Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 19/4 thông báo rằng họ đã được báo cáo về một trường hợp nhiễm virus cúm A (H9N2) trên người tại Việt Nam vào đầu tháng này, nhưng đánh giá rằng nguy cơ lây nhiễm thấp trong cộng đồng.
Bệnh nhân có bệnh lý nền và trong tình trạng nghiêm trọng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt vào ngày 21/3/2024. Người ta lấy mẫu hô hấp trong cùng ngày và xét nghiệm bằng phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực (PCR) đưa ra kết quả dương tính với cúm. Đến ngày 8/4, bệnh nhân được xác định đã nhiễm cúm gia cầm A (H9N2).
Còn theo thông tin của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, bệnh nhân là nam, 37 tuổi, làm thợ hồ ở tỉnh Tiền Giang, được chuyển lên TP.HCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan, theo dõi nhiễm trùng huyết.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A. Ngày 1/4, xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện có kết quả là bộ gene của virus cúm A (H9N2).
WHO nói trong thông báo của họ rằng “Qua xác minh, bệnh nhân này sống gần chợ gia cầm, nơi việc buôn bán gia cầm diễn ra hàng ngày trước cửa nhà ông”. Tính đến ngày 15/4, vẫn chưa có báo cáo về trường hợp nhiễm mới trong số những người tiếp xúc với ca bệnh này hoặc bùng phát dịch trong cộng đồng nơi ca bệnh cư trú.
Đây là ca nhiễm virus cúm gia cầm A (H9N2) đầu tiên ở người được báo cáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên thông tin có sẵn, WHO đánh giá nguy cơ đối với cộng đồng nói chung do loại virus này gây ra là thấp.
Cúm A (H9N2) là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm gia cầm A (H9N2) trên người thông qua tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, theo WHO.
Trường hợp một người Việt bị nhiễm kể trên không làm thay đổi các khuyến nghị hiện tại của WHO về các biện pháp y tế cộng đồng và giám sát bệnh cúm. Tuy vậy, một cuộc điều tra kỹ lưỡng về mọi ca nhiễm trên người là điều cần thiết, WHO đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, WHO cảnh báo rằng công chúng nên tránh tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như chợ/trang trại động vật sống và gia cầm sống hoặc các bề mặt có thể bị ô nhiễm bởi phân gia cầm.
Trường hợp người đầu tiên nhiễm virus cúm gia cầm A (H9N2) chủng độc lực thấp mà Việt Nam ghi nhận đã được Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói đến trước cả WHO trong một thông cáo của cơ quan này hôm 12/4.
“Đây là một loại cúm gia cầm khác với loại virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1) được báo cáo phổ biến nhất trên toàn cầu và hiện đang gây ra dịch bệnh ở gia cầm và gia súc ở Hoa Kỳ”, CDC cho biết.
Tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc nhiễm virus A (H9N2) trên người ở Việt Nam đang gây lây lan từ người sang người hoặc gây ra mối đe dọa cho công chúng Hoa Kỳ, CDC nói thêm.
Theo CDC, cúm A (H5N1) ở chim hoang dã đã dẫn đến bùng phát dịch ở gia cầm thương phẩm, đàn gia cầm thả vườn và lây lan sang các loài động vật có vú hoang dã, với một số trường hợp trên người đã được báo cáo ở 23 quốc gia kể từ năm 1997 với tỷ lệ tử vong trên 50%, nhưng chỉ một số ít trường hợp H5N1 trên người được báo cáo kể từ năm 2022.
Diễn đàn