World Cup sẽ là một lễ hội chào mừng bóng đá và các danh thủ sắp ghi được các kỳ tích. Nhưng các nhà xã hội học và kinh tế học Hoa Kỳ lo ngại về tác động xã hội mà giải này có thể gây ra cho người dân bình thường ở Nam Phi.
Ông Tony Roshan Samara thuộc trường đại học Georgetown ở Virginia đã theo dõi sự chuyển biến của một trong những thành phố sẽ diễn ra các cuộc tranh tài là Cape Town trong thập niên vừa qua. Một sân vận động mới trị giá hơn 600 triệu đôla đã được xây dựng ở đó để hội đủ các tiêu chuẩn chủ trì trận đấu bán kết.
Ông Samara nói: “Trong một thành phố mà bạn phải chật vật để cung cấp nhà cửa, giáo dục, dịch vụ tham vấn về ma túy, trong một thành phố đang phải đối phó với cơn dịch khủng khiếp về methamphetamin, chi ra một khoản tiền lớn như thế vào việc xây một sân vận động, đó là một vấn đề phân phối tài lực – liệu đấy có phải là một sự phân phối tài lực thông minh cho một trận bóng đá chủ yếu chỉ kéo dài có 90 phút trong khi ta có một thành phố đang chật vật đối phó với tất cả những vấn đề xã hội và phát triển như thế này.”
Ông Samara đang viết một cuốn sách về Cape Town, nói rằng để chuẩn bị cho World Cup, những người vô gia cư đã bị di dời đến một trại bên ngoài trung tâm thành phố.
Ông Samara nói tiếp: “Đây là một nơi tập trung mà họ đã dời tất cả những người không nhà cửa, hay là đa số những người không nhà cửa ở trung tâm thành phố. Đây chủ yếu là một khu trại rào kẽm gai để giam giữ những người này, mà đấy mới chỉ là vấn đề tệ hại nhất trong việc dời cư.”
Nhà xã hội học của trường Đại học Goergetown cũng nêu ra điểm hàng trăm nhà buôn bán không chính thức đã bị dời ra xa khỏi sân vận động mới.
Ông Samara cho biết: “Địa điểm của sân vận động nguyên là tụ điểm của khoảng 800 nhà buôn gặp nhau để trao đổi hàng hóa. Đó là một cái chợ, đã từng hiện hữu ở đó ít nhất 20 năm, nếu không nói là lâu hơn. Và dường như đám buôn bán này cũng sẽ phải vĩnh viễn rời khỏi chỗ này.”
Ông Samara nói World Cup được trình bầy như một vận hội kinh tế cho người dân Nam Phi. Nhưng ông lập luận rằng nó đang làm cho một xã hội vốn đã chia rẽ trong thời hậu apacthai nay lại càng trở nên chia rẽ hơn.
Nhà kinh tế học và chuyên gia về châu Phi của Hoa Kỳ, ông James Stewart vừa trở lại sau một chuyến thăm Nam Phi. Ông cũng có những mối quan tâm về tác động dài hạn của việc các giới chức Nam Phi chú trọng quá nhiều vào một diễn biến thể thao.
Ông Stewart nói: “Họ đang chi ra những khoản tiền lớn mà lẽ ra có thể dùng vào việc cải thiện đời sống cho những người thiếu may mắn. Và rõ ràng ở Nam Phi, con số người thiếu may mắn và nghèo khó thực là khổng lồ.”
Ông Stewart nói ông nghĩ rằng Nam Phi sẽ là một nước đang cai World Cup tốt, và sẽ trưng bầy một bộ mặt đẹp cho toàn thể châu Phi. Nhưng ông nói thêm rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ông Stewart nói tiếp: “Tôi nghĩ đây là một cơ hội để gột bỏ một sô huyền thoại về Nam Phi và về châu Phi nói chung. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều người, nhất là ở Hoa Kỳ, nghĩ về châu Phi theo thể cách đã được mô tả trong những phim Tarzan và rõ ràng không phải là như thế. Và quả thực là có những cơ hội to lớn cho phát triển. Có rất nhiều tiến bộ đang được thực hiện, nhưng cũng có rất nhiều công tác bổ sung cần phải làm. Và đối với tôi là người xuất xứ ở Hoa Kỳ, trong khi tôi đi du khảo và quan sát, thì tôi vẫn rút ra những so sánh trong tiến trình lịch sử mà Hoa Kỳ đã trải qua. Tôi có thể nói rằng nhất là tại các vùng nông thôn, Nam Phi có lẽ tụt hậu tới 50 năm so với hiện trạng của chúng ta về mặt các bất bình đẳng chủng tộc.”
Ông Stewart nói ông nhìn thấy những điểm tương đồng giữa Hoa Kỳ và Nam Phi. Ông cho rằng có những thách thức chung trong việc giải quyết vấn đề phát triển mới – bảo đảm rằng các thành viên trong xã hội vốn đã gặp khó khăn về kinh tế không trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Các quan điểm tương tự đã được phổ biến trong các bản tin trên Internet trước giải World Cup. Một người viết đã tự hỏi tại sao lại chi nhiều tiền như vậy cho sự kiện này, nói rằng anh ta yêu bóng đá, nhưng phải đặt đời sống của con người lên trên môn thể thao này.
Các nhà kinh tế học khác, ban tổ chức giải bóng đá và các giới chức Nam Phi nói rằng World Cup sẽ mang lại các vận hội kinh tế ngay bây giờ và sau này nữa cho tất cả người dân Nam Phi, và cho toàn châu Phi nói chung, bằng cách thu hút sự chú ý vào những cải tiến hạ tầng cơ sở của châu lục này, vào tiềm năng du lịch và công nghiệp điện thoại di động đầy hấp dẫn.
Trong khi Nam Phi chuẩn bị đang cai giải bóng đá World Cup vào cuối tuần này, một số học giả Hoa Kỳ cảnh báo rằng cuộc tranh tài có thể làm cho các bất bình đẳng về chủng tộc sau thời apacthai trở nên tệ hại hơn. Thông tín viên VOA Nico Colombant ghi nhận rằng các chuẩn bị có thể đã gạt ra ngoài lề những thành phần nghèo khó nhất trong xã hội Nam Phi.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1