Đại sứ Trung Quốc ở Pháp đã gây một trận bão ngoại giao khi tỏ ý nghi ngờ tư cách độc lập của các nước nằm trong Liên bang Xô Viết cũ. Ông Lữ Sa Dã (Lu Shaye, 卢沙野) nói rằng theo công pháp quốc tế thì những nước này không có “quy chế hiệu lực” để lập quốc. Chính phủ tất cả các quốc gia này đều nổi giận, phản đối. Đó là những nước trong vùng Baltic; vùng Trung Á; hoặc nằm giữa Nga và Âu châu như Georgia, Moldova hay Ukraine, vân vân. Ông Lữ Sa Dã còn nói rằng Ukraine không có quyền gì ở bán đảo Crimea cả.
Sau đó, Bắc Kinh đã phải xin lỗi các quốc gia bị xúc phạm. Tập Cận Bình điện thoại riêng cho Volodymyr Zelensky, nhân đó còn nói thêm chuyện khác quan trọng hơn.
Đây lần đầu tiên Tập nói chuyện với Zelensky kể từ khi quân Nga xâm lăng Ukraine. Trong 14 tháng trời, Tập ngả về phía Putin nhưng vẫn đi nước đôi. Trên lý thuyết, Trung Cộng lên tiếng đề cao chủ quyền của các quốc gia không ai được xâm phạm. Trong thực tế, Trung Cộng chưa bao giờ lên án quân Nga xâm lăng Ukraine. Trước khi đánh Ukraine, Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, hai bên thề thốt “tình thân hữu vô giới hạn.” Khi Nga bị các nước Tây phương phong tỏa kinh tế, Trung Cộng tiếp tục mua dầu, khí đốt; bán hàng hóa cho Nga và đứng về phía Nga mỗi lần biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc. Đầu tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu, 李尚福) đã qua gặp Putin, bàn chuyện phối hợp thao diễn giữa quân đội hai nước.
Nhưng Tập vẫn muốn đi nước đôi, với hy vọng sẽ làm trung gian hòa giải. Đầu tháng Ba, Tập công bố một “đề nghị hòa bình” cho Ukraine. Ý kiến đầu tiên nêu lên là hai bên ngưng bắn vô điều kiện. Chính phủ Ukraine không thể chấp nhận vì quân Nga đang chiếm đóng một phần tư lãnh thổ Ukraine. Các nước Âu châu và Mỹ cũng lập tức bác bỏ, vì chỉ Putin có lợi.
Tập Cận Bình, sau khi nắm quyền tuyệt đối trong nước, nuôi tham vọng trở thành một chính khách quốc tế, đóng vai tái lập hòa bình cho thế giới. Tập đã tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Ursula von der Leyen lãnh đạo Ủy hội Âu châu, để bàn chuyện hòa bình cho Ukraine, sau đó còn gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ngày 20 tháng Ba Tập đã qua Moscow, tự mô tả là một chuyến đi tìm đường hòa giải. Có lẽ điều quan trọng nhất Tập phải nói cho Putin nghe, là đừng điên rồ dùng vũ khí nguyên tử, dù lớn hay nhỏ.
Một lý do khiến Tập Cận Bình ngần ngại không nói chuyện trực tiếp với Zelensky sớm hơn, là vì không biết Vladimir Putin sẽ phản ứng thế nào. Có lẽ Tập chờ đợi trong cả năm qua đã đủ lâu. Trung Cộng bây giờ đã trở thành cái phao chính giúp con tàu kinh tế Nga không chìm đắm. Tập đã thấy Putin đang kiệt quệ vì theo đuổi một cuộc chiến tranh vô vọng, biết chắc Putin không thể làm gì hại tới địa vị của mình, trên thế giới cũng như trong nước Trung Quốc. Đã đến lúc có thể chính thức đóng vai hòa giải.
Đây là một cơ hội để Tập Cận Bình nâng cao uy tín của chính mình; sau thành tích ngoại giao đứng ra hòa giải Saudi Arabia và Iran; đang mở rộng bang giao với các nước Á Rập xưa nay vẫn thân Mỹ; và tìm cách tạo ảnh hưởng với Israel và dân Palestines. Trung Cộng có thể cổ động cho một “Chiến lược Hòa bình Toàn cầu” trong khi dân chúng Mỹ đang không muốn can thiệp vào những nơi rắc rối trên thế giới. Khi Tập Cận Bình gọi điện thoại cho Zelensky, nhiều quốc gia khen ngợi; điện Kremlin không thể nói gì, báo đài ở Nga im lặng; cho thấy Putin ở thế hoàn toàn thụ động.
Văn phòng tổng thống Pháp kể công rằng chính ông Macron đã đề nghị Tập điện thoại cho Zelensky. Thực ra nhiều chính khách quốc tế đã thúc đẩy Tập. Chính ông tổng thống Ukraine đã nhiều lần tỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp với Tập, biết rằng đó là người duy nhất có thể ảnh hưởng trên Putin.
Tổng thống Zelensky là người lợi nhất trong cuộc điện đàm này. Từ lâu, ông vẫn tránh công kích Trung Cộng hoặc Tập Cận Bình, dù biết đó là người đang nâng đỡ Putin. Ông hiểu rằng “tình thân hữu” giữa người này không có giá trị gì, chỉ có quyền lợi hai quốc gia mới đáng kể. Khi bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Cộng, Zelensky vẫn khéo léo khen rằng đó là “Một tín hiệu quan trọng!” Khi tình báo Mỹ tiết lộ Trung Cộng đang bàn việc chuyển giao vũ khí cho Nga, rồi nghe Bắc Kinh phủ nhận, Zelensky nói vuốt đuôi: “Tôi cũng muốn tin như vậy.”
Zelensky không kỳ vọng nhiều về cuộc điện đàm với Tập. Ông kể lại rằng hai bên đã nói về bang giao giữa hai nước, “chú ý đặc biệt tới những cộng tác có thể thiết lập hòa bình lâu bền cho Ukraine.” Ông chọn chữ rất kỹ: “hòa bình lâu bền” chứ không phải một cuộc ngưng bắn.
Điều quan trọng nhất Tập Cận Bình nói với Zelensky là: “Trung Quốc sẽ không đổ dầu vào lửa.” Bây giờ, ít nhất, Zelensky coi như Tập đã hứa sẽ không viện trợ vũ khí cho Nga để đánh Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, Zelensky đã dùng những lá bài ngoại giao mạnh nhất. Zelensky có dịp xác nhận lại với Tập một điều quan trọng: Ukraine không chấp nhận lãnh thổ bị chia cắt để thỏa hiệp đổi lấy hòa bình. Ông nói rõ: “Sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Ukraine phải được tái lập như đường biên giới được ấn định trong thỏa ước 1991.” Đó là bản thỏa ước ký với Nga khi Ukraine tuyên bố độc lập, trao lại cho Nga các hỏa tiễn và bom hạch tâm, đổi lại Nga xác nhận lại rằng bán đảo Crimea mà Nikita Krushchev trao cho Ukraine năm 1954 vẫn thuộc về Ukraine.
Đáp lại những lời khẳng định trên, Tập Cận Bình chỉ có thể lập lại những lời đã nói đi nói lại từ lâu, rằng “Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” là “nền tảng chính trị của mối bang giao Trung Quốc – Ukraine.” Coi như Zelensky đã đoạt một bàn thắng lợi.
Mỗi lần Tập Cận Bình nhắc đến một quy tắc trừu tượng, Zelensky đáp lại ngay bằng những sự kiện cụ thể. Tập Cận Bình nói “lập trường ngoại giao cơ bản” của Trung Cộng là “cổ động cho hòa bình và thương thuyết.” Zelensky trả lời: “Không ai yêu hòa bình bằng dân tộc Ukraine.” Và giải thích thêm: “Chúng tôi sống trên đất nước của mình. Chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ tương lai của chính mình, thể hiện quyền tự vệ không ai có thể tước bỏ. Hòa bình phải lâu bền và theo đúng công lý, dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc.” Toàn là những quy tắc không ai có thể phủ nhận!
Cuộc điện đàm đưa tới một kết quả cụ thể là hai bên trao đổi sứ thần. Trung Cộng chấp nhận đại sứ Ukraine mới, Pavlo Riabikin, sau khi đã bỏ trống trong hai năm. Ông Riabikin đã từng làm bộ trưởng công nghiệp. Trước năm 2019, Trung Cộng là nước nhập cảng sắt của Ukraine nhiều nhất; Ukraine là nước bán vũ khí cho Trung Cộng đúng hàng thứ nhì, đã bán chiếc hàng không mẫu hạm cũ đã phế thải, được đem về Trung Quốc tu bổ lại, giờ mang tên là Liêu Ninh.
Trung Cộng cũng gửi một đặc sứ mới là Lý Huy (Li Hui, 李辉) qua Ukraine và các nước Âu châu khác, với nhiệm vụ tiếp xúc chặt chẽ với các thành phần liên hệ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bản đề nghị hòa bình Ukraine của Tập Cận Bình không nêu ra những bước cụ thể thực hiện như thế nào. Có lẽ Lý Huy, 70 tuổi, sẽ phải tìm hiểu lập trường cả hai bên để mặc cả. Lý Huy đã từng làm đại sứ ở Nga và được Vladimir V. Putin tặng “Huy chương Hữu nghị” năm 2019. Những gì ông ta đề nghị chắc sẽ dễ lọt tai Putin hơn người khác! Nhưng cuối cùng sẽ chỉ phục vụ quyền lợi của Tập Cận Bình!
Có lẽ vì thế mà khi nghe tin Tập Cận Bình điện thoại cho Zelensky, bộ ngoại giao Nga ý nghi ngờ rằng nói gì thì nói cũng không đưa tới kết quả nào hết! Nhưng kinh tế Nga vẫn tùy thuộc Trung Cộng. Trong ba tháng đầu năm nay giao thương giữa hai nước tăng 40% so với năm ngoái.
Cuối cùng, dù chuyện gì sẽ diễn ra thì Zelensky cũng lợi! Tập Cận Bình đang muốn làm một “đại chính khách” quốc tế! Zelensky có thể khéo léo thúc đẩy Tập gây ảnh hưởng, buộc Putin nhượng bộ. Chỉ cần nói rằng “Nếu giúp Ukraine được hòa bình và vẫn toàn vẹn lãnh thổ, Tập sẽ được Zelensky đề nghị lãnh giải Nobel!” Nghe vậy ai chẳng thấy bùi tai?
Diễn đàn