Không giống như một số quốc gia trung và đông Âu khác, Ba Lan vẫn chưa chứng kiến một nỗ lực lớn đòi rời khỏi Liên minh Châu Âu sau sự kiện Anh bỏ phiếu rời đi, nhưng những phong trào dân tộc chủ nghĩa ở nước này, với ảnh hưởng tiếp tục gia tăng, đang kêu gọi cải tổ sâu rộng EU. Những lời kêu gọi chủ yếu do những người trẻ tuổi khởi xướng, những người thuộc thế hệ tự do hậu cộng sản. Một nghịch lý là những người này có quan điểm thường mang tính truyền thống và bảo thủ hơn nhiều so với những thế hệ trước từng chịu đựng khổ sở dưới tay Đức Quốc xã và sau này là sự đàn áp của chế độ cộng sản.
Tại một cuộc tụ tập thể hiện tinh thần dân tộc, ký ức về sự đàn áp thời cộng sản vẫn còn gây nên nỗi thống khổ.
Thế kỷ 20 đã không nhân từ với đất nước Ba Lan. Sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đã xóa sổ gần như hoàn toàn cộng đồng người Do Thái ở Ba Lan, nơi mà xã hội từng mang tính đa sắc tộc, đa văn hóa. Sau đó, chủ nghĩa cộng sản Soviet đàn áp cuộc tranh luận và tấn công văn hóa truyền thống của đất nước.
Ba Lan nằm ở Châu Âu, và ấn tượng mà nước này để lại cũng là một nước Châu Âu. Nhưng một phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy nhắm mục tiêu vào nỗ lực của EU định ra hạn ngạch người tị nạn và thúc đẩy quyền của giới LGBT, điều mà một số người Ba Lan cảm thấy là mối đe dọa đối với văn hóa truyền thống.
Lập trường đó bị ông Pawel Kasprzak bác bỏ. Ông từng là thành viên của phong trào Đoàn kết năm 1980 dẫn tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Giờ đây ông vận động chống lại những hành động của đảng cầm quyền nhằm hạn chế tòa án hiến pháp. Ông nhìn thấy một sợi dây liên kết với tuyên truyền của Nga, kẻ thù lịch sử của Ba Lan.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng chuyện đó cực kỳ nguy hiểm. Tôi tự hào nói rằng chúng tôi thuộc về phương Tây, nhưng chúng ta ở phương Tây đang đánh giá thấp mối đe dọa này. Tôi nghĩ mối đe dọa này thực sự nghiêm trọng."
Những người Ba Lan trẻ tuổi thường có một cái nhìn khác về sự tự do so với cha mẹ của họ.
Phong trào Kukiz 15, bao gồm phần lớn là người trẻ tuổi, có lập trường còn quyết liệt hơn đảng cánh hữu cầm quyền. Chủ trương của họ là ngăn chặn người tị nạn.
Pawel Szramka, một nghị sĩ thuộc phong trào này, cho biết: "Chúng tôi nói thẳng nói thật. Chúng tôi không màng tới sự tế nhị về mặt chính trị. Chúng tôi nói những gì mình nghĩ. Chúng tôi không dùng những lời hoa mỹ đắp lên những vấn đề đơn giản."
Chủ nghĩa tư bản và tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh không kìm hãm trong năm 1990 cũng đã góp phần định hình tư tưởng của giới trẻ. Những nhà phân tích nhìn thấy một nghịch lý.
Nhà xã hội học Rafal Pankowski nhận định: "Đối với những người đích thân trải nghiệm Thế chiến thứ Hai, như sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, cuộc diệt chủng Holocaust, rồi thời kỳ chế độ độc tài ở Ba Lan, nền cai trị chuyên chế, toàn trị. Họ thường có xu hướng trân trọng những quyền tự do dân sự hơn so với những người trẻ tuổi, những người không có trải nghiệm đó."
Đối với những người trẻ tuổi mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa tự do xã hội của Châu Âu hiện đại là kẻ thù.
Cô Edyta Luty, một người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trẻ tuổi, nói:
"Tôi nghĩ rằng văn hóa của chúng tôi là niềm hy vọng cho Tây Âu vì văn hoá Tây Âu đang hấp hối."
Không giống như những nơi khác ở Châu Âu, sự kiện Brexit đã không khơi gợi cảm hứng cho một nỗ lực thúc đẩy Ba Lan rời khỏi Liên minh Châu Âu, nhưng nó đã thúc đẩy những lời kêu gọi cải tổ để EU bớt can thiệp sâu. Một cuộc xung đột của hai nền văn hóa đang diễn ra trên chiến trường lịch sử này giữa Đông và Tây Âu.