Cách biệt giữa người giàu và người nghèo gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế chính trên thế giới và hiện nay ở mức cao nhất trong 30 năm qua.
Một phúc trình được công bố vào hôm thứ Hai của tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế OECD, một tổ chức nghiên cứu và chính sách, trụ sở tại Paris có 34 quốc gia thành viên, kêu gọi các chính phủ hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề bất bình đẳng ngày càng tăng.
Phúc trình cho thấy sự cách biệt về lợi tức của 10% người giàu nhất và 10% người nghèo nhất đã gia tăng tại hầu hết các nước thành viên của OECD. Hố cách biệt lớn nhất là tại Chilê và Mexico nơi người giàu nhất làm ra tiền 25 lần hơn người nghèo nhất. Tỉ lệ này là 14-1 tại Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel; 10-1 tại Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Anh và 6-1 tại Đức, Đan Mạch và Thuỵ Điển.
Tổng Thư Ký OECD Angel Gurria nói cuộc nghiên cứu cho thấy “khế ước xã hội bắt đầu được sáng tỏ tại nhiều quốc gia.”
Ông Gurria nói cuộc nghiên cứu cũng cho thấy lợi ích của tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia không phải tự động lan tỏa được xuống giới người nghèo.
OECD cho rằng có nhiều yếu tố gây nên sự gia tăng cách biệt về lợi tức, gồm có thay đổi về thuế, chính sách về quyền lợi của công nhân viên và sự khác biệt về giáo dục và huấn luyện.