Đường dẫn truy cập

Những ý kiến khác biệt về sáng lập viên WikiLeaks


Sáng lập viên của trang mạng WikiLeaks Julian Assange
Sáng lập viên của trang mạng WikiLeaks Julian Assange

Chuyện WikiLeaks cho công bố những điện văn ngoại giao mật của chính phủ Hoa Kỳ đã khiến giới chính trị gia tức giận, làm cho những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận lên tinh thần và làm nảy sinh nhiều vụ tin tặc tấn công các trang mạng của các công ty và cá nhân bị cho là chống lại trang web của sáng lập viên Julian Assange. Hiện ông ta đang bị giam vì những cáo trạng liên hệ đến cưỡng bức tình dục do hai phụ nữ khởi tố.

Trong mấy tháng qua, sáng lập viên của trang mạng WikiLeaks Julian Assange đã có mặt tại Anh quốc, cư ngụ ở một cơ sở tư, nơi phần lớn được các ký giả sử dụng. Ông Vaughn Smith, sở hữu câu lạc bộ này, cho hay 96% các hội viên câu lạc bộ ủng hộ cho ông Assange. Ông Smith đã có mặt bên cạnh ông Assange khi ông ta ra trình diện với cảnh sát Anh. Ông nói: "Tôi không nghĩ ông là con người sắt đá, tôi cho rằng ông là một người có quyết tâm, nhưng là một người giống như quí vị, như tôi, rất sợ phải vào tù. "

Chuyện WikiLeaks tiết lộ những tài liệu mật của chính phủ đã làm công luận chia rẽ và làm nảy sinh cuộc tranh luận về vấn đề công chúng cần biết những gì. Ngoài mặt, ông Assange tỏ ra lạnh lùng và xa vắng. Ông Jerold Post là một giáo sư dạy môn tâm lý tại trường đại học George Washington. Ông cho biết: "Nói chung, cái bề ngoài tự mãn đầy vẻ kiêu hãnh về sự ưu việt đó ẩn chứa một sự bất an nội tâm lớn. Đây là một người đã phải dời chỗ ở đến 37 lần trước khi đến tuổi 14."

Theo giáo sư Post, ông không thể đưa ra một chẩn đoán tâm lý nào về ông Assange vì ông chưa hề gặp mặt nhân vật này. Nhưng ông nói lối xử sự của ông Assange cho thấy dường như ông ta tự kỷ trung tâm một cách bệnh lý. Giáo sư Post phát biểu: "Có gợi ý cho là ông ta sống một cuộc đời khá cô đơn, mặc dù là ông có một số những người ái mộ. Và rằng ông ta ngày càng trở nên hống hách hơn, gần như một nhà độc tài toàn trị trong chuyện mà ông ta quyết định làm."

Trong khi đó thì cô Jo Glanville làm việc cho tổ chức cổ vũ cho quyền tự do ngôn luận Index on Censorship, đã từng gặp ông Assange, cho biết ý kiến: "Tôi nghĩ ông là một người rõ ràng tận tụy hết mình cho những gì mà ông làm, một người mà cả đời chỉ xoay quanh WikiLeaks. Ông lang thang từ nơi này đến nơi khác. Ông là một người du mục và hoàn toàn tận tụy cho lý tưởng của ông." Cô còn nói thêm: "Theo tôi, ông ta là một người có sức thu hút quần chúng, và đôi chút khó hiểu."

Theo ông Vaughn Smith thì vấn đề này không rõ ràng đen trắng, nhưng chuyện WikiLeaks đã đặt ra câu hỏi về hạnh kiểm của các ký giả và các chính phủ. Ông nói: "Tôi không nói là tôi nhất thiết cảm thấy vui hay dễ chịu với tất cả những gì được tiết lộ, tôi chỉ cho rằng cần phải có một tầm nhìn thật rộng lớn, bao quát, để có thể hiểu được điều gì đang xảy ra."

Ông Assange đã chia đôi quan điểm của thế giới làm hai phe. Thủ tướng Australia Julia Gillard gọi việc thành lập WikiLeaks là bất hợp pháp. Bà nói: "Chuyện này đã không xảy ra nếu như không có một hành động bất hợp pháp được thực hiện."

Bộ trưởng Ngoaị giao Austtralia qui lỗi cho Hoa Kỳ đã để tin mật bị lộ bởi vì có quá nhiều người có thể tiếp cận được với những điện văn này. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã lên án WikiLeaks và nói rằng đang cho điều tra xem ông Assange có vi phạm luật pháp Hoa Kỳ hay không.

Những công ty đã từ chối không làm ăn với WikiLeaks nữa như PayPal, Visa và MasterCard đang thấy rằng họ bị tin tặc tấn công.

Trong khi đó thì những vụ tiết lộ tin mật vẫn tiếp tục, ngay cả khi ông Assange vẫn còn bị giam giữ. Tại quê hương Australia của ông, và trên khắp thế giới, đã có những cuộc biểu tình ủng hộ cho ông Assange. Nhưng dẫu gì đi nữa, người ưa lẫn kẻ ghét đều nói rằng không cần biết điều gì xảy đến cho ông Assange, cái gì mà ông đã bắt đầu có thể sẽ không bao giờ ngăn chặn được nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG