Đường dẫn truy cập

Y tá gốc Việt nhiễm Ebola ở Mỹ, cộng đồng sửng sốt


Nina Phạm (Ảnh trên Facebook do gia đình cung cấp cho báo chí).
Nina Phạm (Ảnh trên Facebook do gia đình cung cấp cho báo chí).

Cô Nina Phạm, người Mỹ gốc Việt, hôm qua được xác nhận là bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ebola tại Hoa Kỳ và đã bị cách ly để chữa trị.

Nữ y tá 26 tuổi bị nhiễm virus trong khi chăm sóc cho một bệnh nhân đầu tiên tại Mỹ được chẩn đoán nhiễm virus đã làm hàng nghìn người tử vong trên thế giới, ông Thomas Eric Duncan.

Theo yêu cầu đối với các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân Ebola, cô Nina đã tự theo dõi xem có bị sốt hay có các triệu chứng của virus này hay không.

Cơ quan y tế của tiểu bang Texas cuối tuần qua ra thông cáo cho biết cô Nina bị sốt nhẹ vào tối thứ Sáu, 10/10, và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính đối với virus Ebola hai ngày sau đó.

Cô Nina là một trong các nhân viên của Bệnh viện Texas Health Presbyterian, nơi ông Thomas Duncan qua đời tuần trước.

Ông Hà Thúc Thanh, người dạy về giáo lý ở Giáo xứ Đức mẹ Fatima tại Fort Worth, Texas, nơi gia đình cô Nina hay lui tới cầu nguyện, cho VOA Việt Ngữ biết rằng tất cả mọi người đều không ai tin đó là sự thật.

“Cả cộng đồng, cả nhà thờ và bố mẹ của cô ấy đều sửng sốt. Mọi người đều không thể ngờ được rằng chuyện đó lại xảy ra ngay trong cộng đồng của mình. Khi nhận được tin đó thì chúng tôi không tin. Một người y tá còn bị như vậy, huống hồ chi những người xung quanh. Thành thử khi chúng tôi nghe tin đó thì chúng tôi rất là sửng sốt.”

Ông Thanh cho biết thêm rằng cô Nina là ‘một người rất năng động trong cộng đồng, và gia đình cô ấy chuyên môn giúp những người khác”.

Cả cộng đồng, cả nhà thờ và bố mẹ của cô ấy đều sửng sốt. Khi nhận được tin đó thì chúng tôi không tin. Một người y tá còn bị như vậy, huống hồ chi những người xung quanh...
Ông Hà Thúc Thanh, Giáo xứ Đức mẹ Fatima.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), cô Nina hiện trong tình trạng “ổn định”. Cơ quan này đang tiến hành điều tra xem việc lây nhiễm xảy ra như thế nào.

Sau khi cô Nina bị sốt, cô đã được cách ly ngay sau đó, và các nhân viên CDC đã phỏng vấn cô xem có tiếp xúc gần với ai không.

Ở thời điểm này, CDC cho biết nữ y tá có một tiếp xúc gần và đang tiến hành theo dõi. Căn hộ của cô Nina cùng khu vực xung quanh đã được tẩy trùng.

Ông Thanh cho biết cộng đồng giáo xứ đang cầu nguyện cho cô khỏe mạnh trở lại:

“Mọi người tìm cách để giúp đỡ gia đình này. Bây giờ gia đình cũng đang rất là sửng sốt, họ chưa có khái niệm mọi chuyện sẽ như thế nào, ra làm sao, nên họ yêu cầu mọi người cầu nguyện cho họ. Họ đang chỉ mong là mọi người cầu nguyện. Đối với họ, sự cầu nguyện là quan trọng nhất. Nó có giá trị nhiều nhất. Nếu như họ cần một cái gì khác thì chúng tôi sẽ có giúp đỡ.”

Giới chức của thành phố Dallas, Texas, được trích lời nói rằng họ đang tìm một nơi phù hợp để giữ và theo dõi con chó cưng của cô Nina.

Giám đốc của CDC, Tom Frieden, nói trong một cuộc họp báo về trường hợp của cô y tá gốc Việt:

“Thật kinh khủng khi một nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Cô ấy đã giúp chữa trị bệnh nhân đầu tiên tại đó, và nay chính cô ấy lại bị lây nhiễm.”

Mọi người tìm cách để giúp đỡ gia đình này. Bây giờ gia đình cũng đang rất là sửng sốt, họ chưa có khái niệm mọi chuyện sẽ như thế nào, nên họ yêu cầu mọi người cầu nguyện cho họ.
Ông Hà Thúc Thanh.

Hơn 4.000 người đã tử vong trong đợt bùng phát Ebola tệ hại nhất tập trung tại Tây Phi. Trong số hơn 400 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, có hơn 200 người đã tử vong.

Bà Lisa Albert, phát ngôn viên của Đại học Texas Christian University, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cô Nina tốt nghiệp cử nhân chương trình y tá của trường năm 2010.

Chương trình này giúp cho các y tá tương lai đảm nhiệm vị trí là “đầu mối liên lạc cho các bác sĩ, bệnh nhân và các nhân viên y tế khác”.

Và chỉ mới hai tháng trước, cô Nina nhận được chứng chỉ chăm sóc các ca bệnh nghiêm trọng, nhất là các trường hợp bệnh nhân mà tính mạng bị đe dọa.

Tin mới nhất cho biết, cô Nina đã được bác sĩ Kent Brantly hiến máu. Ông chính là người cũng bị nhiễm virus Ebola nhưng đã khỏi bệnh.

Chất kháng thể trong máu của bác sĩ Brantly được cho là có thể giúp các bệnh nhân chống lại Ebola.

Ông Brantly cũng đã hiến máu cho hai bệnh nhân người Mỹ khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG