Đường dẫn truy cập

Xuất hiện kiến nghị yêu cầu ‘minh bạch’ trong vụ Formosa


Xuất hiện kiến nghị yêu cầu ‘minh bạch’ trong vụ Formosa
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:58 0:00

Một bản kiến nghị với chữ ký của nhiều tổ chức môi trường, các giáo sư đại học, luật sư quốc tế đang được lan truyền trên mạng, kêu gọi chính phủ Việt Nam và công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh phải minh bạch các thông tin liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường vùng biển miền Trung.

Bản kiến nghị “đề nghị Chính phủ Việt Nam và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Việt Nam) công bố đầy đủ, chi tiết thỏa thuận bồi thường 500 triệu đôla giữa Chính phủ Việt Nam và Formosa Việt Nam, được thông báo ngày 30/6/2016”.

Đồng thời, kiến nghị cũng “yêu cầu Chính phủ Việt Nam cung cấp chi tiết kế hoạch bồi thường cho hàng chục ngàn nạn nhân và gia đình họ”, cùng với “các biện pháp bảo vệ môi trường khỏi những thiệt hại có thể phát sinh do việc Formosa Việt Nam xả chất thải độc hại ra biển trong tương lai”.

Nhóm bảo vệ môi trường Green Trees Việt Nam cũng ký tên trong bản kiến nghị trên. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm, nói với VOA rằng minh bạch là vấn đề nổi cộm nhất trong toàn bộ thảm họa môi trường được xem là lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.

Với ước muốn bảo vệ cho sức khỏe người dân, dược sĩ từ Hà Nội cho biết anh đã phải tự thân đi lấy mẫu hải sản ở miền Trung để xét nghiệm vì chính phủ quá chậm chạp và thiếu minh bạch trong việc công bố những dữ liệu cơ sở khoa học liên quan đến vụ ô nhiễm.

Anh chia sẻ:

“Bà con miền Trung sau một thời gian dài ăn gạo hỗ trợ thì không còn ăn gạo không được nữa. Họ buộc phải ăn một số loại cá ít ỏi mà họ đánh bắt được. Tuấn thấy quá nguy hiểm nên đi lấy mẫu về để xét nghiệm. Hôm đó là 29/6, khi Tuấn đi lấy mẫu cá nục thì thấy có một con mực rất to chết dạt vào bờ ở biển Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Mang về xét nghiệm thì mới ngớ người ra là cho đến thời điểm này chính phủ vẫn chưa công bố là biển bị nhiễm độc những chất gì. Bởi vì về mặt nguyên tắc thì phải biết nó nhiễm chất độc gì thì mới dễ dàng trong việc đưa ra quyết định là phải xét nghiệm chất độc nào có trong mẫu thực phẩm đó”.

Vụ hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 4, nhưng cho tới nay, vẫn không có thông tin chính thức rõ ràng từ các cơ quan chức năng cho người dân biết cụ thể mức độ an toàn của mỗi khu vực biển địa phương.

Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những đại diện pháp lý cho các nạn nhân của vụ ô nhiễm môi trường Formosa, cho rằng việc không công khai những thông tin liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân là một việc làm không có lợi:

“Đề nghị không khuyến khích người dân, thậm chí là hạn chế người dân đánh cá ở vùng gần bờ. Bởi vì làm như thế cũng không có lợi cho việc phát triển thủy sản bền vững. Nhiều khi cũng phải nói thật với người dân. Còn nếu không, cứ để mặc cho người dân đánh cá thì cá cũng không tiêu thụ được. Và chi phí đánh cá, như nhiều người dân nói với tôi, là bằng gấp mấy lần chi phí bán cá”.

Ngoài các dữ liệu khoa học, cơ quan hữu trách của Việt Nam còn bị lên án về việc thiếu minh bạch trong việc công bố các chứng cứ, thông tin liên quan đến Formosa, làm dấy lên nghi ngờ về việc chính quyền “đi đêm” với thủ phạm gây ra ô nhiễm.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:

“Tuyên bố về 53 hay 58 sai phạm gì đó của Formosa mà ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho là căn cứ để luận tội Formosa và để ép Formosa nhận tội, thì cho đến nay vẫn chưa biết sai phạm đó bao gồm những sai phạm gì”.

Hôm 13/12, báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm phải tiếp tục quan trắc nước biển và công khai kết quả cho người dân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG