Tại Mỹ, chỉ cần lên internet và gõ những cụm từ khóa đơn giản là bạn có thể dễ dàng tìm kiếm rất nhiều những cơ sở, tổ chức chăm sóc thú nuôi bị bỏ rơi như chó, mèo hay cho nhận nuôi chó mèo. Trái lại, tại Việt Nam, số lượng những cơ sở như vậy dường như lại ít hơn số lượng những quán ăn, nhà hàng phục vụ thịt chó, thịt mèo. Tưởng chừng như việc ăn thịt chó, thịt mèo đã trở nên quá phổ biến đến mức mọi người coi đó là chuyện bình thường và cũng có nhiều người coi đó là một nét văn hóa, thì lại có một cô gái đã quyết định đi ngược lại với điều đó. VOA Tiếng Việt đã có dịp trò chuyện với cô gái này để tìm hiểu thêm về những công việc mà cô đang làm.
Cách đây khoảng sáu năm, sau khi nhìn thấy nhiều trường hợp chó mèo bị vứt bỏ ngoài đường trong tình trạng rất tồi tệ, cô gái có tên Vi Thảo Nguyên đã đưa những chú chó, chú mèo mà cô gọi là ‘mấy đứa nó’ về nhà chăm sóc. Nguyên kể lại:
"Mình thấy nhiều trường hợp chó mèo bị vứt bỏ ngoài đường, mà tình trạng của nó rất là tồi. Lúc đó thực sự không có một nhóm hay tổ chức nào hỗ trợ hết, thì tự động cá nhân mình thấy thì cứ làm theo phản xạ, quán tính thôi. Vẫn cứ mang mấy đứa nó về rồi chăm sóc và cho đi thú y. Rồi lân la trên internet, đăng hình tìm nhà cho nó. Hoạt động một mình khoảng một thời gian khá là lâu thì tình cờ gặp thêm ba người bạn nữa. Họ cũng đang làm công việc giống mình luôn. Họ cũng tự họ làm. Sau khi ngồi tâm sự thì cùng nghĩ là tại sao mình không cùng làm một cái gì đó, làm chung, rồi mở rộng ra thành cộng đồng, và cộng đồng sẽ có những người như mình. Mọi người sẽ cùng chung tay góp sức, hỗ trợ nhau, thì như vây mình sẽ cứu được ‘tụi nó’ nhiều hơn, dễ hơn."
Chỉ với xuất phát điểm chung là tình thương đối với động vật, Nguyên và ba người bạn trẻ khác đã thành lập tổ chức Yêu Động Vật (YDV) với những hoạt động ban đầu tập trung vào việc cứu hộ và chăm sóc tại nhà trong một thời gian ngắn những chú chó, chú mèo bị bỏ rơi. Bên cạnh trang xã hội facebook, các bạn đã thành lập diễn đàn YDV và đăng hình những chú chó, chú mèo bị bỏ rơi với cố gắng tìm một người chủ tốt có thể chăm sóc cho chúng. Nguyên chia sẻ việc cứu hộ được thực hiện rất đơn giản: tự mình thấy, tự mình làm.
Sau ba năm hoạt động, với số lượng thành viên ban đầu chỉ vỏn vẹn có bốn người, hiện nay, mặc dù YDV chưa phải là một tổ chức chính thức được cấp phép hoạt động, mà vẫn chỉ là một tổ chức hoạt động công việc tình nguyện tự phát, nhưng số lượng các bạn tình nguyện viên của tổ chức đã là vài trăm người. Đáng chú ý nhất là số lượng thành viên trực tiếp của tổ chức YDV đã lên tới con số 100.000 người.
Sau khi số lượng thành viên đã tăng lên, Nguyên và các thành viên khác của nhóm YDV đã quyết định bước thêm một bước tiến mới:
"Sau khi số lượng thành viên bắt đầu tăng lên và mình nhận thấy nhu cầu cứu chó cứu mèo cần được mở rộng hơn nữa bởi vì mình gặp, rồi cứu, rồi tìm nhà chăm sóc cho nó thì mới giải quyết được phần ngọn thôi, còn phần gốc thì vẫn còn đó. Người ta cứ để cho chó mèo sinh sôi nảy nở vô tội vạ rồi vứt ra ngoài đường. Cho nên khi đó YDV hướng tới hoạt động kéo dài tới bây giờ, đó là triệt sản. Hoạt động này chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đa số chủ nuôi ở Việt Nam về vai trò quan trọng của triệt sản chó mèo."
Hiện tại YDV vẫn tiếp tục thực hiện chương trình triệt sản này. Rất may mắn là chương trình này đã nhận được sự tài trợ của Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), tiến hành triệt sản cho chó mèo hoàn toàn miễn phí. Nguyên giải thích thêm vì mục đích của các bạn là khuyến khích những người chủ triệt sản cho thú nuôi của họ, cho nên các bạn tổ chức triệt sản chó mèo hoàn toàn miễn phí.
Song song với hai hoạt động chính là cứu hộ chó mèo và tổ chức triệt sản miễn phí cho chó mèo, tổ chức YDV do bạn Nguyên đồng sáng lập còn có hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức của trẻ con về vấn đề hành xứ, đối xử với con vật. Nguyên nói:
"Cái vấn đề làm sao để đi sâu vào các trường tiểu học, cấp 2, rồi đưa các chương trình vừa giáo dục, vừa giải trí, mang tính chất giúp cho trẻ tạo được mối liên kết tốt với con vật, đến bây giờ vẫn là một việc rất khó khăn. YDV vẫn đang cố gắng và hợp tác với một số tổ chức khác để có thể triển khai kế hoạch này trong năm tới."
Với tên gọi là YDV, nhưng hoạt động chủ yếu của các thành viên nhóm YDV lại hướng tới chó, mèo – những loại thú nuôi quen thuộc trong gia đình. Như vậy, liệu các bạn nhỏ có thể nhận thức được rằng những loài động vật khác cũng cần được đối xử tốt hay không? Trả lời thắc mắc này, bạn Nguyên nói:
"Ngay từ những ngày đầu, những người của YDV gặp nhau, thì tầm nhìn và sứ mệnh của tụi mình đã nhắm vào chữ ‘Động Vật,’ tức là động vật nói chung, chứ không riêng gì chó mèo. Nhưng mà rõ ràng, ở một nước mà ăn thịt chó mèo vẫn còn rất nhiều, thì việc mình ào vào một cái mình làm những hoạt động kêu gọi quyền dành cho động vật thì còn khá là xa vời và sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn. Cho nên tụi mình đặt ra một sứ mệnh, tầm nhìn chung là động vật, nhưng những bước đầu tiên triển khai ban đầu thì tập trung trước vào chó mèo. Vì chó mèo là những con vật được nuôi trong nhà, thì người ta cần phải thay đổi cái nhìn trước hết với những con vật này đã. Người ta phải đối xử tốt với nó đã, rồi từ từ mình mới đưa người ta đến bước tiếp theo, đó là hãy để ý đến những con vật khác."
Sau những bước đi chậm rãi, sau ba năm, bạn Nguyên bày tỏ sự vui mừng vì sự thay đổi trong nhận thức của các bạn trẻ, nhất là các bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên, là rất đáng khích lệ:
"Các bạn có tâm, có lòng trắc ẩn. Nhưng có thể vì lý do nào đó… Trước đó các bạn chưa thấy một người nào hay một nhóm nào làm, và họ chưa đi tiên phong. Họ còn gặp rất nhiều khó khăn…như mang chó mèo về thì bị gia đình cấm đoán, phản đối, la mắng, thì họ cảm thấy lạc lõng vì họ không có một cộng đồng nào hết để mà làm.
Khi YDV xuất hiện, mọi người cảm thấy là không phải một mình mình như vậy, không phải mình mình cảm thấy cần làm những điều này, mà đã có những người khác cũng muốn như vậy và họ thực sự đã bắt tay vào làm rồi thì bây giờ mình hãy đồng lòng và chung tay giúp đỡ họ.
Sau một khoảng thời gian ngắn thôi, ba năm cũng không quá dài, sự thay đổi này rất rõ ràng. Tính đến bây giờ thì các bạn đã chủ động hơn. Các bạn thể hiện tình yêu thương của mình rõ ràng hơn và thiết thực hơn. Tức là khi thấy chó mèo các bạn không còn làm lơ nữa, mà đã bắt tay biết làm một cái gì đó rồi. Khi tụi Nguyên nhận ra được sự thay đổi đó rồi thì tụi Nguyên lấy đó làm động lực để đi một bước tiếp theo."
Bước đi tiếp theo mà Nguyên nói tới đó là một dự án mà cô nói đây sẽ là một dự án dài hơi. Ngay trong năm 2013, bắt đầu từ đầu tháng 8, tổ chức YDV sẽ thực hiện một dự án mang tên Go Veg Campaign thiên về ăn chay do một tổ chức của Mỹ là Kairos Coalition và tổ chức Humane Society International (HSI) tài trợ. Chia sẻ về chiến dịch này, Nguyên nói:
Thực ra mình thực hiện dự án này không phải để kêu gọi tất cả mọi người đều ăn chay, mà sẽ đi từng bước nhỏ nhỏ. Thứ nhất là để cho mọi người có một cái nhìn đúng đắn và chính xác về đời sống của những con vật mà mọi người vẫn hay cho rằng nó được sinh ra là để làm món ăn phục vụ cho con người, chẳng hạn như trâu, bò, heo, gà. Suy nghĩ này thấm sâu vào rất lâu rồi và nó còn một khoảng thời gian để người ta dần dần tiếp cận lại với cái mới. Tụi mình đang đi theo hướng đó, tức là tổ chức hoạt động để giúp cho mọi người có một cái nhìn chính xác về cuộc sống của những con vật này ở đằng sau nhà sát sinh, để cho mọi người thấy những con vật đó đã phải chịu hành hạ trong khoảng thời gian rất lâu, và chúng đã bị giết một cách dã man như thế nào trước khi trở thành món thịt cho con người. Họ chỉ ăn thôi chứ họ không thấy cảnh của nó bị giết. Bản thân Nguyên có một niềm tin rất mạnh mẽ nếu như người nào cũng chứng kiến cảnh con vật trải qua những đau đớn trong lò sát sinh thì họ cũng sẽ không cảm thấy miếng thịt đó ngon được đâu."
Nhưng làm thế nào mà chỉ trong ba năm, Nguyên và các bạn trong YDV đã có được sự tài trợ, đồng hành, và ủng hộ từ ba tổ chức quốc tế? Tất cả được Nguyên gói gọn trong một chữ ‘duyên.’
"Cái này thật sự đúng ra mà nói thì bản thân mình tin vào chữ Duyên. Tình cờ mình quen một chị bạn làm việc ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Chị này rất yêu quý chó mèo. Chị có mối quan hệ khác với một người trước đó từng làm việc ở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội. Ông này tên là Robert Lucias. Mấy năm về trước thì ông là tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Hoa Kỳ. Khi ông tới Việt Nam công tác trên đường Lào Cai, thì ông tình cờ trông thấy một xe chở rất nhiều chó đi ngang qua xe công tác của ông. Trên xe lúc đó thì có rất nhiều ánh mắt nhìn ông. Lần đó ông đã bất lực, không thể làm được việc gì. Nhưng chính ánh mắt của những con chó đó đã ám ảnh ông. Sau khi quay trở về Mỹ thì ông thành lập tổ chức Kairos Coalition."
Sau khi tổ chức Kairos Coalition của người cựu tùy viên quân sự tại đại sứ quán Hoa Kỳ ra đời với mục đích cứu giúp động vật, tờ Los Angeles Times của Mỹ đã thực hiện một bài viết về ông. Tưởng chừng như việc làm rất tốt đẹp này sẽ nhận được sự tán dương, ủng hộ của mọi người, nhưng trái lại, theo lời Nguyên kể, có rất nhiều lời chỉ trích đến từ cả người nước ngoài lẫn người Việt Nam nhắm vào ông. Nguyên kể lại:
"Khi Nguyên đọc bài đó về một con người mà Nguyên cảm thấy rất cảm ơn ông như vậy thì ở dưới Nguyên thấy những phần lời bình, có rất nhiều người chỉ trích ông. Kể cả người Việt Nam và người nước ngoài đã chỉ trích ông rằng đã sử dụng đồng tiền rất vô lý. Thay vì cứu những con chó con mèo thì hãy dùng nó để cứu trẻ mồ côi, trẻ đói hay người nghèo v..v.. Bản thân Nguyên khi đọc bài đó xong thì Nguyên cảm thấy nếu mình không lên tiếng thì khá là bất nhẫn và không công bằng cho con người này. Ông làm mà chẳng có lợi ích gì cả, mà chỉ vì lòng trắc ẩn và những nỗi ám ảnh mà từ xưa ông không làm được. Thế là Nguyên chỉ để lại một dòng mà Nguyên tin là một cách để an ủi người đó, nhân vật trong bài thôi. Lúc đó Nguyên chẳng biết ông là ai hết, Nguyên chỉ nghe câu chuyện về ông thôi. Vì thế Nguyên đã để lại một dòng đại ý là: 'Cảm ơn ông, tôi là người Việt Nam và tôi cảm thấy rất cảm động vì tình cảm mà ông dành cho những con vật tội nghiệp ở Việt Nam. Tôi thừa nhận với ông là những hiện trạng mà ông nói tới ở Việt Nam là có và tôi rất quý những nỗ lực mà ông đang làm.'”
Và rồi sau đó, chỉ với suy nghĩ đơn giản là muốn chia sẻ phần nào với con người này về những công việc có ý nghĩa cho động vật, Nguyên đã để lại một dòng bình luận. Chính nhờ dòng bình luận hiện lên địa chỉ facebook của Nguyên mà ông Robert đã liên lạc với Nguyên. Nguyên nói rằng tuy rằng có trao đổi qua lại nhiều và ông Robert cũng đề cập tới chuyện sẽ giúp đỡ cho tổ chức YDV của Nguyên, nhưng Nguyên lúc đó đã nghĩ chuyện đó là khá xa vời và không thể nào:
“Ông sau đó đã gửi cho Nguyên một email rất dài kể về cuộc sống của ông, những công việc mà ông đã làm qua, công tác của ông v…v.. và ông nói là ông có thể giúp những việc gì việc gì, ông liệt kê ra. Trong đó có một việc là ông sẽ đồng hành cùng YDV với điều kiện là YDV có một tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng, một kế hoạch thực hiện bài bản. Từ đó là tụi Nguyên đã được ông đỡ đầu. Tụi Nguyên coi ông như là một người đỡ đầu vì tính đến bây giờ, Nguyên nhìn lại, và Nguyên cảm thấy nếu không có ông xuất hiện, thì con đường tụi Nguyên đi sẽ khó khăn hơn rất nhiều.”
Thông qua ông Robert, tổ chức YDV được biết đến Tổ chức Động vật Châu Á AAF. Sau đó chính ông Robert cũng là người tài trợ cho YDV đi qua Mỹ để tham dự một hội thảo chuyên về làm thế nào để bảo vệ động vật bị ngược đãi. Tại chính hội thảo này thì YDV lại có dịp nói chuyện, gặp gỡ với tổ chức HSI.
Dùng chính uy tín của mình để bảo lãnh cho các hoạt động của YDV, YDV sau đó đã chứng minh rằng ông Robert đã không đặt niềm tin nhầm chỗ. Sau khi thực hiện chương trình triệt sản do AAF tài trợ thì nhà tài trợ đã trông thấy nỗ lực và khả năng làm việc của YDV. Như lời Nguyên nói thì họ cảm thấy việc tài trợ của họ được sử dụng vào đúng mục đích và rõ ràng hiệu quả. Do đó, YDV đã dành được sự tin tưởng của AAF và được giao thực hiện những kế hoạch dài hơn.
Tuy nhiên, con đường của YDV từ lúc thành lập đến bây giờ không hề thuận lợi. Nguyên chia sẻ rằng những khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện. Những tưởng đã vượt qua được một khó khăn thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn, nhưng khi một khó khăn này qua đi thì khó khăn khác lại đến. Những khó khăn này là gì? Xin mời quý vị cùng đón nghe trong chương trình Câu chuyện Phụ nữ kỳ sau.