Do sức ép và lịch sử phá hoại của phương Bắc, các tàu thăm dò địa chấn của PVN và các liên doanh giữa PVN với nước ngoài trên vùng EEZ của Việt Nam vẫn thường được các tàu quân sự hộ tống. Trong trường hợp của Bình Mình 02, tàu này cũng được 03 tàu quân sự của Việt Nam hộ tống. (Có lẽ) vì lẽ đó tàu Bình Minh 02 không bị tấn công. Tuy nhiên, các tàu hộ tống này đã không làm gì được trước việc 3 tàu chiến (dưới danh nghĩa tàu hải giám) của Trung Quốc vào cắt đường cáp do Bình Minh 02 đặt.
Điều này ít nhiều thể hiện sự lúng túng của các tàu hộ tống của Việt Nam trước động thái khiêu khích và phá hoại của Trung Quốc.
Cách đây không lâu Phillipines cũng gặp một vụ tương tự nhưng cách xử lý của họ hơi khác. Bloomberg dẫn lời của Thiếu Tướng Juancho Sabban cho biết vào ngày 3 tháng 3, hai tàu tuần dương của Trung Quốc đã ép tàu thăm dò địa chất của Phillippines (làm việc cho hãng Forum Energy Plc) phải rời khỏi khu vực tranh chấp – cách đảo Palawan của Philippines khoảng 250 km. Các tàu tuần dương của Trung Quốc chỉ bỏ đi sau khi Phillipines cử hai máy bay chiến đấu tới vùng biển này.
Cần nhớ các động thái này của Trung Quốc cơ bản là để nắn gân các nước như Việt Nam và Phillipines. Nó có hai tác dụng chính.
Thứ nhất, nó giúp dò xét thái độ của các nước này như thế nào. Điều này hết sức quan trọng vì từ phản ứng của Việt Nam và Phillipines, Trung Quốc có thể xác định được nên “lấn tới” (trong trường hợp hai nước kia “nhân nhượng”) hay nên kiềm chế bớt động thái khiêu khích.
Thứ hai, nó giúp gửi một tín hiệu cứng rắn tới Việt Nam và Phillipines về lập trường của Trung Quốc. Nó cho các nước này thấy (một phần) sự sẵn sàng của Trung Quốc về việc sử dụng các biện pháp bạo lực trong trường hợp cần thiết. Điều này có lợi cho Trung Quốc trong các bước đàm phán với từng nước láng giềng.
Trong trường hợp như vậy, phản ứng mềm yếu của Việt Nam hay Phillipines sẽ là một sai lầm chết người về chiến lược. Nó sẽ giúp Trung Quốc thêm quyết tâm lấn tới và tăng sức ép với các nước này. Vì thế, phản ứng mềm yếu sẽ làm vấn đề tranh chấp sẽ càng phức tạp hơn chứ không đơn giản đi.
Bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là thăm dò và khai thác ở vùng nước sâu ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Phillipines, gần với các vùng quần đảo đang bị tranh chấp.
Việc này trên thực tế đang được Trung Quốc ráo riết chuẩn bị tiến hành. Hôm 28 tháng 5 vừa rồi, VietnamNet trích đăng lại từ Tân Hoa Xã cho biết CNOOC (nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc) có kế hoạch thăm dò và khai thác 12 lô ở khu vực đông Biển Đông và 7 lô ở phía tây Biển Đông. Chiến lược của tập đoàn này là đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu (trong vùng Biển Đông).
Để việc này trở thành câu chuyện “hết sức bình thường”, việc Trung Quốc sẽ làm là tạo ra một ấn tượng đối với các nước láng giềng rằng ngay cả các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ cũng là vùng chủ quyền của Trung Quốc. Giống như bà Khương Du (phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc) trả lời liên quan đến sự kiện tàu Bình Minh 02: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”. Khi nguy cơ ở ngay gần biên ải thì người ta không thể chú tâm đến những chuyện ở phương xa. Vì thế, gây sức ép trong các vùng EEZ của Việt Nam và Phillippines sẽ làm giảm sự phản kháng của các nước này khi Trung Quốc thăm dò và khai thác ở các vùng nước sâu giữa Biển Đông.
Trong việc phản ứng lại với các động thái của Trung Quốc thì cần nhớ rằng mục tiêu của họ không phải chỉ là gây hấn. Thay vào đó, gây hấn là một nước cờ trong nhiều nước cờ để đạt đến mục tiêu là thong dong thăm dò và khai thác dầu ở vùng nước sâu ngoài Biển Đông. Nếu như vài năm trước đây Trung Quốc không có công nghệ để làm việc này thì hiện nay họ đã có, và vì thế họ sẽ làm.
Việc ngăn chặn họ thực hiện mục tiêu này sẽ hết sức khó khăn. Và nếu muốn làm được câu chuyện ngăn chặn này thì ít nhất Việt Nam cũng phải thành công trong việc không để họ dọa nạt (bully) ngay trên sân nhà – tức là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam và Phillipines nên mạnh dạn sử dụng các biện pháp ngăn chặn (deterrence). Phillippines đã thành công trong việc đuổi tàu Trung Quốc bằng việc cử máy bay chiến đấu ra khu vực xảy ra va chạm. Việt Nam chưa thành công lắm trong sự kiện Bình Minh 02 khi có tới 3 tàu hộ tống ở gần tàu Bình Minh 02 nhưng lại không làm gì được khi tàu chiến Trung Quốc lại gần và sử dụng thiết bị cắt cáp của tàu thăm dò này.
Nhưng đối phó như thế nào? Câu hỏi này nên được trả lời bằng cách nhìn bằng một góc nhìn so sánh: Nếu Trung Quốc đưa xe tăng qua biên giới phá hoại một nhà máy ở Cao Bằng thì Việt Nam sẽ đối phó như thế nào?
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.