Năm nay, cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc kỷ niệm năm thứ 60 Công Ước Tị Nạn năm 1951, và năm thứ 50 Công Ước Giảm Tình trạng Người Vô Tổ Quốc. Những ngày kỷ niệm này diễn ra trong bối cảnh mà Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc mô tả là một năm cực kỳ khó khăn.
Ông Antonio Gutierres nói rằng ba trường hợp khẩn cấp quan trọng xảy ra liên tiếp hồi năm ngoái đã thử thách khả năng của Phủ Cao Ủy Tị Nạn và các cơ quan khác trong việc ứng phó trước nhu cầu to lớn của hằng triệu người.
Ông nói rằng hơn 200.000 người tị nạn chạy khỏi Côte d'Ivoire sau cuộc bầu cử bị tranh chấp hồi cuối năm 2010, và hằng trăm ngàn người khác đã trở thành những người bị buộc phải dời cư trong lãnh thổ nước họ.
Tiếp theo sự kiện này là những biến cố lớn tại Bắc Phi. Ông nói rằng hằng trăm ngàn người đã bị bứng gốc, và trở thành nạn nhân của các hành vi bạo động và vi phạm nhân quyền trong các vụ xáo trộn bắt nguồn từ biến cố được gọi là Mùa Xuân Ả Rập tại Tunisia, Ai Cập, và Libya.
Nhưng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ nói rằng trong những ngày sắp tới, tình trạng còn trở nên tệ hại hơn nữa.
Ông nói: “Trong khi nạn hạn hán tiếp tục xấu đi trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên tại Somalia, hơn 270.000 người chạy khỏi quốc gia này nâng tổng số người Somali tị nạn trong vùng lên tới 900.000 người. Một triệu rưỡi người nữa phải dời cư trong nước. Như vậy là gần 1/3 dân số Somalia đã bị buộc phải dời bỏ nhà cửa của họ.”
TEXT: Ông Guterres gọi tình trạng khô hạn tại Sừng Châu Phi, vốn đã ảnh hưởng tới hơn 12 triệu người, là một cuộc khủng hoảng nhân đạo với tầm cỡ không thể tưởng tượng được.
Ông ca ngợi sự rộng lượng của các quốc gia như Tunisia và Ai Cập, Ý và Malta, Kenya, Ethiopia, và Yemen vì đã mở ngỏ biên giới cho những người tị nạn tuyệt vọng tìm nơi tạm trú.
Đồng thời, ông nói rằng sự bảo vệ dành cho người tị nạn trên toàn thế giới đang suy giảm với sự gia tăng của nạn kỳ thị chủng tộc, tình cảm bài ngoại, phân biệt đối xử, và tinh thần bất dung chấp.
Ông nhận định: “Vào thời kỳ có nhiều lo âu như hiện nay, những thông điệp về sự khác biệt của những người khác và tinh thần không dung chấp tạo ra mối lo sợ chung về những gì mới và xa lạ. Tình cảm chống người nước ngoài tăng cao tại nhiều nước đã gây ra mối đe dọa thật sự cho đời sống và phúc lợi của dân tị nạn, và phá hoại những giá trị phổ quát của lòng bao dung và sự tôn trọng phẩm giá con người.”
Ông Gutierres đồng ý rằng các chính phủ phải giải quyết mối quan tâm chính đáng của họ về an ninh, kinh tế và xã hội của công dân nước họ. Nhưng ông nói rằng không nên để dân tị nạn, những người bị buộc phải dời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, hạn hán, và thiếu an ninh lương thực, trở thành nạn nhân của những thái độ hay chính sách chống di dân.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đề nghị các quốc gia hãy mở cửa biên giới để đón những người chạy nạn để tránh các cuộc giao tranh, bị ngược đãi và cảnh khốn cùng. Ông Guterres nói ông quan ngại về tình cảm bài ngoại đang tăng vào một thời kỳ có nhiều trường hợp khẩn cấp liên quan tới người tị nạn. Ông Gutierres phát biểu như thế tại phiên khai mạc hội nghị thường niên của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Geneve.