Vụ các phần tử chủ chiến Hồi giáo chặt đầu 21 người Kitô giáo Coptic trên bờ biển Địa Trung Hải, chỉ cách nước Ý một chuyến đi bằng thuyền ngắn, khiến người Ý rúng động và đang khơi lên cuộc tranh luận sôi nổi ở Rome về việc Ý có thể làm gì để dập tắt tình trạng hỗn loạn bao trùm nước từng là thuộc địa của mình.
Người Ý đã theo dõi cuộc xung đột hoành hành đất nước Libya giữa các phe dân quân kình chống nhau hậu thuẫn cho các chính phủ đối nghịch ở Tripoli và Tobruk với tâm trạng báo động này càng cao. Hậu quả chính đối với Ý là làn sóng di dân bất hợp pháp ngày càng tăng, chủ yếu là từ phía nam Sa mạc Sahara của Phi châu, tìm cách vượt Địa Trung Hải từ vùng duyên hải Libya trong những chiếc thuyền ọp ẹp.
Người ta tin rằng trong tuần trước hơn 300 người đã bị chết đuối trong khi vượt biển và vào cuối tuần, bình sĩ tuần duyên Ý đã cứu 2.000 di dân đi trên 15 chiếc thuyền.
Nhưng giờ đây Ý lo ngại rằng sự nổi lên nhanh chóng của nhóm thánh chiến trung thành với nhóm gọi là Nhà nước Hồi giáo báo hiệu các hiểm họa mới – nhất là, các phần tử thánh chiến có thể vào nước này bằng cách giả làm di dân bất hợp pháp.
Các đao phủ mang mặt nạ mặc bộ đồ đen trong video được đưa lên Internet hôm Chủ nhật vừa qua, mà chính quyền Ý nói là thật, dường như để cố nhấn mạnh rằng Rome quả thật là một mục tiêu.
Trên Twitter, các tài khoản liên quan với nhóm Nhà nước Hồi giáo liên kết đường dẫn video có tựa đề “Một thông điệp ký bằng máu gửi đến Nước Thập giá.” Tất cả, trừ một người là Kitô giáo Coptic đã bị tàn sát gần thị trấn ven biển Sirte là lao động nhập cư người Ai Câp.
Trong video, chỉ huy nhóm đao phủ chỉ về hướng bắc nói bằng giọng Anh: “Chúng ta sẽ chinh phục Rome, bởi sự cho phép của Allah.”
Không lâu trước khi xảy ra vụ chặt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Ý, Roberta Pinotti nói với nhật báo Il Messaggero, “Mối hiểm họa ngay trước mắt. Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa. Ý có các nhu cầu phòng vệ quốc gia và không thể có một nhà nước Hồi giáo cai trị đối diện bờ biển của chúng ta.
Thứ năm, Thủ tướng Ý Matteo Renzi sẽ trình bày trước Quốc hội một kế hoạch hành động, nhưng hiện chưa rõ ông sẽ đưa ra những đề nghị gì.
Ông đã cảnh báo, từ nhiều tháng nay về các hiểm họa cho Âu châu do Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn, tuy nhiên ông cũng làm dịu bớt những nhận định hiếu chiến hơn của Bộ trưởng Quốc phòng cuối tuần qua, sau khi truyền thông Ý diễn giải lời ông như thể nước Ý trong tình thế mấp mé can thiệp vào Libya.
Nói chuyện trên đài truyền hình Ý vào tối Thứ hai, ông Renzi nhấn mạnh rằng Ý có thể chỉ can thiệp nếu là một phần trong liên minh của các lực lượng Tây phương được Liên hiệp quốc ủy nhiệm.
Ông nói, “Chúng tôi đã nói với Liên hiệp Âu châu và với cộng đồng quốc tế rằng đã đến lúc không còn yên ngủ nữa, rằng sự kiện rất nghiêm trọng đang diễn ra ở Libya, và chỉ vì chúng tôi ở gần nhất – là những người vớt các thuyền nhân – đừng nghĩ rằng quý vị có thể buông tất cả vấn đề lại cho chúng tôi.”
Các chính trị gia và các nhà phân tích Ý nói rằng việc trở lại đàm phán bất cứ hành động tức thì nào của Ý phản ánh thực tế về quân sự. Ý không có khả năng lâm chiến để can thiệp một mình. Theo ông Nicola Latorre, người đứng đầu ủy ban quốc phòng Thượng viên Ý, thì trên giấy tờ quân đội Ý có 105.000 binh sĩ, nhưng với cam kết duy trì hòa bình khác ở nước ngoài và phòng vệ trong nước được kể đến, cũng như xét về tình trạng sẵn sàng, và khả năng thích ứng thì nước này chỉ có thể điều động 5.000 binh sĩ đến Libya. Con số này quá ít để áp đặt một giải pháp với các phe lâm chiến, huống hồ là các phần tử thánh chiến, chỉ ở thị trấn Derna ở miền đông Libya ước tính có 800 chiến binh thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ông Lahore nói rằng chính phủ Ý chỉ nên xét đến việc tham gia vào một liên minh quốc tế nhằm áp dụng các biện pháp ngăn chận hơn là tiến hành cuộc chiến.
Theo các phân tích gia một chiến lược ngăn chặn có phần chắc không làm hài lòng quân đội Pháp - với những vụ can thiệp mới đây ở nước ngoài lâm trận với các phần tử thánh chiến ở Phi châu, đặc biệt là ở Mali – đã có khuynh hướng tích cực và năng động hơn và chú trọng việc thiết lập hòa bình hơn là chỉ duy trì hòa bình.
Ý tưởng chỉ duy trì hòa bình là điều cần thiết khiến biên tập viên của nhật báo La Stampa, ông Mario Calabrese một nhà bình luận có nhiều ảnh hưởng ở Ý khinh thường. Ông nói, “Nói về sứ mạng hòa bình là một chuyện viễn tưởng rõ ràng, như thời quá khứ vì sẽ không ai mở rộng vòng tay chào đón quân đội nước ngoài, và chắc chắn thành phần thánh chiến là không rồi.”
Phải nhớ đến vai trò của đế quốc Ý ở Libya trong quá khứ, ông Calabrese nói, “cuộc phiêu lưu thực dân của chúng ta tạo ra những vụ thảm sát và gây khổ sở, chúng ta phải hành động một cách rất cẩn trọng. Ký ức trong quá khứ vẫn sống động ở Libya và sẽ là dễ dàng để lên án sự can thiệp như chủ nghĩa thực dân và kêu gọi một cuộc chiến tranh chống đạo quân thập tự chính mới.”
Trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau vụ hành quyết tập thể đẫm máu và vừa khi các chiến đầu cơ Ai Cập trả đũa bằng các vụ oanh kích vào các trại huấn luyện và các kho võ khí của nhóm thánh chiến ở miền đông Libya, Thủ tướng Renzi đã điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi và nhà lãnh đạo Pháp Francois Hollande. Các viên chức Ý nói rằng các cuộc điện đàm tập trung vào các chiến lược ngoại giáo nhằm thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ủy nhiệm sự can thiệp và không có bất cứ kế hoạch nào cho 3 nước tự thành lập một liên minh quân sự.
Các giới chức cho đài VOA biết là 3 nhà lãnh đạo cũng thảo luận các cơ hội đảm bảo có được một thỏa thuận giữa các dân quân tham chiến của Libya và các chính phủ đối nghịch. Tuy nhiên một loạt nỗ lực của Liên hiệp quốc trong những tuần lễ gần đây nhằm làm trung gian hòa giải một thỏa thuận cho đến giờ đã cho thấy không có kết quả. Nhóm ‘Bình minh ở Libya’ (Libya Dawn), một liên minh dân quân Hồi giáo chính yếu, kiểm soát thủ đô Tripoli, phản đối kịch liệt vụ trả đũa của Ai Cập và ra ra lệnh cho tất cả những người Ai Cập di trú rời Libya ngay lập tức.