Lê Bảo: Tôi là Bảo sống và làm việc tại TPHCM.
Quốc Hội: Tôi là Huỳnh Quốc Hội, sinh sống tại Tam Kỳ, Quảng Nam, miền Trung.
Vina: Tôi là Vina, đang sống ở Hà Nội.
Trà Mi: Ba vị khách mời tuần trước tranh luận với nhau về quy cách “đảng cử dân bầu” và tỷ lệ chênh lệch 1/10 giữa những ứng cử viên ngoài đảng với các ứng viên trong nội bộ đảng. Trước tiên, về tỷ lệ ứng cử viên ngoài và trong đảng, các bạn đồng ý hay không đồng ý, hài lòng hoặc chưa hài lòng ở điểm nào? Mời các bạn chia sẻ.
Lê Bảo: Nếu chỉ xét tỷ lệ cử tri ngoài đảng 1/10, không thể nói bầu cử tại Việt Nam thiếu dân chủ. Đây cũng là chuyện bình thường trong bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, các đảng phái chính trị thường có thế mạnh hơn những người ngoài đảng.
Vina: Tôi nghĩ cần cho tăng thêm tỷ lệ người ngoài đảng. Việt Nam có trên 80 triệu dân, với 4 triệu đảng viên. Những người ngoài đảng cũng có quyền đại diện cho tầng lớp, giai cấp của mình, chứ không riêng gì những người trong đảng mới có quyền đó. Bởi lẽ quốc hội là của toàn dân, nên cũng cần phải thay đổi, chấp nhận cho người ngoài đảng cũng có quyền như người trong đảng tham gia vào quốc hội, cùng có trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển hơn.
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Vina. Bây giờ người bạn ở miền Trung, anh Hội có ý kiến nào đóng góp không?
Quốc Hội: Theo tôi, nhà Việt Nam bị dột từ nóc. Muốn sửa phải sửa từ Hiến pháp trở xuống. Hiến pháp mở đầu rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ”. Điều đó không đúng. Đảng ở Việt Nam là một đảng duy nhất, khác gì một ông vua? Đó là điều thiếu sót trong nền dân chủ của Việt Nam. “Đảng cử dân bầu” ở Phương Tây khác ở mình vì họ có 2 đảng trở lên. Mỗi đảng cử người ra tranh cử. Tranh cử chứ không phải bầu cử như Việt Nam. Ở Việt Nam là bầu cử. Hai việc này có những tính chất khác nhau. Việt Nam chỉ có 1 đảng. Hiến pháp và điều lệ đảng quy định đảng là cơ quan lãnh đạo tuyệt đối. Hiến pháp nói quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Giữa cái ‘tuyệt đối’ và cái ‘cao nhất’, ai hơn ai?
Vina: Ý kiến Hội có phần đúng nhưng bạn phải hiểu là cái gì nó cũng phải có một quá trình và phải từ từ. Nền dân chủ của Mỹ cũng tốt nhưng do lịch sử và văn hóa của họ khác Việt Nam. Mình cũng đang dần dần cải tiến dân chủ. Ý bạn muốn thay đổi Hiến pháp thì chắc là sau kỳ bầu cử quốc hội này họ cũng phải đặt vấn đề này thôi. Cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã nói chúng ta cũng cần phải sửa những điều cố hủ, không nên lạc hậu quá trong Hiến pháp. Mình hy vọng sau đợt này, họ sẽ sửa. Đảng cần tính cạnh tranh hơn nhưng mình hy vọng dần dần họ sẽ làm găng hơn.
Quốc Hội: Nguyên lý chủ nghĩa Mác lấy đấu tranh giai cấp làm gốc nhưng thật ra ở Việt Nam đâu còn giai cấp. Nếu có đó là giai cấp thống trị với giai cấp bị trị thôi. Cho nên, cơ bản luật của mình nói về giai cấp là sai. Ngay khởi đầu đã sai thì những cái khác sẽ không đúng nữa.
Vina: Ý bạn cũng đúng nhưng bạn nên hiểu do lịch sử phát triển của đất nước này nó khác. Năm 1945 họ có cơ hội đứng lên thì họ lãnh đạo đất nước. Bây giờ bạn muốn có đảng đối lập thì đảng đối lập ấy phải có quá trình khẳng định được giá trị và đóng góp của mình cho xã hội. Không thể nói có đảng đối lập là có ngay được.
Trà Mi: Nhưng ý cho rằng cần phải có đảng đối lập để cân bằng hoặc cạnh tranh quyền lực với nhau, Vina có đồng ý với quan điểm đó không?
Vina: Vâng nhưng phải có tiến trình từ từ.
Trà Mi: Lợi-hại của việc có nhiều đảng tranh cử với nhau như thế nào? Mời Bảo góp ý thêm.
Lê Bảo: Ở Việt Nam mình thiếu sót và hỗng ở chỗ không có sự cân bằng quyền lực hoặc không có sự giám sát quyền lực của nhà nước. Ví dụ như ông chánh án của Tòa án nhân dân là do Ủy ban nhân dân chỉ định. Như vậy, khi trong nội bộ đảng phạm luật thì ông Tòa án nhân dân không thể xử được ông Ủy ban nhân dân. Sự giám sát quyền lực rất yếu, tạo ra bất công và thiếu dân chủ, thiếu minh bạch tại Việt Nam, chứ không phải vấn đề là do một đảng. Ở Singapore, hệ thống giám sát quyền lực của họ rất tốt. Người dân có thể bầu, có thể phế truất chính phủ một cách minh bạch trong khi Việt Nam không có chuyện đó. Ở các nước, những người trong chính phủ hay trong tòa án thì không có chân trong quốc hội. Đó là chuyện đương nhiên, nhưng ở Việt Nam thì khác. Ví như ông Nguyễn Phú Trọng, vừa làm Tổng Bí thư đảng, vừa làm Chủ tịch quốc hội. Đảng có hành vi vượt quyền hay có những điều luật sai bên quốc hội cũng không thể sửa được.
Trà Mi: Những gì Bảo nêu lên, các bạn có đồng ý không?
Quốc Hội: Khi đảng tuyệt đối về quyền lực, tức trong quốc hội cũng là người của đảng, trong hành pháp, tư pháp đều là người của đảng với điều lệ rằng đảng viên phải phục tùng quy định của đảng, mọi cái đều tuyệt đối của đảng. Sẽ không có vấn đề nếu đảng cộng sản Việt Nam là đảng của nhân dân lao động Việt Nam, là đảng của dân tộc, chứ không phải là một đảng đi theo chủ nghĩa Mác hay một chủ nghĩa xã hội mơ hồ nào đó.
Trà Mi: Theo anh, đảng của nhân dân lao động Việt Nam phải là một đảng như thế nào mới đúng định nghĩa?
Quốc Hội: Đảng phải lùi về phía sau, cung cấp người, chọn lọc người, tạo ra một hệ thống minh bạch cho nhân dân có quyền làm chủ, tuân theo pháp luật. Hiện nay đảng đứng trên pháp luật thì không phải là một xã hội dân chủ.
Trà Mi: Những cơ sở nào khiến anh đi tới kết luận rằng đảng đứng trên pháp luật?
Quốc Hội: Cơ quan quyền lực cao nhất, quốc hội, có tới 90% là người của đảng và đảng thì lãnh đạo tuyệt đối, từ quân đội tới công an. Ở mình, chính phủ làm luật chứ không phải quốc hội làm luật. Luật nào do quốc hội làm đi nữa cũng phải chờ nghị định, thông tư của chính phủ hướng dẫn. Nghĩa là hành pháp lại đi làm luật và triển khai luật. Còn những người vào quốc hội cũng là người trong chính phủ nên chịu sự chỉ đạo từ chính phủ trong việc làm luật. Đại biểu quốc hội có hay không có năng lực cũng vậy vì họ đã bị điều phối rồi. Việt Nam có quốc hội cho đủ 3 cái hành pháp, lập pháp, tư pháp thôi, chứ không có cũng không thành vấn đề.
Vina: Bạn nói thế không đúng đâu. Ngay cương lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam cũng có nói là bảo vệ quyền lợi cho giai cấp và bảo vệ quyền lợi cho dân tộc. Trong cương lĩnh của họ, họ luôn nói rõ là lợi ích của đảng luôn đi cùng lợi ích của dân tộc, chứ không tách rời. Còn vấn đề ở đây là do năng lực hạn chế của người được cử ra và của những đại biểu quốc hội.
Trà Mi: Các bạn cho rằng vấn đề không nằm ở chỗ ‘đảng cử dân bầu’. Các bạn không phản đối điều này vì các nước dân chủ, tiên tiến trên thế giới cũng có những người do đảng của họ cử ra để nhân dân bỏ phiếu bầu chọn. Theo các bạn, ‘đảng cử dân bầu’ ở Việt Nam khác với các nước ở chỗ nằm dưới sự điều hành độc quyền của một đảng, tất cả đều do một đảng thì sẽ hạn chế dân chủ. Một người bạn tham gia thảo luận tuần trước nói rằng tỷ lệ ngoài đảng không thành công trong các cuộc bầu cử quốc hội tại Việt Nam thứ nhất là do ý thức về quyền tự bầu cử của người dân Việt Nam rất thấp. Dân không có ý thức muốn tham gia chính trị. Thứ hai, vẫn theo người bạn này, trong quá trình hiệp thương các đại biểu tự ứng cử chưa đủ khả năng nên chưa được chọn. Theo ghi nhận của các bạn thì sao?
Lê Bảo: Sự ‘thiếu khả năng’ đó chẳng qua cũng chỉ là đánh giá của các ủy ban bầu cử do đảng cộng sản nắm giữ. Họ đã dựng nên những chướng ngại vật trên con đường của những người tự ra ứng cử.
Quốc Hội: Những người ứng cử vào đại biểu quốc hội đa số đều không xứng đáng. Tôi không tin tưởng. Tôi làm đơn tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh và quốc hội. Tôi được 6 phố đưa ra ứng cử. Hiệp thương lần 3 người ta gạch tôi ra với lý do tín nhiệm cử tri nơi cư trú thấp trong khi tôi được 68% và là một người rất có uy tín ở địa phương. Phương Tây người ta chọn lựa người đại biểu cho mình rất kỹ vì họ biết rằng khi đi bỏ phiếu như vậy họ được quyền lợi. Còn ở Việt Nam không ai xứng đáng, ai lên cũng vậy thôi. Nên dân đi bỏ phiếu cho xong bổn phận, ai cũng hiểu việc này. Tôi ‘bon chen’ tự ứng cử nên bị như thế.
Trà Mi: Ý kiến của Vina ra sao?
Vina: Ở Hà Nội, mình để ý người dân cũng để ý tới chính trị và giới trẻ như mình cũng quan tâm. Nhưng mình muốn nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Thật ra đảng cũng không có ý kỳ thị với những người ngoài đảng, nhưng do phần lớn dân chúng vẫn còn niềm tin và nghĩ rằng bỏ phiếu cho người trong đảng vẫn có gì đó tin tưởng hơn, vì người ngoài đảng chưa có thời gian để khẳng định mình trong lòng dân. Các anh cho rằng trong nội bộ đảng dọn đường cho nhau, cũng đúng, vì do thể chế của mình, nhưng nói đảng kỳ thị người ngoài đảng thì không đúng đâu. Thực chất đảng không chỉ đạo làm thế đâu.
Trà Mi: Vina cho rằng người trong đảng được dân tin tưởng hơn. Anh Hội là người đã tự ứng cử, anh nghĩ thế nào?
Quốc Hội: Dân không còn tin vào đảng, niềm tin của họ đã mất rồi. Tôi biết ở miền Bắc người ta cũng cho rằng ‘vớ va vớ vẩn’, yên phận làm ăn thôi, còn việc chính trị có đảng lo, chúng ta khỏi lo.
Vina: Văn hóa của người miền trong là vậy.
Trà Mi: Theo Vina, ở miền Nam và miền Trung bầu không khí có vẻ cởi mở hơn ở miền Bắc?
Vina: Vâng, tư tưởng họ thoáng hơn.
Trà Mi: Vậy ngoài Bắc, ảnh hưởng của đảng lớn hơn?
Vina: Vấn đề chính trị tại miền Bắc ráo riết hơn. Miền Bắc tha thiết hơn.
Trà Mi: Ý của Vina là người miền Bắc tha thiết với đảng hơn miền trong?
Vina: Vâng. Các bạn luôn muốn đảng phải thế này thế kia, nhưng cũng phải xét hoàn cảnh cho thực tế vì nhiều việc đảng làm chưa tốt, nhưng so với trình độ và hoàn cảnh của đất nước thì cũng tạm chấp nhận được. Những tiêu cực như tham nhũng hay lạm dụng quyền lực để mưu lợi thì trong chính trị, nói là một chuyện nhưng làm lại là một chuyện khác.
Trà Mi: Bạn nói rằng những gì đảng làm cũng ‘tạm chấp nhận được’. Có lập luận ngược lại rằng nếu chỉ ở mức ‘tạm chấp nhận’ sao không tạo điều kiện cho những người khác làm được hơn mình đóng góp vào công cuộc chung của đất nước?
Vina: Đấy là yếu tố văn hóa đấy ạ.
Trà Mi: Vina cho rằng đây là do sự ảnh hưởng của nền văn hóa. Các bạn khác có cho rằng nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ nền văn hóa của Việt Nam, một nền văn hóa ‘dễ chịu’, ‘dễ chấp nhận’?
Quốc Hội: Tôi không đồng ý.
Vina: Ở Việt Nam mình không đề cao tự do cá nhân và sự cạnh tranh.
Trà Mi: Anh Hội không đồng ý, mời ý kiến anh Hội.
Quốc Hội: Nếu anh làm không được, anh rớt chức, từ chức, ở tù thì ai làm lãnh đạo cũng không thành vấn đề. Nhưng hiện nay tham nhũng tràn lan, làm băng hoại các giá trị đạo đức xã hội.
Trà Mi: Anh Hội vừa nêu lên hậu quả của ‘nền văn hóa dễ chịu, dễ chấp nhận’, một nền văn hóa an phận. Ý kiến Bảo có gì khác?
Lê Bảo: Chính sự an phận theo kiểu ‘Ôi thôi kệ nó’ tác động trực tiếp đến nền chính trị của Việt Nam hiện tại.
Trà Mi: Nguyện vọng của người trẻ từ cuộc bầu cử quốc hội năm nay ra sao? Thanh niên cần phải làm gì để thể hiện trách nhiệm công dân và tinh thần xã hội? Đó cũng là nội dung phần kết loạt thảo luận về bầu cử quốc hội ở Việt Nam mà Trà Mi sẽ gửi đến quý vị vào tuần tới. Mong quý vị đón nghe và góp ý tham luận với chương trình trên trang web www.voatiengviet.com, trang facebook của VOA: http://www.facebook.com/VOATiengViet hoặc gửi email về địa chỉ vietnamese@voanews.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, vui lòng để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc mời các bạn tham gia. Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.
Trong buổi thảo luận sôi nổi tuần trước giữa 3 cử tri trẻ từ 3 miền đất nước xoay quanh cuộc bầu cử quốc hội năm nay, bạn Duy đã phản đối khi Hiệu và Trung nhận xét rằng quy cách ‘đảng cử dân bầu’ là không dân chủ. Lý do được Duy đưa ra là cách thức này cũng được áp dụng tại các nước tiến bộ phương Tây. Ý kiến đó đã gây ra tranh cãi và nhận được nhiều phản hồi của độc giả khắp nơi. Tranh luận với quan điểm của Duy, 3 vị khách mới trong chương trình hôm nay so sánh những khác biệt trong cách thức ‘đảng cử dân bầu’tại Việt Nam với các nước trên thế giới và nêu lên những tiêu cực làm trì trệ nền dân chủ của Việt Nam.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1