Cuộc chiến đấu phức tạp và gây nhiều tranh cãi chống lại những phe phái người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria làm cho việc chống lại Nhà nước Hồi Giáo thêm khó khăn. Các nhà phân tích nói việc này cũng làm Ankara có một lập trường dè dặt trong việc chống khủng bố.
Ông Alan Makovsky, một cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ và chuyên gia về các vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ nói: “Vị thế này làm cho Thổ Nhĩ Kỳ ít có khả năng dành các nguồn lực cho cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo và ngăn chặn làn sóng chiến binh vượt qua biên giới nước này, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng làm như vậy.”
Thổ Nhĩ Kỳ đang chóang váng trước những cuộc tấn công khủng bố mới đây do các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo thực hiện. Tổng cộng có hơn 150 người thiệt mạng trong những vụ tấn công khủng bố có liên hệ đến Nhà nước Hồi Giáo trong 6 tháng qua. Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt biên giới chống lại những vụ xâm nhập của Nhà nước Hồi Giáo và gia tăng bắt giữ các nghi can Nhà nước Hồi Giáo.
Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chiến đấu chống lại các phần tử tranh đấu người Kurd được biết dưới tên PKK tại phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các cuộc giao tranh tái diễn vào tháng 7 năm ngoái.
Qua biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ xem các lực lượng người Kurd Syria có liên hệ với Đảng Đoàn kết Dân chủ (PYD) và cánh quân sự của Đảng là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), như là kẻ thù, ngay cả khi lực lượng này đang giúp Liên minh phương Tây chiến đấu chống Nhà nước Hồi Giáo tại Syria.
Ankara đang bị những tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích về việc đàn áp tàn bạo người Kurd tại phía đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Và các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những áp lực mạnh mẽ trong nước của các tổ chức đối lập cho rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không làm đủ để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi Giáo. Phe chống đối cho rằng trong một số trường hợp, chính sách của Ankara ủng hộ những đòi hỏi của Nhà nước Hồi Giáo và làm cho Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị Nhà nước Hồi Giáo tấn công khủng bố.
Ông Makovsky nói với Đài VOA là ưu tiên một của Thổ Nhĩ Kỳ là chống lại PKK, và dùng hết khả năng để hạn chế sự bành trướng của PYD tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ xem như là sự mở rộng của PKK.
Ông Ali Akel, một nhà báo và bình luận gia tại Thổ Nhĩ Kỳ nói điều này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế khả năng chống lại Nhà nước Hồi Giáo: “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như nghĩ là phải chống lại PKK. Do đó vấn đề Nhà nước Hồi Giáo được đặt ra bên cạnh.”
Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến của Liên minh phương Tây chống Nhà nước Hồi Giáo tại Syria và Iraq.
Ankara cho phép máy bay chiến đấu của Liên minh thực hiện các cuộc không kích sử dụng một căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Và các lực lượng Liên minh đã cộng tác với Thổ Nhĩ Kỳ để siết chặt biên giới nước này.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến viếng thăm Istanbul tháng trước đã yêu cầu các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi Giáo dù có những tình trạng khó xử về chính trị và quân sự.
Ông Biden nói: “Các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo không phải là mối đe dọa duy nhất đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, PKK cũng là mối đe dọa như vậy và chúng tôi nhận thức được việc này.”
PKK bị Ankara và Washington xem như là một tổ chức khủng bố, đã chiến đấu cho những quyền chính trị và văn hóa của người Kurd-Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984.
Tuy nhiên Hoa Kỳ ủng hộ các lực lượng người Kurd chống Nhà nước Hồi Giáo tại Syria.
Ông Bulent Aliriza, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington nói: “Có một khoảng cách to lớn và sự khác biệt về quan điểm giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ liên hệ đến ưu tiên giữa Syria và Nhà nước Hồi Giáo. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên là PKK và PYD. Đối với Hoa Kỳ, ưu tiên là Nhà nước Hồi Giáo.”
Các nhà phân tích nói sự khác biệt này ảnh hưởng đến khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ giúp Liên minh phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
Ông Gonol Tul giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Trung Đông nói với Đài VOA: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giải quyết vấn đề người Kurd một cách hòa bình thì chính sách về Syria một cách tổng quát và đặc biệt chính sách về Nhà nước Hồi Giáo của Mỹ sẽ khó thi hành hơn.”
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vừa mới tuyên bố là Thổ Nhĩ Kỳ cần thay đổi các mục tiêu.
Theo như trang mạng Rudaw của người Kurd thì ông al-Abadi nói: “Thổ Nhĩ Kỳ phải chuyển ưu tiên từ việc xem người Kurd là vấn đề của họ sang Nhà nước Hồi Giáo là vấn đề chính của họ".
Từ lâu Ankara bị chỉ trích là “nhìn về hướng khác” đối với những hoạt động của Nhà nước Hồi Giáo và mạng lưới của tổ chức này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên vào lúc khủng bố của Nhà nước Hồi Giáo gia tăng thì nhu cầu chống Nhà nước Hồi Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải được tăng cường.
Ông Yasin Aktay, một thành viên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đảng cầm quyền AKP tuyên bố tại Washington trong tuần này: “Nhà nước Hồi Giáo là kẻ thù trước hết của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.”
Hoa Kỳ nói Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác hợp tác và được mong đợi trong Liên minh chống Nhà nước Hồi Giáo.
Và Ankara nói Hoa Kỳ phải hiểu tình huống khó xử của Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Ahmat Davutoglu sau khi gặp Phó tổng thống Biden đã tuyên bố: “Chúng tôi luôn luôn lắng nghe các ý kiến của đồng minh và bạn bè của chúng tôi.”
Tuy nhiên ông nói thêm là “không đồng minh nào, không nước bạn này hy vọng là chúng tôi dung thứ bất cứ lực lượng vũ trang nào khác hơn là những lực lượng vũ trang hợp pháp của chính phủ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.”