Bộ Xây dựng và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mới đây giới thiệu mức phí chống ngập, nhưng nhanh chóng vấp phải phản đối từ dư luận và báo chí.
“Giá dịch vụ chống ngập” ở Tp.HCM được tính toán là 3.668 đồng/1 mét vuông/1 tháng, theo tin hôm 28/5 của báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam Mới.
Hai báo nói mức phí nêu trên là kết quả nghiên cứu kéo dài hơn một năm của Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng Tp.HCM, và Phân viện Kinh tế Xây dựng miền nam thuộc Bộ Xây dựng.
Hai đơn vị kể trên đã chọn dự án dùng máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, làm cơ sở tính toán, tin của hai báo cho hay.
Việc nghiên cứu tính phí chống ngập được Sở Xây dựng đề xuất hồi tháng 5/2019 và được Ủy ban Nhân dân Tp.HCM chuẩn thuận.
Các bản tin của Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam Mới không nói cụ thể loại phí mới sẽ bắt đầu thu khi nào và cách thu ra sao. Hai tờ báo chỉ dẫn lời của đơn vị xây dựng giá dịch vụ nói rằng “khi phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông này được áp dụng sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác chống ngập trên địa bàn Tp.HCM trong thời gian tới”.
Một bài báo của Thanh Niên hôm 2/6 cho rằng việc người dân thành phố “sẽ phải đóng phí chống ngập” đang gây nhiều tranh cãi.
Tờ báo dẫn lời kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói rằng ông “không đồng tình” với việc người dân sẽ phải đóng phí dịch vụ chống ngập vì 2 lý do, đó là việc tính giá dịch vụ theo mét vuông là không hợp lý và tác nhân gây ngập cho Tp.HCM không phải là người dân.
Về lý do thứ nhất, ông Sơn, cũng là một chuyên gia quy hoạch, nói thêm: “Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả thành phố”, theo Thanh Niên.
Phân tích về nguyên nhân chính gây ngập, kiến trúc sư này khẳng định rằng Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng “phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, nhà cao tầng bạ đâu ‘cắm’ đấy, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng”.
Tình trạng đó xảy ra là hệ quả của việc “buông lỏng quản lý” trong cấp phép quy hoạch, xây dựng, chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo tìm hiểu của VOA, một số chuyên gia khí tượng thủy văn của Việt Nam đánh giá rằng hiện nay ngập lụt ảnh hưởng đến 10-15% diện tích thành phố.
Các chuyên gia dự báo trong tương lai 7-10 năm tới, nước xâm nhập do triều cường kết hợp với mưa sẽ gây ngập từ 25-35% tức 1/3 diện tích thành phố, nếu thành phố không có giải pháp.
Nhấn mạnh đến yếu tố người dân không có lỗi về ngập lụt ở thành phố, ông Sơn bình luận trên Thanh Niên: “Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý”.
Một chuyên gia khác, kỹ sư Lê Thành Công, giám đốc một công ty thiết kế và tư vấn xây dựng, đưa ý kiến trên cùng tờ báo rằng nếu muốn huy động sức dân, thành phố “có thể phát hành trái phiếu” và sử dụng nguồn lực này, đồng thời, “nên đấu thầu dịch vụ công” cho từng vùng với “đầu bài cụ thể”.
“Làm cách này, các dự án minh bạch, hấp dẫn mà vẫn không phải bắt người dân trả phí để thu hút tư nhân tham gia”, kỹ sư Công nói.
Trong bài bình luận của bạn đọc đăng trên Lao Động, một người có tên Thái Minh viết rằng “Đóng phí, lệ phí là trách nhiệm của người dân. Nhưng đi cùng trách nhiệm phải là quyền lợi. Nếu nước vẫn ngập, phố vẫn đầy rác, giá trông giữ xe vẫn…trên trời thì các loại phí, lệ phí dù tăng 1 đồng cũng không thuyết phục”.
Vẫn bạn đọc này lưu ý đến thực trạng “lương chưa tăng nhưng các loại phí, lệ phí sẽ tăng kéo theo giá các loại dịch vụ, mặt hàng tăng theo”, và gọi đó “cũng là một thứ vô lý”.