phủ tầm nhìn của người dân,” ông nói.

“Trong lớp sương mù đó có tất cả mọi phế thải độc hại trong quá trình sản xuất hay di chuyển của người dân ở hai thành phố lớn.”

Theo Tiến sĩ Truyết, lâu nay do độ ẩm thấp nên người dân không biết trong không khí bị ô nhiễm bụi mịn mặc dù ‘sự ô nhiễm đó vẫn tồn tại và ngày càng trầm trọng hơn’.

“Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn ở Việt Nam đã diễn ra rất nhiều năm qua và tăng từ từ từ lúc Việt Nam bắt đầu mở cửa từ năm 1986 trở đi,” chuyên gia này nhận xét.

Nguyên nhân ô nhiễm

Về nguyên nhân ô nhiễm, Tiến sỹ Truyết chỉ ra khí thải từ các phương tiện xe cộ và các nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp.

“Hai thành phố lớn ở Việt Nam có hơn 800.000 xe có động cơ và hơn 10 triệu xe gắn máy không có gắn hệ thống lọc khí thải nên chuyện ô nhiễm là bình thường,” ông nói.

“Trên 316 khu công kỹ nghệ (ở Việt Nam) có thể nói là hoàn toàn không có hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng và đặc biệt là xử lý không khí,” ông nói thêm và cho biết ông đã từng tiếp xúc với một cựu Tổng giám đốc của Khu chế xuất Tân Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh và được xác nhận về tình trạng này, thậm chí là cho đến ngày hôm nay.

Ông Truyết lưu ý rằng Luật Môi trường của Việt Nam ghi rõ bất cứ dự án sản xuất hóa chất hay công kỹ nghệ nào cũng phải đáp ứng đủ ba điều kiện mới được đi vào hoạt động: có báo cáo tác động môi trường, có hệ thống thanh lọc không khí và có hệ thống xử ký chất thải rắn cũng như chất thải lỏng, nhưng “chính Bộ Tài nguyên-Môi trường gần đây cũng công bố là 97% các nhà máy hiện có ở Việt Nam đều không đáp ứng được 3 điều kiện trong Luật Môi trường.”

Về tình trạng có luật mà không thực thi, ông Truyết cho rằng ‘ở Việt Nam từ trên xuống dưới đều có sự luồn lách để lách luật’ và đưa ra dẫn chứng gồm nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, vốn gây ra thảm họa môi trường cho bốn tỉnh miền Trung hồi năm 2016 và nhà máy bauxite Tân Rai-Nhân Cơ ở tỉnh Đắc Nông với nguy cơ về bùn đỏ.

“Nếu nhà máy đó của tư nhân thì chỉ cần bôi trơn một số tiền nào đó thì cũng sẽ được phép xây dựng,” ông nói.

Ngoài nguyên nhân đến từ quá trình sản xuất, ông Truyết còn chỉ ra khí thải từ xe cộ và bụi bặm từ các công trình xây dựng dày đặc ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam.

Theo ông, ngoài khói bụi thì khí thải xe cộ ở Việt Nam còn có một chất hữu cơ nguy hiểm là benzene vốn làm tăng khả năng mắc ung thư nếu đi vào cơ thể người. Điều này là do xăng chạy xe ở Việt Nam ‘có pha dầu’, ông nói và so sánh ở Mỹ các phương tiện xe cộ ‘đều có hệ thống kiểm soát bình lọc khí để tránh thải khí độc ra môi trường’.

‘Mật độ xây dựng cũng là một nguyên nhân chính yếu,” Tiến sĩ Truyết nói thêm. “Ở Hoa Kỳ các công trình xây dựng đều được bao bọc trong khi ở Việt Nam các công trình xây dựng ngoài trời dang dở được để mở từ năm này qua tháng nọ.”

Quan chức lấp liếm?

Ông Truyết phản bác những tuyên bố của cơ quan hữu trách ở Việt Nam về nguyên nhân gây ô nhiễm và gọi đó là ‘sự lấp liếm để che đậy’ vì nhà chức trách Việt Nam ‘không chấp nhận ô nhiễm không khí là do sản xuất công nghiệp’.

Ông cũng bác bỏ lập cho rằng khói mù ở Việt Nam là do ảnh hưởng từ hiện tượng cháy rừng ở Indonesia.

“Nếu nói khói thải từ Indonesia thì tại sao đến ngày 5/10 mức ô nhiễm của Sài Gòn giảm xuống còn 72 còn Hà Nội lại tăng lên 92? Chẳng lẽ khói ô nhiễm từ Indonesia bay qua khỏi bầu trời Sài Gòn để lên đến Hà Nội hay sao?” ông Truyết nói và dẫn số liệu quan trắc AirVisual cho biết.

Chuyên gia về môi trường này cho rằng kết quả quan trắc của AirVisual là rất đáng tin cậy.

“Hệ thống quan trắc của AirVisual áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới,” ông nói. “Đặc biệt ở Việt Nam các hãng xưởng lớn và các tòa đại sứ đều có theo dõi hàng ngày.”

“Chính Mỹ, Anh, Đức mới đây đã khuyến cáo công dân của họ khi làm việc ở Việt Nam nên cảnh giác về mức độ ô nhiễm và hạn chế ra đường,” ông dẫn chứng.

Ngoài ra, ông còn dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Hà Nội ‘có trên 257 ngày vượt tiêu chuẩn của WHO về nồng độ bụi mịn PM2,5’ trong khi thành phố Hồ Chí Minh là 222 ngày.

Cân bằng kinh tế-môi trường

Về phương cách để giải quyết rốt ráo tình trạnh ô nhiễm ở Việt Nam, Tiến sĩ Truyết nói: “Nếu Bộ Tài nguyên-Môi trường áp dụng đúng đắn những điều luật môi trường thì có thể giải quyết được phần nào tình trạng ô nhiễm.”

“Làm thế nào để các cơ sở sản xuất hóa chất, các cơ sở công kỹ nghệ không thể nào nằm trong các khu dân cư nhưng ở Việt Nam hoàn toàn không có việc đó.”

“Giữa kinh tế và môi trường cũng không nên ưu tiên môi trường mà bỏ kinh tế vì Việt Nam là nước đang phát triển,” nhà nghiên cứu môi trường này đề xuất.

“Ở Mỹ nếu sản xuất thành phẩm với giá thành 1 đô la thì hãng xưởng phải bỏ ra 50 cent để giải quyết các phế thải độc hại của quá trình sản xuất đó nên giá thành thật sự là 1,5 đô la. Do đó, giá thành sản phẩm của Mỹ mắc hơn ở Việt Nam và Trung Quốc.”

“Nhưng nếu vì ham giá thành rẻ mà bỏ qua giai đoạn xử lý và thanh lọc phế thải thì chúng ta có thể có lợi nhuận cao nhưng sẽ trả giá rất nặng về y tế và sức khỏe của người dân,” ông khuyến cáo.

Dẫu rằng khó có thể đòi hỏi Việt Nam ‘nghiêm ngặt trong luật lệ môi trường như ở Mỹ,’ nhưng ‘tối thiểu các cơ sở sản xuất phải có bộ lọc không khí và có nhà máy khử chất thải lỏng,’ ông Truyết kêu gọi và cho biết chi phí lắp đặt các thiết bị này ‘không quá đắt đỏ’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG