Các trận lụt khủng khiếp ở Pakistan đang tác động đến khoảng 20 triệu người. Một cơn động đất mạnh ở Haiti hồi đầu năm nay đã tác động đến khoảng 3 triệu người, hàng trăm ngàn người còn đang chịu cảnh không nơi trú thân.
Hàng triệu người đau khổ vì hạn hán ở Niger. Hàng triệu người khác chật vật để sống còn ở Afghanistan bị tan nát vì chiến tranh, ở Iraq, ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo – và danh sách còn dài.
Ở bất cứ nơi nào xảy ra chiến tranh, hay thiên tai, nhân viên cứu trợ nhân đạo đều mau chóng xuất hiện tại hiện trường. Nếu không có nhân viên cứu trợ nhân đạo, hàng trăm triệu nạn nhân của những tai họa thiên nhiên cũng như nhân tạo sẽ không được giúp đỡ – nhiều người thậm chí không sống sót nổi.
Bất kể dịch vụ cấp thiết mà họ cung cấp, Liên hiệp quốc nói rằng nhân viên cứu trợ nhân đạo đang ngày càng bị đe dọa. Một nữ phát ngôn viên của Chương trình Thực phẩm Thế giới, bà Emilia Casella, nói với đài VOA rằng nhân viên cứu trợ nhân đạo đang đứng trước những rủi ro ngày càng nhiều đối với sự an toàn của họ.
Bà Casella nói: “Năm 1999, có 30 nhân viên cứu trợ nhân đạo bị sát hại trong khi thi hành nhiệm vụ. Và tôi muốn nêu ra điểm là đại đa số những người đó thực sự là nhân viên của quốc gia mà họ đang làm việc. Mười năm sau, tức là năm ngoái, có 102 nhân viên cứu trợ bị thiệt mạng trong khi đang công tác và chính tổ chức của chúng tôi, Chương trình Thực phẩm Thế giới, cũng mất đi 16 người trong các sự cố hồi năm ngoái, trong khi họ đang thực hiện công tác nuôi ăn những người đói kém và yếu đuối nhất trên thế giới.
Bà Casella nói có định kiến sai lầm rằng cứu trợ nhân đạo là chỉ do các tổ chức Tây phương cung cấp, nhiều tổ chức là do động cơ chủ thuyết hay tôn giáo.
Bà nói nhận định sai lầm này phần lớn là nguyên do xảy ra những vụ tấn công nhắm mục tiêu vào nhân viên cứu trợ nhân đạo. Theo bà, thực tế hoàn toàn khác. Bà nêu ra rằng đa số nhân viên cứu trợ là người địa phương. Và bà nói tất cả các nhân viên cứu trợ đều xử lý viện trợ một cách trung lập và độc lập.
Bà Casella nói tiếp: “Khi thấy các đồng sự của ta bị mất mạng hoặc bị thương trong khi thi hành các công tác cấp thiết và quan trọng, thì ta cảm thấy tức giận và bực bội rằng mọi người không hiểu là điều mà họ đang làm là những điều mà không ai khác muốn làm. Họ đến nơi để giúp trẻ em, giúp các quả phụ, những người già cả – những người không thể tự lo cho mình được.”
Cách đây 7 năm, vào ngày 19 tháng 8, một quả bom khủng bố đã phá huỷ trụ sở Liên hiệp quốc ở Baghdad. Có ít nhất 22 người thiệt mạng, kể cả vị Đại diện đặc biệt là ông Sergio Vieiro de Mello. Hơn 100 người bị thương.
Một vụ đánh bom thứ hai sau đó một tháng đã khiến Liên hiệp quốc phải rút 600 nhân viên ra khỏi Iraq, gây thiệt hại cho các công tác nhân đạo.
Bà Casella của Chương trình Thực phẩm Thế giới nói rằng điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng nhân viên cứu trợ nhân đạo đang thi hành một công tác mang tính cách quan trọng sống còn. Bà nói nếu không có các nhân viên này, thì sẽ có thêm rất nhiều đau khổ trên thế giới.
Trong khi cử hành Ngày Nhân đạo Thế giới năm nay, Liên hiệp quốc nhắm mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về những rủi ro đối với nhân viên cứu trợ, cả nam lẫn nữ, phục vụ cho các nạn nhân thiên tai cũng như những vụ xung đột trên khắp thế giới. Ngày này cũng vinh danh nhân viên cứu trợ nhân đạo đã hy sinh tính mạng hay chịu các thương tích trong khi thi hành phận sự. Từ Geneva, thông tín viên VOA Lisa Schlein ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.