Đường dẫn truy cập

Ai sẽ là lãnh đạo mới của Ngân hàng Thế giới?


Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick

Tiến trình chọn người đứng đầu kế tiếp của Ngân hàng Thế giới, WB, có những tranh cãi, nhưng rút cục thường chấm dứt theo truyền thống là đưa một người Mỹ lên lãnh đạo. Với nhiệm vụ chính là chống nghèo đói toàn cầu, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần để một người không phải công dân Mỹ đứng đầu WB.

Việc bổ nhiệm thay thế ông Robert Zoellick, người chót nhất trong danh sách dài gồm toàn người Mỹ đứng đầu WB, không được công bố cho đến khi các giới chức ngân hàng rút ngắn danh sách ứng viên chỉ còn lại 3 người.
Việc này có lẽ sẽ xảy ra sau ngày 23 tháng Ba khi quy trình tiến cử chấm dứt.

Theo một thỏa thuận không chính thức đã bị chỉ trích là lỗi thời và bất công, điều hành WB luôn luôn là một người Mỹ. Chính quyền Obama nói họ sẽ chỉ định một ứng viên mạnh vào chức vụ này.

Ông Hekinus Manao, người Indonesia, một viên chức hàng đầu của WB nói định chế này dùng tiêu chuẩn tài năng để tìm người vào chức vụ lãnh đạo.

Ông nói nhiệm vụ của Ngân hàng Thế giới là xóa đói giảm nghèo, điều này có nghĩa là các quốc gia thành viên của ngân hàng nên cử những người có kinh nghiệm quốc tế và có quyết tâm phát triển.

Tuy nhiên nữ dân biểu Hoa Kỳ Betty McCollum, đồng trưởng nhóm dân biểu quan tâm đến WB, nói chủ tịch sắp ra đi Robert Zoellick đã lập nhiều thành tích đối phó với giá lương thực tăng cao, bệnh tật, chiến tranh và nghèo đói, do đó, cần phải để cho một người Mỹ khác đảm nhận chức vụ này.

Bà nói Hoa Kỳ tài trợ phần lớn nhất cho ngân hàng cho nên nếu có một người Mỹ chịu trách nhiệm lãnh đạo sẽ tạo thuận lợi cho việc thuyết phục những nhà làm luật Mỹ ngần ngại chấp thuận tài trợ cho WB trong thời điểm ngân sách eo hẹp hiện nay. Bà nói:

“Một người nước khác có thể làm chủ tịch được không? Có thể lắm. Người này sẽ gặp khó khăn thuyết phục Quốc hội Mỹ hơn không? Chắc chắn là như vậy.”

Việc tìm người đứng đầu WB gặp một diễn biến bất thường khi ông Jeffrey Sachs, một chuyên viên phát triển có uy tín đang đứng đầu một viện nghiên cứu của trường đại học Columbia tại New York tự mình đề cử chức vụ này.

Dù là người Mỹ, ông được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có Kenya và Malaysia. Cho đến nay, chính quyền Obama chưa ủng hộ ông hay một người nào khác.

Báo chí chuyên về tài chánh đã nhắc đến nhiều ứng viên, trong đó có Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice, từng có kinh nghiệm làm việc với các nước châu Phi.

Những ứng viên khác là bà Indra Nooyi, người Mỹ gốc Ấn Độ đang là CEO của tập đoàn Pepsi; và Nandan Nilekani, người sáng lập Infosys, một đại công ty công nghệ của Ấn Độ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG