Trong chương trình phát thanh kỳ trước, chúng ta đã nhắc đến những nét đẹp của lòng từ tâm và nhân ái khi nói về các bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ tình nguyện tham gia các chuyến y tế nhân đạo hằng năm của Project Vietnam để về nước chăm sóc sức khoẻ cho những người khốn khó. Tuần này, chúng ta sẽ bàn đến cái đẹp của lòng dũng cảm và tinh thần tự nguyện dấn thân để bảo vệ sự bình yên cho mọi người, qua cuộc trao đổi với 4 người lính Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đang phục vụ trong các binh chủng khác nhau của quân đội Hoa Kỳ.
Cuộc sống, nếp sinh hoạt, những nghĩa vụ và quyền lợi, cũng như tâm tình của những người lính Mỹ gốc Việt như thế nào? Mời quý vị cùng chia sẻ trong câu chuyện hôm nay với các vị khách mời của chương trình Tạp chí Thanh Niên của đài VOA.
Chinh: Tên em là Phan Vĩnh Chinh, thiếu tá luật sư của hải quân. Em từng đi Iraq 6 tháng từ 2006-2007, hiện em đang là lính trừ bị ở San Diego.
Tín: Em tên là Trần Trung Tín, đại úy hải quân Hoa Kỳ.
Chương: Em là Nguyễn Kiên Chương, thượng sĩ thủy quân lục chiến, hiện đang đóng quân ở Los Alamitos, California. Em từng đi Afghanistan cuối năm 2004-2005 và đi Iraq năm 2006.
Triết: Đây là Bùi Minh Triết, đại úy lục quân, hiện đang đóng quân ở California, trong lực lượng trừ bị. Triết đi Kosovo từ năm 2008-2009.
Trà Mi: Cảm ơn các anh rất nhiều. Trà Mi rất hân hạnh đựơc làm quen với các anh ở nhiều binh chủng khác nhau, với nhiều kinh nghiệm trong quân ngũ khác nhau. Ở Việt Nam, nghĩa vụ quân sự là điều bắt buộc, ngay cả trong thời bình. Trong khi đó, theo Trà Mi được biết, ở Mỹ thì ngược lại, phải không các anh?
Chinh: Dạ đúng. Đến 18 tuổi, thanh niên ở đây phải ký tên đăng ký với Sở Quân vụ (Selective Service). Mình ký nhưng không bị bắt buộc đi quân dịch trừ khi nào nhà binh cần mà họ thiếu người. Ngoài ra, việc đi lính là tự nguyện, chứ không bắt buộc.
Trà Mi: Ai cũng biết đời lính đầy gian khổ và hiểm nguy. Vì sao các anh lại tự nguyện đi lính giữa bối cảnh nước Mỹ trong những năm gần đây có tham chiến ở một số nơi rất nguy hiểm như Iraq hay Afghanistan chẳng hạn?
Tín: Lúc em đang học đại học, em không biết hướng đời của mình sẽ đi đâu, em mới chọn vào hải quân Hoa Kỳ. Lúc vào đây giống như mình tìm lại đựơc gia đình của mình một lần nữa. Em đã tìm cho mình một hướng đi tốt đẹp và xứng đáng. Cuộc sống sau 9 năm trong hải quân Hoa Kỳ em đã có cơ hội từ hạ sĩ quan lên làm một sĩ quan và quân lực Hoa Kỳ đã gửi em đi học miễn phí.
Triết: Nguyên nhân khiến mình gia nhập quân đội là vì ngày xưa khi mình đến Mỹ, mình đã mang ơn đất nước này. Người ta đã mở rộng vòng tay đón người Việt Nam mình, nhất là những thuyền nhân. Mình nghĩ nếu mình đã mang ơn một đất nước nào, một người nào, thì mình sẽ làm một điều gì đó để trả ơn họ. Thì không có cách gì hay bằng việc gia nhập quân đội để cống hiến thời gian của mình để trả ơn đất nước này. Khi vào rồi, mình thấy đời sống quân ngũ rất thích hợp với mình, đã giúp mình rèn luyện được nhiều kỷ luật, nhiều ý chí, lại học hỏi đựơc rất nhiều điều. Cho nên, từ đó tới giờ mình vẫn chưa ra.
Chinh: Nói thiệt là em cũng muốn vào quân ngũ để có dịp được đi chơi. Bởi vì vào hải quân, mình có thể đi nhiều nước khác để học hỏi mà nếu chỉ đi du lịch thì không có đựơc cơ hội đó. Lý do này cộng với những gì mà mấy anh đã nói.
Trà Mi: Dạ nhưng đi chơi kiểu này thì có phần nguy hiểm, phải không anh?
Chinh: Nhưng chị biết không, mình giống như một chiếc lá bay vậy. Nếu trời Phật thương thì mình đi về may mắn chứ không sao đâu.
Trà Mi: Là những người đang trong quân ngũ Hoa Kỳ, các anh có thể chia sẻ với bạn nghe đài khắp nơi về đời sống cũng như môi trừơng rèn luyện của ngừơi lính Mỹ như thế nào không?
Chương: Em là hạ sĩ quan. Ba anh kia là sĩ quan. Thường lính hạ sĩ quan ở Hoa Kỳ đăng ký đi lính xong sẽ trải qua khoảng 3 tháng quân trường, theo như thủy quân lục chiến. Sau đó, mình được vô trường để học các ngành nghề của mình. Cho nên, em được đi học thêm 2,5 tháng ở trường bộ binh nữa. Rồi em được đưa đi ra chỗ binh chủng của mình. Đội mình đi đâu thì mình phải đi theo đó. Thường thủy quân lục chiến mỗi ba năm được dời đi một chỗ khác.
Trà Mi: Thời gian phục vụ quân đội có quy định ít nhất và dài nhất là bao nhiêu năm không?
Chương: Đối với thuỷ quân lục chiến, thường mình đăng ký 4 năm. Sau 4 năm đó, nếu muốn đi thêm, mình xin được gia hạn. Nếu đựơc chấp nhận thì mình được đi thêm. Đi đến 20 năm thì mình có thể được về hưu.
Trà Mi: Đúng 20 năm phải về hưu?
Chương: Có thể đi hơn 20 năm, nhưng bắt đầu 20 năm là mức có thể về hưu.
Trà Mi: Thế có quy định thời gian tối đa phải về hưu không?
Chương: Có, tối đa là 30 năm, nhưng cũng tùy chức vụ mình nắm giữ lúc đó.
Triết: Mình vào không quân 4 năm, cũng là hạ sĩ quan. Mình được cho học những cái nghề. Khi ra, mình có được học bổng để trở lại đi học. Khi Triết học xong, ra trường mình xin vào trường sĩ quan trừ bị bên quân y.
Trà Mi: Các anh nói được học những “cái nghề”, đó là những nghề chuyên môn trong quân đội hay những nghề dân sự bên ngoài nữa?
Triết: Tùy theo từng binh chủng khác nhau. Lúc ở trong không quân, mình được học ngành thầu khoán, có thể sửa chữa nhà cửa, nhưng chuyên môn quân sự là cái cốt yếu.
Trà Mi: Những anh khác có gì chia sẻ thêm không?
Chinh: Em là luật sư cho hải quân. Em học xong trường luật rồi mới vào hải quân. Mình phải đậu được một cái bằng trước khi hải quân nhận mình vào.
Trà Mi: Có phải quy định của hải quân cao hơn những binh chủng khác? Trà Mi hiểu là chỉ cần tốt nghiệp trung học thì có thể gia nhập quân ngũ. Điều đó đúng không?
Chinh: Thưa đúng, nhưng cũng tuỳ theo cái ngành mình làm nữa. Ví dụ làm bác sĩ hay luật sư cho hải quân thì phải đậu cái bằng chuyên môn của tiểu bang. Sau đó mình mới được nhận vô. Khi nhận vô rồi mình thực tập thêm nữa.
Tín: Điều kiện để đựơc làm sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ là phải có một bằng cử nhân trở lên. Nhưng điều này không có nghĩa là các hạ sĩ quan trong quân lực Hoa Kỳ không có bằng cấp. Nhiều anh em là hạ sĩ quan nhưng họ đã có bằng cấp rồi. Tuy nhiên, nếu muốn làm sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ mà không kinh qua con đường của một hạ sĩ quan thì mình phải có bằng cấp trước mới vào được vị trí này.
Trà Mi: Trong lúc phục vụ quân ngũ, các anh được phép về thăm nhà bao lâu một lần?
Chinh: Mỗi năm mình đựơc 30 ngày nghỉ.
Trà Mi: Mình cũng được nghe nói rằng ở Mỹ khi phục vụ quân ngũ thì cũng đựơc lãnh lương như phục vụ dân sự vậy, phải không các anh?
Triết: Khi bị kêu đi hiển dịch, hoặc được gửi ra chiến trường, tuỳ theo chỗ mình làm họ có cho mình thì mình mới đựơc quyền lợi đó.
Trà Mi: Nghĩa là có lương hay không cũng tùy quy định từng vùng, thành phố, tiểu bang, hoặc nơi mình đang phục vụ?
Tín: Đó là anh Triết và anh Chinh đang nói về quân dự bị. Còn những người giống anh Chương với Tín đây là đang hiển dịch thì có lãnh lương của chính phủ.
Trà Mi: Nề nếp sinh hoạt thường nhật của các anh như thế nào, trong vòng kỷ cương nghiêm ngặt hay cũng có chút thoải mái, tự do, có giờ vui chơi, giải trí, liên lạc với gia đình?
Tín: Như Tín là đại uý trong hải quân, đang làm việc trên chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ. Cứ mỗi 5 giờ làm việc thì mình có 5 giờ để ngủ. Có rảnh thì mình viết thư, email, hoặc lâu lâu gọi về nói chuyện với gia đình qua computer.
Trà Mi: Xin được hỏi thăm bên lục quân hay thủy quân lục chiến?
Triết: Lục quân mình sáng ra phải tập thể dục. Mình làm việc một ngày cũng 8-10 tiếng. Sau đó mình cũng có thời gian để học hỏi thêm hoặc giải trí với bạn bè. Đó là những người đang trong hiển dịch, đóng tại trong trại lính. Còn những người trong trừ bị như Triết, mỗi tháng mình phải vào trong đó 2 ngày, rèn luyện thêm chuyên môn quân sự hoặc học hỏi thêm về ngành nghề của mình, tập lại để đừng quên.
Trà Mi: Lính thuỷ quân lục chiến thì ra sao, anh Chương?
Chương: Khi tụi em đi rừng để huấn luyện hoặc đi qua Iraq, Afghanistan, hay mấy nứơc khác thì thời khoá biểu của mình cũng khác. Có nhiều khi phải làm việc 24/24 mỗi ngày.
Trà Mi: Trong lúc các anh hiển dịch, sự tiếp cận của các anh với thế giới bên ngoài như thế nào?
Chương: Khi làm việc thường nhật xong, đến tối, nếu mình chưa có vợ, thì mình về phòng ở mà được cung cấp. Trong phòng đó, mình muốn có TV, internet, phone…v..v.., muốn bỏ gì vô thì bỏ, mình có đầy đủ tiện nghi. Nếu đã cưới vợ, sau giờ làm việc mình được về nhà, ngày hôm sau trở lại làm thôi.
Trà Mi: Nghe nói những người lính Mỹ đóng quân ở căn cứ nào thì được đem theo vợ con, nếu đã lập gia đình?
Triết: Mình bên quân y, tuỳ theo từng đơn vị chỗ đóng quân như thế nào. Chẳng hạn nếu đi qua Hàn Quốc, nhiều nơi họ không chấp nhận cho gia đình mình đi theo. Tuy nhiên thường những căn cứ trong nước Mỹ thì gia đình có thể đi theo, hoặc ở trong trại lính, hoặc ở bên ngoài.
Trà Mi: Nếu gia đình đi theo, phương tiện ăn ở-sinh hoạt có phải tự túc?
Triết: Nếu ở ngay trong trại lính thì không phải trả tiền. Còn nếu ở bên ngoài thì quân đội sẽ cho tiền phụ cấp.
Trà Mi: Có những nơi trở thành các khu vực chuyên biệt cho quân đội sinh hoạt, giống như những thành phố thu nhỏ dành riêng cho người lính và gia đình của họ sinh sống, phải không ạ?
Triết: Dạ có. Cái đó thường nằm trong trại lính. Tất cả những gia đình của quân đội họ ở trong trại lính hết.
Trà Mi: Những sinh hoạt trong thành phố thu nhỏ đó có đầy đủ giống một thành phố dân sự bên ngoài hay không?
Triết: Rất đầy đủ, không thiếu một tiện nghi gì hết.
Trà Mi: Trong lúc các anh đang hiện dịch mà muốn đi học thêm, thì các anh học ngay trong doanh trại luôn hay các anh có giờ học riêng, ngoài giờ phục vụ quân đội, để ra các trường bên ngoài học?
Tín: Tùy từng nơi. Có nơi họ mướn các giáo sư đến dạy. Chẳng hạn trên chiến hạm, trong các chuyến hải hành 6 tháng như vầy thì thường có giáo sư bay ra giảng dạy. Cứ mỗi 3 tháng họ lại đổi người ra dạy.
Triết: Bên bộ binh thì họ cho đi học, hoặc học hàm thụ trên internet, hoặc có lớp mở ngay trong trại lính. Trong thời gian học, nếu mình đang hiển dịch thì không phải trả tiền. Còn nếu mình đang trong trừ bị thì chính phủ sẽ trả cho mình 75%.
Trà Mi: Sau khi xuất ngũ, người lính Mỹ có những cơ hội như thế nào trong đời sống, công ăn việc làm?
Chinh: Ra quân đội, cơ hội của mình sẽ cao hơn nếu trong thời gian phục vụ mình làm tốt.
Triết: Những quyền lợi mà chính phủ dành cho cựu quân nhân rất nhiều, nhưng để mình tóm tắt những cái chính. Thứ nhất, mình có thể được tiền để đi học. Thứ nhì, mình có thể mua nhà với tỷ lệ tiền lợi đặc biệt của chính phủ dành cho. Sau 20 năm phục vụ, mình sẽ có được hưu bổng hoặc những khoản trợ cấp về y tế.
Trà Mi: Trong đây có anh từng đi tham chiến ở các chiến trường nguy hiểm như Iraq hay Afghanistan, nơi mà sự nguy hiểm không chỉ nằm giữa các lằn đạn mà nó luôn rình rập đe doạ từ các vụ tấn công tự sát. Các anh có những kinh nghiệm vui buồn, hay những câu chuyện chiến trường nào muốn chia sẻ không?
Chinh: Lúc mình đi xa nhà vào những dịp lễ thì thiệt là nhớ và buồn, vì không đựơc có thời gian cùng gia đình ăn lễ. Cho nên lý do mà tụi em muốn tạo ra Hội Quân nhân người Mỹ gốc Việt VAAFA là để giúp các anh em đi sau. Tới những dịp lễ, mình gửi quà cho họ để họ biết là mình vẫn nhớ tới họ.
Trà Mi: Là người gốc Việt tóc đen da vàng, khi khoác lên mình bộ quân phục Hoa Kỳ, tới những chiến trường xa xôi nguy hiểm, tham dự vào những cuộc chiến mà đôi khi chính người Mỹ cũng lên án, như chiến trường Iraq chẳng hạn, cảm tưởng của các anh như thế nào?
Triết: Đây là đất nước của mình, đây là nghĩa vụ và là sự tự nguyện của mình. Da vàng, trắng, hay đen gì đi nữa thì máu cũng màu đỏ cả. Khi mình đã khoác áo lính vào rồi thì tất cả đều là anh em của nhau hết.
Trà Mi: Bây giờ xin đựơc hỏi về những niềm vui đời lính. Những người lính Mỹ gốc Việt, các anh có những niềm vui nào để chia sẻ với bạn nghe đài không?
Chinh: Em thấy trong quân đội Hoa Kỳ, sự công bằng cao lắm. Hai nữa, sau khi tụi em tạo ra Hội Quân nhân người Mỹ gốc Việt thì càng vui hơn nữa vì mình có chung lịch sử và ngôn ngữ với nhau.
Trà Mi: Nếu có một lời nhắn gửi tới những thanh niên đồng trang lứa, các anh sẽ nói gì?
Chinh: Em thấy rằng cơ hội của mình rất là tốt. Ngoài sự nguy hiểm, đôi khi cực khổ hay phải đi xa gia đình, nhưng nếu mình có đựơc cơ hội để làm được điều gì hơn cái cá nhân của mình, để giúp dân, giúp nước, bảo vệ độc lập, thì em thấy mình nên làm. Lý do mình làm là mình muốn bảo vệ những gì mà mình thương.
Trà Mi: Đó cũng là thông điệp chính mà các anh, những quân nhân đang phục vụ trong quân ngũ Hoa Kỳ, muốn gửi gắm trong chương trình hôm nay. Xin cảm ơn các anh rất nhiều đã dành thời gian tham gia chương trình này, và thân chúc các anh thành công trong binh nghiệp và được nhiều bình an trong cuộc sống.
Trà Mi hẹn mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới trong chương trình kỳ tới. Mong quý vị, nhất là các bạn trẻ, đón nghe tiết mục Tạp chí Thanh Niên của đài VOA trong chương trình 10 giờ tối thứ ba mỗi tuần.