Một âm mưu táo bạo đưa lậu hơn 70 người từ Mexico vào Texas, Mỹ, bị phát hiện trong tuần này.
Một tái xế lái một xe kéo rơ-moóc vào làn xe dùng để kiểm soát xe thương mại tại một trạm kiểm soát của Tuần tra Biên giới Mỹ ở Laredo, chờ nhân viên kiểm soát xe đến. Một bức ảnh được Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ CBP công bố cho thấy trong xe chẳng có gì ngoại trừ hơn một chục người ngồi sát thành kim loại của xe, quay đầu đi nơi khác để tránh máy ảnh hay ánh sáng chiếu vào họ.
Hầu hết những người thấy rõ trong ảnh mặc áo sơ-mi trắng, mà theo CBP là dấu hiệu của những tay chuyển lậu người nhằm “giúp những tổ chức buôn người phân loại hay nhận diện các cá nhân trong nhóm.”
Hiện chưa rõ những dấu hiệu đó là gì và ý nghĩa của những dấu hiệu đó ra sao. CBP chưa hồi đáp yêu cầu cung cấp thêm thông tin.
Toán người vượt biên này gồm những người đàn ông và phụ nữ đến từ El Salvador, Guatemala và Mexico, vào nước Mỹ không giấy tờ, theo CBP.
Tài xế là một công dân Mỹ bị bắt cùng với những người trong xe.
Thông thường các di dân muốn vượt biên giới vào Mỹ thường đi bộ để không bị phát hiện. Nhưng cách này nguy hiểm vì phải bơi qua sông hay đi xuyên qua những khu vực sa mạc hiểm trở, xa xôi mà chuyện chết đuối hay chết khát thường xảy ra.
Năm 2019 nằm trong số những năm có số di dân chết nhiều nhất khi tìm cách vào Mỹ.
Tính tới cuối tháng 8 năm nay, có hơn 520 di dân tại châu Mỹ chết hay mất tích và được xem như bỏ mạng.
Tổ chức Di dân Quốc tế, theo dõi con số di dân chết trên toàn thế giới, báo cáo là tính đến ngày 16/12, có tất cả 16.351 di dân chết dọc theo biên giới Mỹ-Mexico trong năm nay.
Một số người nỗ lực vượt biên trong thùng xe thường hay thùng xe tải. Những người khác trả tiền để được chở trong những xe chở hàng lớn.
Hai người Mỹ đang đối mặt với các cáo trạng về chở lậu người sau khi 32 người Mexico và Ecuador bị phát hiện trốn trong xe đông lạnh.
Vào năm 2018, một tài xế xe tải bị kết án tù chung thân sau một vụ chuyển lậu người bất thành khiến 10 người thiệt mạng tại San Antonio, Texas.
Tuần trước, CBP loan báo là việc bắt giữ người vượt biên tại biên giới phía Tây Nam nước Mỹ giảm trong 6 tháng cuối năm nay sau khi lên cao vào cuối năm 2018 cho đến tháng 5 năm nay.
(BTV: Victoria Macchi)