Đường dẫn truy cập

Yếu tố Trung Quốc trong quan hệ an ninh Nga-Việt


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ôm hôn nhau thắm thiết tại Hà Nội (ảnh tư liệu ngày 12/11/2013).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ôm hôn nhau thắm thiết tại Hà Nội (ảnh tư liệu ngày 12/11/2013).

Nga đang tìm cách thắt chặt các quan hệ với Việt Nam, hướng tới việc phát triển phạm vi ảnh hưởng tại Đông Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong thời gian trước cuối năm 2015, Liên Bang Nga đã đạt được nhiều bước có tính đột phá trong các quan hệ với Việt Nam, kể cả các hiệp định hợp tác song phương giữa Moscow và Hà Nội về các vấn đề đa dạng, như chống tham nhũng, quốc phòng và thương mại.

Bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy hôm 5/1 nhận định rằng trong khi dư luận quốc tế phần lớn phản đối Nga về những hành động quân sự ở nước ngoài như ở Ukraine chẳng hạn, thì tại Việt Nam, Nga được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Theo một cuộc thăm dò công chúng do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, 75% người Việt Nam có quan điểm tích cực về nước Nga. Về phương diện nhà nước, mới đây Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã lên tiếng ủng hộ ‘vai trò lớn hơn của Nga trong các vấn đề toàn cầu’.

Bài báo dẫn lời một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, bà Maria Zelenkova, nói rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam được dựa trên mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ dưới hình thức một chính sách đối ngoại đa phương.

Bà Zelenkova cho rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, việc Hà Nội theo đuổi các quan hệ gần gũi hơn với một nước khác- ám chỉ nước Nga- bên cạnh các quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, là điều hợp lý.

Theo nhà nghiên cứu này, chính sách đó của Hà Nội cũng tương tự như chính sách của một số quốc gia khác, như Kazakhstan hay Mongolia, vốn phải đương đầu với thực tế là phải chia sẻ ranh giới với cả hai nước Nga và Trung Quốc.

Trong khi Việt Nam có lý do để xích lại gần Nga trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, việc Moscow theo đuổi chính sách quay lại thắt chặt các quan hệ với Hà Nội sau một thời gian lơ là chắc chắn phải do động cơ là quyền lợi quốc gia riêng tư của Nga, nhất là khi quyết định này khiến cho Nga vướng sâu hơn vào cuộc tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Theo bài báo này, một trong các yếu tố thiết yếu nhất và là động cơ chính trong chính sách an ninh của Nga hiện nay là đảm bảo an ninh quốc gia tại các khu địa lý chống một loạt đối thủ và mối đe doạ tiềm tàng đối với Moscow. Và đó là lý do Nga tìm cách củng cố lại phạm vi ảnh hưởng trước đây của mình, bằng cách thắt chặt thêm các quan hệ ngoài vòng đai khu vực địa lý của mình hầu tạo ra một vòng đai an ninh gồm các quốc gia thân thiện.

Một yếu tố khác khả dĩ giải thích chính sách nối lại và củng cố thêm quan hệ với Việt Nam, theo tác giả bài báo, là tạo ra một thành trì chống sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bất chấp những phát biểu có tính cách hữu nghị, Moscow vẫn có thái độ thận trọng và dè dặt đối với Bắc Kinh, được coi như một đối thủ trong việc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Bài báo kết luận rằng đối với Nga, Việt Nam là một đồng minh tại Đông Á, qua đó Nga có thể cân bằng chống lại sức mạnh đang tăng của Trung Quốc, và như thế có thể củng cố vị thế chiến lược của Nga ở Đông Á.

Giữa lúc Việt Nam đang tìm cách đa phương hoá chính sách đối ngoại và các quan hệ với nhiều nước, kể cả Nga, thì Nga cũng không chần chờ nắm lấy cơ hội vì Moscow coi Việt Nam như một cửa ngõ để bành trướng ảnh hưởng của mình tại Châu Á.

Theo Foreign Policy Journal, Global Times

VOA Express

XS
SM
MD
LG